Trước đây, đã có lúc người hâm mộ Đà Nẵng từng chạnh lòng khi nhìn vào thành phần đội bóng đá Đà Nẵng. Bởi lúc ấy, ngoài Hùng Dũng, Quang Cường, Đỗ Ngọc Thế là người Đà Nẵng, còn lại, đội Đà Nẵng là tập hợp những cầu thủ tứ phương. Mãi đến giữa những năm 2000, người Đà Nẵng mới có thể tự hào khi lứa cầu thủ trẻ Thanh Phúc, Quốc Anh, Phước Vĩnh rồi Thanh Hưng, Nguyên Sa, Cao Cường, Hùng Sơn, Hoàng Quãng… lần lượt trưởng thành, để tạo nên một bộ khung đúng “chất Đà Nẵng”.
|
Sự gắn bó tình cảm mới giúp các cầu thủ SHB Đà Nẵng (phải) cống hiến bằng tất cả nhiệt tâm và tạo nên bản sắc cho bóng đá sông Hàn. |
Thế nhưng, sau V-League 2010 hoàn toàn thất bại, Ban Huấn luyện SHB Đà Nẵng đã có những cuộc tuyển mộ khá rầm rộ và tạo nên những luồng dư luận trái chiều.
Lần lượt, Minh Phương đến từ Đồng Tâm Long An, thủ môn Văn Thạch về từ Khánh Hòa, rồi những Ngọc Thanh (Xi-măng Hải Phòng), Văn Tươi (Tiền Giang), Cảnh Lâm (Thừa Thiên-Huế) trở thành quân của SHB Đà Nẵng. Chắc chắn, số “tân binh” của đội bóng sông Hàn không chỉ dừng lại ở đó bởi trung vệ Quốc Anh (Tiền Giang) và một số cái tên khác đang là “đích ngắm” của SHB Đà Nẵng.
Khi được hỏi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa trả lời chắc nịch:
- Chúng tôi chỉ tuyển mộ những vị trí đang thiếu. Vì thế, có thể yên tâm khi bản sắc bóng đá Đà Nẵng không thể bị đánh mất. Và việc tuyển mộ cũng với mục tiêu giúp SHB Đà Nẵng mạnh lên chứ không thể làm CLB yếu đi.
Thế nhưng, chẳng thể buộc người hâm mộ không thắc mắc; trong đó, việc thủ môn Đức Cường phải chuyển sang Hòa Phát Hà Nội, nhường chỗ cho một đồng nghiệp không hẳn xuất sắc hơn đã dấy lên những hoài nghi về tính minh bạch.
Đã có những ý kiến về việc HLV thủ môn Trương Văn Lợi... ngại sử dụng những học trò do chính mình đào tạo bởi sợ trách nhiệm nếu các thủ môn trẻ phạm sai lầm (!). Vì thế, tuyển dụng cầu thủ đến từ nơi khác là phương án “an toàn” nhất cho HLV này. Bởi lẽ, Đà Nẵng vẫn còn đó Xuân Nam, Thanh Bình và thời gian cùng các điều kiện để những thủ môn trẻ này tích lũy kinh nghiệm chẳng phải không có khi Võ Văn Hạnh vẫn còn 2 năm hợp đồng với SHB Đà Nẵng.
Ở những vị trí khác, một số cầu thủ SHB Đà Nẵng khẳng định, Ban huấn luyện muốn sử dụng những bản hợp đồng mới tạo thành “đối trọng” với những cầu thủ Đà Nẵng vốn bị nghi ngờ có tư tưởng chống đối Ban huấn luyện; nhất là sau một lượt về bết bát tại V-League 2010. Nếu nhìn ở giác độ chuyên môn, không hẳn những người mới đến lại “sáng giá” hơn những Thanh Hưng, Hoàng Quãng, Cao Cường, Văn Học, Nguyên Sa - vốn đã từng ăn cơm đội tuyển lẫn đội U-23 Việt Nam những năm qua.
Nếu thế, không chừng, SHB Đà Nẵng sẽ rơi vào tình trạng “tính già, hóa non” một khi những vấn đề nội bộ cứ trầm trọng hơn, thay vì cả hai phía cùng ngồi lại để tìm ra giải pháp thích hợp. Trên tất cả, bản sắc bóng đá Đà Nẵng sẽ dần nhạt nhòa bởi sĩ diện hảo hay tự ái vặt của chính những người làm chuyên môn.
Một sự cải tổ “để mạnh hơn” như ông Bùi Xuân Hòa khẳng định là cần thiết. Song, vấn đề của SHB Đà Nẵng vẫn là “cách làm” chứ chưa hẳn “cải tổ” theo kiểu “vung tiền” là đã đủ. Bởi, “bản sắc” vẫn là cái không thể mua được, dù bằng rất nhiều tiền.
NGUYÊN AN