Bóng đá Việt Nam thuở hồng hoang người ta nói đến bầu Đức và bầu Thắng là người đi vỡ đất. Còn bây giờ là thời của những ông “bầu” mới nổi: bầu Hiển, bầu Trường, bầu Thụy…
10 năm chuyển mình lên chuyên, nói bóng đá… đẻ ra tiền, thực sự là một điều xa xỉ, nhưng ở góc độ kinh doanh thì bóng đá là kênh quảng bá thương hiệu “ăn đứt” những công cụ quảng cáo khác. Theo chân ông Đoàn Nguyên Đức của HA.GL và ông Võ Quốc Thắng của ĐT.LA; ông Đỗ Quang Hiển, Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Đức Thụy…với chiếc túi “3 gang”, cũng mong muốn trở thành “nhà đầu tư tài ba”, đổ cả núi tiền vào địa hạt bóng đá. Trong đó vì mục đích quảng cáo thương hiệu, vì đam mê, chạy theo mốt và có cả những mục đích ngoài bóng đá.
“Cuộc chiến” Gạch – Gỗ
Đến bây giờ, chưa ai đặt lên bàn cân để cân giữa bầu Đức và bầu Thắng, bầu nào giỏi hơn. Nếu phân tài cao thấp trên sân cỏ, bầu Đức và bầu Thắng đang hòa nhau với tỷ số 2-2 (mỗi đội 2 lần vô địch V.League). Còn nếu nói về cách làm bóng đá, câu chuyện giữa ông Đức và ông Thắng cũng chỉ mới gói gọn trong 90 phút. Trong những cuộc đấu tay đôi ấy, giới truyền thông góp phần không nhỏ với việc thêm mắm, muối, gia vị bằng những “mỹ từ” như: đại chiến, không đợi trời chung, trận cầu sinh tử, thua ai chứ không thua ĐT.LA…cho cuộc chiến Gạch - Gỗ thêm phần khí thế.
Dĩ nhiên, ngày chủ nhật siêu hạng (Super Sunday) không thể thiếu những hành động, những lời nói vàng ngọc, đôi khi “khác người” của 2 ông bầu. Đến bây giờ, người ta vẫn chưa quên chuyện treo thưởng 50.000 USD trước trận đấu với ĐT.LA vòng 9, V-League 2007. Đắng cay là Gỗ bị Gạch giã vào lưới 3-0. Những người thích đùa nói vui rằng, nó chẳng khác nào câu chuyện “leo cột mỡ”. Nhưng có ngông, có khác người mới là bầu Đức. Đó cũng là một cách để người ta thấy, HA.GL luôn biết cách làm PR, ngay cả khi Gỗ chỉ còn tốt nước sơn.
Cũng phải nói về quá khứ, năm 2001, ông Đức gây “sốc” với việc bay sang Thái đi săn Kiatisuk. “Người Thái nói tôi bị…khùng. Còn ở ta, người ta bảo là tôi bị hoang tưởng”- ông Đức còn ấm ức. Cũng có lí, bởi Gia Lai lúc bấy giờ là nơi “thâm sơn cùng cốc” của BĐVN. Vậy mà đùng một cái “Sắc” đáp chuyến bay lên Phố núi. Tất cả phục ông Đức sát đất.
Sở hữu “bộ tứ” Kiatisuk, Tawan, Dusit, Chukiat và dàn sao nội, HA.GL trở thành đội bóng “độc cô cầu bại”, đoạt 2 chức vô địch liên tiếp vào các năm 2003 và 2004. Những năm sau, bầu Đức tiếp tục gây cơn địa chấn khi bắt tay với với CLB Arsenal mở học viện bóng đá, đặt biển quảng cáo trên sân Fly Emires.
Cũng không biết vì những dự án vĩ mô này, hay cảm thấy đã đủ rồi, mà những năm gần đây HA.GL gần như buông lơi V-League. Kể cả khi mang về những ngôi sao Thonglao, Kesley và đặc biệt bản hợp đồng “bom tấn” Lee Nguyễn, thì những danh hiệu vẫn cứ lẩn tránh đội bóng của ông chủ họ Đoàn.
So với bầu Đức, bầu Thắng có cách làm bóng đá rất khác. ĐT.LA không có những bản hợp đồng bom tấn, thay vào đó là tìm hàng “ngon, bổ, rẻ”. Đặc biệt, bầu Thắng biết tận dụng tối đa chất xám của ông Helrique Calisto. ĐT.LA thời ông Tô còn trị vì, đã đạt đến trình độ thượng thừa, ngoài lối chơi khoa học, một tinh thần rực lửa nhờ bàn tay phù phép của ông thầy người Bồ, thì cũng phải nhắc đến phép “đắc nhân tâm” của bầu Thắng. Thành quả là ĐT.LA đã có 2 chức vô địch 2005 và 2006.
|
Nụ cười rạng rỡ của bầu Thắng khi thành công cùng Đồng Tâm Long An |
Bây giờ, đó là đã chuyện quá khứ. Thì đấy, năm ngoái đội bóng của Gạch của bầu Thắng lần đầu bị đánh bật khỏi tốp 3, còn Gỗ của bầu Đức chỉ cán đích ở vị trí thứ 7.
Bây giờ, V-League đã không còn là sân chơi để bầu Đức và bầu Thắng, kẻ tung người hứng nữa, thay vào đó là một thế hệ ông bầu mới (nổi).
Những “ông trùm” mới của BĐVN
Trên thương trường, với cương vị Chủ tịch tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB, ông Đỗ Quang Hiển được cả nước biết đến với việc lọt vào tốp những người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán. Trong bóng đá, dù mới bắt đầu từ năm 2006 nhưng có thể coi ông Hiển là một ông “trùm” của BĐVN.
Bằng chứng, một tay ông nuôi cả hai “đứa con bóng đá” SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Năm 2008, đội bóng Sông Hàn đoạt chức vô địch. Còn mùa rồi đến lượt Hà Nội T&T lên ngôi vương. Thật ngạc nhiên, chỉ hơn 3 năm trước đây, đội bóng này còn đá bóng ở giải hạng 3.
Chưa hết, ngoài việc phá kỷ lục thị trường chuyển nhượng, vượt mặt các “đại gia” để giành chữ kí của Lê Công Vinh, chính một tay ông Hiển “đạo diễn” đưa tiền đạo xứ Nghệ sang Bồ Đào Nha thi đấu (dù chỉ là học việc). Và dĩ nhiên, cũng phải nhắc tới sự xuất hiện của “siêu cò” Mendes, người đại diện của siêu sao Cristiano Ronaldo tại Hà Nội để bàn những dự án vĩ mô; cũng như lời hứa hẹn rất “sốc”: sẽ mang Deco, Nistelrooy… đến Việt Nam thi đấu.
Người ta còn nghiêng mình, bởi bầu Hiển còn là một “nhà đầu tư bất động sản tài ba”. Cho đến nay ông Hiểu mới chỉ tuột khỏi tay vụ mua lại đội bóng cố đô Huế. Còn lại, những cuộc đi săn hầu hết đều bắt được những con…cá bự. Và con cá lớn nhất chính là việc Tập đoàn của ông Hiển được UBND TP Đà Nẵng nhượng lại cả làng thể thao Tuyên Sơn, Khu liên hợp Hòa Minh có diện tích 35 hecta với cái giá được coi là rất… hữu nghị - 170 tỷ đồng. Với trí đắc địa hiện có, con số sinh lời của bầu Hiển ở thời điểm đã không tính xuể, chứ chưa nói đến tương lai.
Rõ ràng, với tiềm lực tài chính, cộng thêm uy quyền của mình, chẳng có gì quá đáng khi người ta nói rằng, rồi mai đây, bầu Hiển đủ sức để thách đấu cả V-League.
Chịu chơi không kém là ông bầu Hoàng Mạnh Trường của CLB The Vissai Ninh Bình. Đội bóng cố đô Hoa Lư được mệnh danh là “cối xay” HLV; bởi chỉ trong 2 mùa bóng đã có tất cả 7 HLV đến, rồi xách va li rời Ninh Bình trong đắng cay.
|
Cái bắt tay của những doanh nhân trong bóng đá sẽ là tiền đề thúc đẩy Bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa |
Trong chiến công ấy, phải nói công của của cựu Giám đốc điều hành, kiêm “cò” cầu thủ Trần Tiến Đại. Với sự khôn khéo, cũng những mối quan hệ đặc biệt trong giới cầu thủ, HLV, ông Đại đã đưa về Ninh Bình những ngôi sao “hot” nhất của BĐVN, đấy là Việt Thắng (8 tỷ), Như Thành (9 tỷ),…Và đứng đằng sau hậu thuẫn không ái khác chính bầu Trường, người quá nổi tiếng với phong cách làm việc bằng những cái gật đầu.
Tiếc thay “chiếc áo không làm nên thầy tu”, V.NB đã có một mùa giải thảm bại. Cay đắng hơn cả, sau biết bao công sức và những gì đã đầu tư, V.NB gần như phải đập đi xây lại ở mùa này.
Cũng phải nói tới ông cựu Chủ tịch Lê Văn Thành của CLB Xi Măng Hải Phòng (hiện đã giữ cương vị Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng). Người đã khiến cả V-League chao đảo với vụ áp phe “lịch sử” đưa siêu sao Denilson đến V-League chơi bóng. Cứ cho đây là một “cú lừa siêu hạng”, thì ở khía cạnh kinh tế, về chiêu đánh bóng thương hiệu, Xi măng Hải Phòng đã thực sự nổi như… cồn. Người Hải Phòng, và cả BĐVN cũng thơm lây từ sự kiện “người què” Denilson đã được báo chí trong và ngoài nước khai thác trong cả một thời gian dài.
Và cuối cùng không thể ông bầu mới nổi Nguyễn Đức Thụy của Xuân Thành Sài Gòn. Đến bây giờ, những cuộc sống xung quanh bầu Thụy vẫn còn là những bí mật. Người ta chỉ biết rằng, Nguyễn Đức Thụy là ông chủ của 2 đội bóng Quảng Nam và Xuân Thành Sài Gòn. Thế là quá đủ. Cần nhắc lại Xuân Thành Sài Gòn tiền thân là đội bóng mua lại suất chơi hạng nhất của Hòa Phát V&V, rồi đổi tên thành Xuân Thành Hà Tĩnh, sau đó “di cư” vào TP.HCM để chính thức mang tên Xuân Thành Sài Gòn.
Xuân Thành Sài Gòn cũng chính là cái tên làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng thời gian qua, ngoài việc thiết lập một ê kíp HLV người Sài Gòn như Lư Đình Tuấn, Liêm Thanh, Văn Phụng, Hồ Văn Tam và cả trợ lí Ngôn ngữ ĐTQG Ngô Lê Bằng. Thì bầu Thụy cũng tiến hành thay đổi toàn diện khi vung tiền không tiếc tay đưa hàng loạt tuyển thủ đã và đang khoác áo ĐTQG như: Đình Luật, Sỹ Mạnh, Phước Tứ, Minh Đức, Trần Duy Quang, Trọng Bình, Huỳnh Kesley…về đội bóng
Với những gì đã làm bầu Thụy xứng đáng là ông bầu đáng được chờ đợi nhất ở mùa bóng năm nay.
Lời trần tình của một ông bầu
Bầu Thắng tuyên bố sẽ không chạy theo giá thị trường, thà xuống hạng cũng phải làm bóng đá… sạch. Tương tự bầu Đức cũng bảo lưu quan điểm không mua cầu thủ giá cao. Hai ông bầu từng được coi là kình địch trên sân cỏ, nay sát cánh bên nhau để chống lại cơn bão giá đã tăng “phi mã” trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ.
Hai con người ấy, được coi là biểu tượng, là những người tiên phong mở đường cho bóng đá chuyên nghiệp, rốt cuộc kẻ phải đắp chăn bông, người lạnh lùng trên sân chơi V-League năm thứ 11. Tiếc thay, họ vẫn cô đơn trên con đường ngăn chặn những cuộc đi đêm, lôi kéo và phá giá, thậm chí “lũng đoạn” thị thường cầu thủ, vẫn xẩy như ở phố huyện vào cuối mùa.
Trách ai, gọi ai, khi mà các ông bầu vẫn mua bán một cách tội vạ. Chẳng lẽ V-League cứ cuối mùa các đội bóng nghèo hát lại điệp khúc, biết rồi, khổ lắm nói mãi với VFF!?.
Hiền Đức