Nỗi khổ tâm của một người phụ nữ
Theo đơn, bà Thiết là vợ của ông Nguyễn Đăng Ứng (thương binh 1/3) từ năm 1977; hiện ông Ứng đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1987, khi ông Ứng điều trị tại Trung tâm thì bà và người nhà vẫn thường xuyên thăm nom và nhận tiền dư thừa sau điều trị hàng tháng của ông Ứng để sau này lo hậu sự cho ông; thế nhưng không hiểu vì lý do gì từ tháng 03/2013 thì khoản tiền đó bà không tiếp tục được nhận. Hỏi ra mới biết chính quyền huyện Yên Định và Trung tâm Điều dưỡng người có công cho rằng bà không phải là vợ hợp pháp của ông Ứng, nên số tiền dư thừa sau điều trị của ông Ứng không chuyển cho bà.
|
Bà Thiết đau khổ khi bị “truất” quyền làm vợ |
Khi về ở với ông, hai bên gia đình có làm mấy mâm cơm mời hàng xóm láng giềng và tuyên bố hai người là vợ chồng trước sự chứng kiến của bà con chòm xóm. Bà Thiết đau khổ: “Tiền nong là một chuyện, nhưng khổ tâm hơn là việc bà bị chính quyền địa phương và Trung tâm điều dưỡng người có công “truất” quyền làm vợ một cách vô lý”.
Những căn cứ pháp lý thiếu thuyết phục
Trao đổi nội dung trên với bà Vũ Thị Tấn - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Yên Định, được biết: “Chúng tôi nhận được đơn của ông Ký về trường hợp của bà Thiết; sau khi xác minh chúng tôi thấy bà Thiết chưa phải là vợ hợp pháp của ông Ứng nên dừng việc cấp tiền dư thừa sau điều trị của ông Ứng cho bà Thiết...”.
|
Bà Tấn tại buổi làm việc với phóng viên |
Cũng nội dung trên, trao đổi với Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Cường - Trưởng phòng Tổ chức Trung tâm cho biết: “Chúng tôi dừng việc cấp tiền dư thừa sau điều trị của ông Ứng cho bà Thiết vì chúng tôi nhận được ý kiến của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Định, sau khi đi xác minh chúng tôi thấy nội dung trên là có căn cứ”.
Khi chúng tôi đề nghị được xem văn bản của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Định về nội dung trên thì ông Cường cho biết “không có văn bản mà có chị Tấn Trưởng phòng gọi điện xuống thông báo thôi”. Để khẳng định việc xác minh nội dung trên là có căn cứ, ông Cường đưa ra một biên bản làm việc với chính quyền xã Định Tiến, nhưng thật bất ngờ, trong biên bản làm việc giữa Trung tâm Điều dưỡng người có công với UBND xã Định Tiến, và có sự tham gia của bà Thiết và ông Ký thì nội dung biên bản lại công nhận bà Thiết là vợ hợp pháp của ông Ứng. Biên bản được lập vào ngày 11/04/2013, tức là sau thời gian đã tạm dừng việc cấp tiền thừa sau điều trị của ông Ứng cho bà Thiết. Và một tình tiết đáng chú ý của biên bản trên là mặc dù có sự tham gia làm việc của ông Ký và bà Thiết nhưng lại không có chữ ký xác nhận của hai người trên.
Chăm sóc người có công là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng những việc làm nêu trên của Phòng LĐ-TB&XH Yên Định và Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa liệu có vội vàng và đã đúng quy định? Thiết nghĩ, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm kiểm tra, chỉ đạo giải quyết để đảm bảo sự công bằng cho người dân.
PLVN tiếp tục thông tin vụ việc trên tới bạn đọc.
Luật sư Nguyễn Phượng, Cty Luật Đại Việt:
Nếu là hôn nhân thực tế thì phải chứng minh
- Theo đúng quy định thì Phòng LĐ-TB&XH khi nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Ký phải mời bà Thiết làm việc để xác minh các nội dung liên quan. Phòng LĐ-TB&XH phải yêu cầu bà Vũ Thị Thiết xuất trình các giấy tờ chứng minh mình là vợ của ông Nguyễn Đăng Ứng. Nếu là hôn nhân thực tế thì bà Thiết phải làm đơn và xin xác nhận của tổ dân phố nơi cư trú và UBND xã về việc bà và ông Ứng chung sống với nhau từ thời điểm nào, có con chung hay không. Nếu có con chung thì giấy khai sinh cũng là một chứng cứ chứng minh quan hệ vợ chồng. Việc Phòng LĐ-TB&XH làm việc, xác minh phải có biên bản để có căn cứ giải quyết sự việc sau này.