Bông hồng duy nhất

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà     

Hàng xóm hầu như đã quên khuấy rằng có thời bà đã là cô giáo. Một cô giáo xinh đẹp dịu dàng như nàng tiên đậu xuống  một vùng trung du heo hút.

Bây giờ bà đã già với bệnh tê thấp ê ẩm mỗi khi trời trở. Sáng sớm bà xách xô ra cái máy nước đầu phố để hứng. Cái vòi nước trong nhà -  rõ khổ - chả hiểu sao từ khi đóng tiền để mắc đến giờ chỉ ri rỉ chảy được vài bận. Sau đó bà đến đại lý xổ số để lấy một tập. Buổi chiều bà cầm tập vé đi rao khắp lượt hàng phố.

Bắt đầu là cái quán nước nhà bà Ngạn béo. Cái bà đến là mát tay, hôm nào gặp bà ấy " mở hàng" cho là tập vé bán hết nhẵn. Còn như gặp ông Ngạn - đàn ông mà hàm răng cứ sin sít thì trầy trật lắm mới bán nổi hơn nửa tập. Đã đành thế, nhưng riêng đám khách ngồi đánh bạc quanh bàn nước nhà Ngạn cũng nhấc độ mươi vé rồi. Sau đó bà lượn qua hàng phở Bình. Rồi nhà Thanh tây với con chó béc-giê gầm gừ ở cổng. Nghe tiếng bà là chị ta cong cớn đi ra. Chị ta nhắm mắt lẩm nhẩm:

- Xê ri 78...81...Thôi cứ rút đại một vé. À, lấy con 09.

Chị ra xỉa tiền ra đếm rồi cầm lấy mấy tấm vé số nhét tọt vào ngực áo con. Chả hiểu thế là thế nào. Chắc để cầu may.

Hết hè đến thu rồi lại đông, bà cứ đi lần lượt từ đầu phố đến cuối phố bên số lẻ, rồi lại đi ngược lại bên số chẵn. Mấy cô mậu dịch viên bên dãy số chẵn cũng xởi lởi, có cô cứ gọi bà là mẹ chồng hụt. Nhưng các cô mua chả được bao nhiêu. Phần lớn khách hàng của bà là đám kiếm ăn buôn bán lẻ mặt phố, những anh xích lô mặt đen nhẻm dầu dãi, những tay thanh niên cờ bạc, những chị nạ dòng sống bằng những đồng tiền bí ẩn. Đôi lúc họ gọi bà lại để  chiêu đãi vì "vào cầu" bộ vé hôm trước. Nhưng bà đều từ chối. Thi thoảng, nhất là vào dịp lễ, cũng có vài ba anh cán bộ rụt rè gọi bà dừng lại để mua một vé, hay một vài ông bà về hưu, một vài cậu bé con nhịn ăn quà sáng... Bà thường hỏi cặn kẽ lũ trẻ xem tiền chúng mua xổ số là tiền ở đâu. Đa phần chúng không trả lời. Cũng có đứa hách dịch:

- Tiền ở đâu thì việc gì đến bà. Mong bán được bỏ mẹ còn giả bộ.

Ôi, giá như những năm trước đây... ừ, thì cứ cho là những năm trước đi, thì bà sẽ làm gì nào? Lúc đó bà quên cả bản thân, quên cả cơn khát sữa của con, thậm chí cố quên đi nỗi đau vò xé khi nhận được giấy báo tử của chồng để băng đồi đến từng nhà học sinh bảo ban thăm hỏi. Những tiết giảng, những lời nói dịu ngọt của bà có sức mạnh kỳ diệu, khiến bao chàng trai cô gái lớn lên mạnh mẽ. Lúc đó mỗi lời nói, cử chỉ của bà đều là mẫu mực. Còn giờ đây bà chỉ là một bà già hằng ngày với tập vé số trên tay, lầm lũi trên hè phố vào ngày đông rét mướt hay những trưa hè nóng đỏ mắt.

Tuy nhiên mọi nỗi buồn bực đều tan biến khi bà dừng chân ở cuối phố bên số lẻ, nơi có cây bàng rợp mát. Cây bàng gợi cho bà biết bao kỷ niệm. Hình ảnh cây bàng gắn chặt với cuộc đời đi dạy của bà. Thường thường bên gốc bàng có một lũ trẻ ngồi đánh chắt hoặc chơi ô ăn quan hoặc nhảy dây. Có đứa đem tú ra đánh tiến lên. Có khi lại thấy chúng chơi đô mi nô. Chúng cãi nhau ầm ĩ rồi lại thủ thỉ kết bạn với nhau. Bà đến, chúng quây lấy bắt bà kể chuyện. Chúng vạch tóc bà tìm những sợi tóc sâu, nhưng ngày càng nhiều sợi bạc chẳng còn phân biệt được sợi nào sâu, sợi nào bạc. Có một thằng bé tật nguyền ngồi lặng lẽ ở một góc. Nó vừa bị câm, vừa bị teo một bàn chân. Nó lấy viên gạch non vạch lên hè phố hình ảnh ông mặt trời méo mó có hai con mắt. Bà cầm tay nó dạy nó viết những chữ cái và bà đọc to những chữ  ấy, cố gắng há mồm uốn lưỡi cho chính xác từng chữ từng âm. Thằng bé cũng há mồm, nhưng từ họng nó chỉ phát ra được những âm thanh u...ơ...bất lực. Hôm sau lúc bà đến, nó rối rít vẫy bà rồi đưa cho bà một quyển vở và cây bút chì xanh đỏ. Từ hôm đó bà dạy  nó vẽ và dạy nó một vài chữ cái. Nhưng mãi nó cũng chỉ viết được chữ a chữ o. Còn tranh thì nó vẽ có khá hơn.

Cuộc sống của bà cứ thế trôi qua. Vào ngày rằm mùng một hay ngày lễ tết, bà ra chợ mua thẻ hương nải chuối, vài bông hoa về để đặt lên bàn thờ chồng và con. Từ trên bàn thờ, hai người đau đáu nhìn bà như có lỗi vì đã để bà sống một mình. Nhất là đứa con, nó đã trốn bà để nhập ngũ. Bà thắp hương thì thầm an ủi lại họ. Dẫu sao người sống vẫn có hơn.

Vài ba năm gần đây, bà bỗng đổi tính. Nếu có con dâu, chắc nó sẽ cười bà lẩn thẩn. Cứ đến ngày lễ của các thầy cô giáo là bà dậy từ sớm, quét dọn nhà cửa, ăn bận thật lịch sự. Bà không đi bán vé số mà lững thững bước ra đường phố ngắm nhìn từng đoàn trẻ nhỏ tay ôm hoa hoặc những gói quà ríu rít rủ nhau đi rợp đường. Rồi đến chiều thế nào bà cũng quay về với cảm giác cô đơn và sượng sùng. Bao giờ bà cũng tránh nhìn lên bàn nơi đặt cái lọ hoa nhỏ xíu, phần thưởng giáo viên giỏi của thời xa xưa. Bao giờ cũng là cái bàn trống rỗng và lọ hoa trống rỗng. Không một lá thư. Không một nét chữ. Đâu rồi những cô bé cậu bé ngày xưa  của bà?  Bà tự an ủi mình: Họ đã lần lượt ra trận từ cái bận ấy. Nhưng rồi bà lại rùng mình. Chả lẽ chúng không về cả hay sao? Cũng có đứa bà biết đã lên đến chức ông này bà nọ cơ đấy. Nhưng chúng bận trăm công nghìn việc, đến gia đình vợ con chúng còn chả để mắt đến được huống chi là một cô giáo dạy chúng từ hồi vắt mũi chưa sạch.Vả lại, cái miền trung du heo hút ấy cho đến giờ là xa xôi quá mịt mù quá đối với đô thị sôi động này. Bao nhiêu cô bé cậu bé mơ ước tày trời, giờ vẫn phải cắm mặt xuống bùn với những bàn chân nứt nẻ. Thời giờ đâu...

Biết vậy, nhưng bà vẫn có cảm giác buồn buồn . Sáng hôm sau thể nào bà cũng ra chợ sớm để mua một bông hồng thật tươi về cắm. Đó là ngày duy nhất trong năm bà mua hoa không phải để cắm lên bàn thờ chồng con, mà là cho mình.

Năm nay cũng thế, bà lại dậy thật sớm, dọn dẹp nhà cửa, đặt một tấm thảm chùi chân ngoài cửa, ngộ nhỡ cậu nào đi xe con tới chả nỡ  bắt nó cởi giày. Bà đi ra đi vào bồn chồn. Cái nhà chị Hoa bên cạnh là giáo viên, gớm từ hôm kia những chiếc xe máy đã đỗ nườm nượp trước nhà. Chả là chị ấy dạy ở một trường trung tâm thành phố, toàn là con cán bộ cỡ với hiệu buôn lớn. Những là tiệm kim hoàn Á Đông, nhà may Tiến Lợi... Con nhà chị ấy ôm cam ra sân làm bóng. Đồng lương giáo viên mà vải vóc quần áo cứ là lượt. Còn nhà chị Ngân phía bên kia đường thì ít khách hơn. Chị ấy dạy ở một trường xa, nhưng năm nào bà cũng thấy từng tốp trẻ ôm hoa đến tặng. Ồ, giá như bà cũng có một bông hồng, một bông thôi để hiểu rằng lớp người ra đi năm ấy vẫn có người trở về... hoặc để hiểu rằng những đứa trẻ tội nghiệp ngày xưa của bà giờ đã là những ông bố bà mẹ, đã có thời gian để nhớ đến những điều khác ngoài đám ruộng của họ. Chỉ một bông thôi...

Rồi cũng như mọi năm, bà không đủ can đảm ở trong nhà. Bà để ngỏ cửa, gửi nhà cho hàng xóm và bước ra phố. Bà ngắm nhìn những dòng người, dòng hoa trôi trên phố với niềm vui chung. Rồi bà nép mình vào một góc vườn hoa và lặng lẽ chờ mặt trời đổ xuống chân trời phía xa. Sau đó bà lủi thủi quay về và bước vào nhà.

Bà cố gắng trấn tĩnh để không nhìn lên chiếc bàn nơi đặt lọ hoa, nhưng ngay lập tức bà phát hiện ra hương thơm ngào ngạt của hoa hồng. Một bông hồng bạch được bao trang trọng trong giấy bóng kính cắm ngay ngắn trong chiếc bình sứ nhỏ. Cả căn phòng như được toả sáng. Mắt bà nhoè đi nên không nhìn thấy nét chữ nguệch ngoạc thiếu nét của một đứa bé mới tập viết. Kính - Tặng - Cô. Mãi một lúc bà mới nhận ra là mình đang khóc.

Bà không biết rằng trước đó có một đôi chân tập tễnh bước vào nhà. Rồi đôi chân ấy đi như chạy loạng choạng trên hè phố, như muốn khoe cùng mọi người rằng nó cũng đã có cô giáo để được tặng cô một bông hoa như những đứa trẻ khác. Nó muốn hét váng lên vì niềm hạnh phúc bé nhỏ của mình. Nhưng chẳng ai hiểu nổi cái âm thanh u ...u... phát ra từ cuống họng của một đứa trẻ câm. Chỉ có bầu trời xanh rộng lớn là đón nhận âm thanh ấy vào lòng.

...U...u...ơ...

Đọc thêm