Những tai nạn kinh hoàng, người dân không dám đến gần người bị nạn. Chỉ có cán bộ cấp cứu với “thần kinh thép” mới lao vào ôm bế nạn nhân... Cho đến bây giờ, ngót 20 năm theo nghề y, nhưng với nữ bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng, công việc cấp cứu trên xe cứu thương, mỗi ngày đối mặt với những bệnh nhân trong cơn nguy kịch là những trang nhật ký đời thường với những cung bậc buồn vui xen kẽ của người làm công việc này.
|
Bác sĩ Ánh Hồng đang hướng dẫn chuyên môn cho một ca cấp cứu ngoại viện (ảnh trái). Cho dù có bảo hộ nhưng nguy cơ nhiễm bệnh đối với nhân viên cứu thương là điều khó tránh.
|
Từ yêu nghề...
Trước khi làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố, bác sĩ Ánh Hồng đã có 6 năm trải nghiệm tại khoa Hồi sức cấp cứu BV Đà Nẵng. Chuyện làm không công của chị trở thành một kỷ lục chưa từng có, bởi khi đó (1990) nhiều bác sĩ đến học việc nhưng chỉ 2 đến 3 năm lại tìm cách ra đi. Họ lần lượt đến rồi đi, nhưng duy chỉ còn lại BS Hồng với sự miệt mài phi thường. Không lương, không phụ cấp, lại phải tất bật với rất nhiều người bệnh, nhưng cái giá của 6 năm đằng đẵng kiên trì khi đối diện với bệnh nhân vào loại “thập tử, nhất sinh” lại cho chị kinh nghiệm dày dạn, tâm lý vững vàng để sau đó đủ bản lĩnh có thể trụ được gần 15 năm tại Trung tâm Cấp cứu thành phố cho đến hôm nay.
“Khi đó, có nhiều người “nóng ruột” hỏi tôi sao phải “học việc” quá lâu, lại không được hưởng một chế độ nào? Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, nhưng vì người bệnh quá đông, mà bệnh nhân vào hồi sức cấp cứu rất cần sự hỗ trợ kịp thời của bác sĩ nên tôi không nỡ dứt áo ra đi” - BS Hồng tâm sự. Mãi đến tháng 6 năm 1995, BS Hồng thi tuyển biên chế vào ngành y tế, sau đó chị được phân công về Trạm Cấp cứu thành phố. Bắt đầu từ đó, những kinh nghiệm trước đó của chị được phát huy và chị được tin tưởng giao phụ trách chuyên môn trong công tác hỗ trợ, cấp cứu người bệnh ngoại viện.
Thời điểm đó, Trạm cấp cứu chỉ có một xe cứu thương, nhưng chủ yếu làm nhiệm vụ vận chuyển người bệnh chứ chưa chú trọng cấp cứu. BS Hồng đã có những đề xuất mới, tăng cường cấp cứu thay vì vận chuyển. Sau đó, nhờ được đầu tư thêm trang thiết bị, nhân lực, trạm nâng cấp thành trung tâm và ngày càng để lại nhiều ấn tượng cho người bệnh vì sự kịp thời và vững về chuyên môn. Khi đó, Đà Nẵng là nơi đầu tiên tại khu vực miền Trung triển khai đặt nội khí quản trong lúc cấp cứu trong xe cứu thương. Ban đầu, nhiều người không tán thành bởi rất khó để thực hiện, nhưng bằng sự thuyết phục và tự tay BS Hồng thực hiện có kết quả, nhiều đồng nghiệp của chị cũng mạnh dạn hưởng ứng. Thành công này là yếu tố quan trọng giúp giảm tử vong cho bệnh nhân khi cấp cứu ngoại viện. Sau này, những gì chị tích lũy được đã được truyền đạt lại cho tất cả anh chị em, kể cả đội ngũ lái xe.
...Đến bệnh nghề nghiệp
Chị kể, bão Xangsane kinh hoàng năm 2006, Trung tâm Cấp cứu “cháy xe” vì tham gia vận chuyển hơn 300 bệnh nhân chỉ trong 24 giờ bão đổ bộ vào thành phố. Gió giật quá mạnh, chị đành cuốc bộ để đến cơ quan hỗ trợ đồng nghiệp, mặc dù không phải trúng ca trực của mình. Có lúc, xe cấp cứu đi đến Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) đành phải dừng lại vì cây ngã đổ quá nhiều. Trong bão dữ, chị và những đồng nghiệp phải nhảy xuống kéo cây, giải phóng đường. Chưa hết, khi tiếp cận và đưa người bệnh ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) ra khỏi nhà thì nhà sập hoàn toàn. May mắn tất cả ê-kíp trực thoát chết trong gang tấc.
Chị vẫn đau đáu câu chuyện theo tàu cứu hộ ra khơi để tiếp nhận người bệnh. Gặp bão dữ, con tàu chồng chềnh hất tung người cứu hộ. Thuyền gặp nạn chỉ cách tàu cứu hộ hơn 20 mét nhưng không thể tiếp cận được. Chị đành phải ném bình ô-xy để trợ hô hấp cho bệnh nhân đang bị chấn thương sọ não...
Năm 2009, trong lúc tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân cúm A/H1N1, BS Hồng đã bị nhiễm bệnh. Nằm điều trị tích cực hơn 10 ngày, chị lại lao vào công việc chỉ đạo chuyên môn cho từng ca cấp cứu vận chuyển bệnh nhân cúm A/H1N1, vì lực lượng bác sĩ của trung tâm khá mỏng. “Với bệnh nhân cúm A/H1N1, khi ngồi trên xe chúng tôi phải trực tiếp đối mặt, thở chung bầu không khí ngột ngạt trong xe, khi đó chuyện nhiễm bệnh với nhân viên cứu thương cũng là điều rất dễ. Nhưng cứ sợ nhiễm bệnh thì ai sẽ đưa người bệnh đến BV cứu chữa? Bản thân chị đã nhiễm bệnh cũng chữa lành, nên điều đó động viên anh chị em rất nhiều trong công việc, không ngại tiếp xúc với bệnh nhân nặng” - BS Hồng chia sẻ.
Đã có lúc, chị thừa nhận mình vì quá yêu nghề nên không dành nhiều thời gian cho gia đình. Trong khóe mắt chị khi nói về gia đình luôn bộc lộ nỗi suy tư. Tuy vậy, với BS Hồng, trong công việc cho dù người bệnh chẳng kịp nhớ người cấp cứu mình là ai, tên gì, nhưng với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, chị luôn cố gắng để mang lại nụ cười và ánh mắt hy vọng về sự sinh tồn cho những người bệnh mà chị luôn yêu quý.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG