Nước Nga đang phát triển và ổn định và đang là một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Vậy nhưng một trong những nỗi kinh hoàng của người nước ngoài khi đặt chân và lưu trú ở Nga là những cuộc tấn công, hành hung và giết chóc do thành viên của các nhóm dân tộc cực đoan gây ra. Những tên đầu trọc (skinhead) có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào, săn lùng và truy sát bất cứ ai không phải là người Nga. Đây hiện cũng là vấn đề đang làm đau đầu các nhà chức trách Nga hiện tại..
|
Nhen nhóm và lây lan
Phong trào skinhead xuất hiện ở Nga vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước trong bối cảnh Xô-viết vừa sụp đổ với những rối ren khủng hoảng về kinh tế-chính trị-xã hội và niềm tin vây bám lấy người dân Nga. Cũng giống như những trào lưu khác (hippy, punk, biker…), những kẻ truyền giáo đến từ phương Tây và dĩ nhiên chúng chọn những trung tâm lớn của Nga làm nơi trú chân và phát triển: Moscow, St. Petersburg and Nizhni Novgorod.
Đến năm 1998, ở Moscow đã nảy nở khoảng 2000 tên đầu trọc, St. Petersburg thành nhà của khoảng 1500 tên, Nizhni Novgorod có khoảng 1000. Chỉ 1 năm số, nhưng con số này đã phồng lên gấp rưỡi. Tốc độ phát triển của phong trào cực đoan này quả thực đáng sợ, khi mà năm 1992 chỉ có 10 tên đầu trọc ở Moscow và 5 tên ở St. Petersburg. Không chỉ tăng về số lượng, skinhead còn mở rộng nhanh chóng về quy mô bằng việc lan tràn ra hàng loạt đô thị khác của Nga như Yaroslavl, Voronezh, vùng sâu vùng xa như Irkutsk và Omsk ở Siberia, Rostov-na-Donu và Krasnodar ở phía Nam, Vladivostok ở khu Viễn Đông.
|
Những nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng nổ của phong trào đầu trọc là sự khủng hoảng toàn diện của Nga vào thời kỳ đó, trong đó có khủng hoảng kinh tế-xã hội-tư tưởng và sự sụp đổ của nền giáo dục kiểu Xô-viết với hệ lụy là sự buông thả, tha hóa của tầng lớp thanh niên.
Đầu trọc thường tụ tập kết thành băng nhóm ở khu vực chúng sinh sống, học hành hoặc làm việc. Một skinhead điển hình thường là một học sinh cấp 3, sinh viên các trường dạy nghề cũng như thanh niên thất nghiệp. Không loại trừ trường hợp sinh viên của các trường đại học, công chức nhà nước… cũng tham gia các băng nhóm này. Ngoài ra, các đô thị lớn có hàng loạt các tổ chức skinhead với cơ cấu chặt chẽ, tôn chỉ hoạt động bài bản như “Binh đoàn Skinhead”, “Mục tiêu Nga”, “Máu và Danh dự”, “Đội hợp nhất 88” (tại Moscow), “Nắm đấm Nga” (St. Petersburg), “Bắc” (Nizhni Novgorod), “Gấu Trắng” (Yaroslavl)… Thậm chí còn một nhóm skinhead gồm toàn phụ nữ mang tên “Các cô gái Nga”.
Các nhóm và tổ chức đầu trọc Nga giữ mối quan hệ khá mật thiết với phong trào Phát-xít mới trên thế giới. Từ năm 1998, đại diện các nhóm phát-xít mới của Mỹ, Đức, Áo bắt đầu qua lại Nga để gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, gửi vật phẩm, tài liệu, trang thiết bị cho đầu trọc Nga. Đó là các nhóm Ku-Klux-Klan, NSDAP/OA (Mỹ), Youth Vikings, Germany National Union, National People’s Front, Steel Helmet, Union of Rightists (Đức).
Theo số liệu của cơ quan chức trách, nước Nga hiện đang là tổ ấm của khoảng 20000 tên đầu trọc, trong đó 5000 tên chiếm lĩnh khu vực Moscow làm địa bàn hoạt động. Tuy vậy, người ta cho rằng con số thực tế có thể gấp 3 lần, với khoảng 60000 tên phát-xít mới thuộc đủ trào lưu khác nhau. Đó là một thực trạng kinh hoàng, nếu biết rằng cả phần còn lại của thế giới mới có chừng đó. Mặc dù thừa nhận sự tồn tại và hoạt động của skinhead, chính quyền Nga gần như phủ nhận sự tồn tại của các tổ chức đầu trọc. Chính quyền cố khẳng định đó chỉ là một trào lưu nguy hiểm của giới trẻ, có thể gây ra bất ổn cho xã hội.
Nỗi đe dọa mang tên “Skinhead”
Lý tưởng mà đầu trọc Nga theo đuổi là Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chống Cộng sản, chống chủ nghĩa tự do, bài Mỹ, bài Do Thái. Cái gọi là tôn chỉ của skinhead bao gồm: thanh lọc nước Nga khỏi các thành phần ngoại lai, tôn thờ giá trị Nga, nước Nga dành cho người Nga, giữ công ăn việc làm cho người Nga… Mục tiêu tấn công của đầu trọc Nga là người không phải dân Nga: người gốc Á, vùng Cap-ca-zơ, gốc Phi, Mỹ hoặc Âu. Thậm chí người Nga nhưng không mang dòng máu Sla-vơ cũng hoàn toàn có thể lọt vào tầm ngắm.
|
Những tên ngụy yêu nước không thương tiếc cả người già, phụ nữ và trẻ em – khác với trước đây gần chục năm khi mà chúng thường không hành hung những đối tượng này. Ngoài ra, độ tàn nhẫn và hung hãn của các cuộc tấn công chống ngoại lai ngày càng tăng lên: nếu trước đây đa phần là đánh đập gây thương tích thì vài năm gần đây chúng sử dụng vũ phí lạnh và nóng ngày càng nhiều, tấn công với mục đích giết chết nạn nhân chứ không chỉ là dằn mặt và đe dọa.
Số nạn nhân bị đầu trọc giết hại từ năm 2004 đến nay ước tính lên đến 600 người, các vụ hành hung bị thương và trọng thương thì có lẽ là hàng nghìn. Rất hiếm khi người chứng kiến vụ việc đám can ngăn đám hung đồ này. Người dân chọn biên pháp tránh xa lũ thanh niên đầu cạo trọc lóc, mặc quần áo hầm hố với những đôi ủng nguy hiểm đó. Thậm chí, kể cả cảnh sát cũng làm ngơ, chỉ can thiệp khi mọi chuyện đã kết thúc.
Nếu những kẻ tội phạm bị bắt tại trận, dư luận ít khi chứng kiến những bản án thích đáng dành cho chúng. Đại đa số các bản án chỉ dừng lại ở tội “hành hung”, “gây rối”, rất ít thấy những thuật ngữ như “giết người” hay “thù hằn dân tộc” áp dụng cho những kẻ giết người đội lốt yêu nước này.
Để kiềm tỏa và dập tắt hoạt động của các nhóm cực đoan, Nga đã thông qua luật liên bang về “Chống hành động cực đoan”, theo đó các hành vi bạo lực côn đồ có động cơ thù hằn tôn giáo, dân tộc, chủng tộc, chính trị hay tư tưởng bị coi là phạm tội và bị khởi tố xử ký. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội đề cao các biện pháp phòng ngừa hơn là dùng sức mạnh của luật pháp. Người ta cho rằng đầu trọc là hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Xô-viết sụp đổ, vì thế cần cải thiện đời sống người dân, hệ thống giáo dục-văn hóa, tìm lại “niềm tin Nga” hơn là áp dụng những biện pháp trừng trị hà khắc.
Bùi Cao Thắng