Hiện thành phố có hơn 5,4 nghìn xe ô-tô chở công-ten-nơ đảm trách vận chuyển 70% tổng số lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng. Với ưu điểm quan trọng lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế Cảng biển phát triển, tạo nhiều việc làm cho người dân, thì tình hình trật tự an toàn giao thông từ các xe ô-tô chở công-ten-nơ ngày càng phức tạp, phát sinh nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Từ đầu năm đến nay, xe ô-tô chở công-ten-nơ gây ra gần 20 vụ tai nạn, làm gần 30 người bị chết và bị thương.
|
Nhiều xe công-ten-nơ chạy tốc độ cao trên các tuyến đường là nỗi khiếp sợ với người tham gia giao thông Ảnh: Hoàng Phước |
Kết quả điều tra cho thấy các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu trên các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, xuyên đảo Đình Vũ (quận Hải An), Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân), quốc lộ 5... vào thời gian từ 18 giờ đến 24 giờ hằng ngày, khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, tầm quan sát người điều khiển bị hạn chế về bóng tối và ánh sáng của đèn pha các phương tiện ngược chiều chiếu lại. Lỗi các vụ tai nạn được xác định chủ yếu do người lái ô-tô chở công-ten-nơ vi phạm về tốc độ, vượt xe không đúng quy định và lấn đường của các phương tiện khác.
Như cuối giờ chiều ngày đầu tháng 11 vừa qua, đi dọc theo tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Linh thấy câu nói “Ra đường sợ nhất xe công…” đang trở lại, ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Từng đoàn xe, rầm rập chạy từ các cảng Hải Phòng, Đình Vũ đi Hà Nội và một số địa phương khác, bấm còi inh ỏi và không giảm tốc độ khi qua cầu vượt Lạch Tray, các nút giao thông Trại Lẻ, Thiên Lôi- Nguyễn Văn Linh. Vì vậy, nhiều người đi xe máy, xe đạp đến đây, mặc dù đèn đỏ bật sáng, nhưng vẫn cố vượt qua các ngã tư… tử thần này, gây nên cảnh hỗn độn khủng khiếp, mặc dù có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ gần đó. Anh Trần Hải Hòa, ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) tâm sự: “Thà vi phạm giao thông, bị cảnh sát phạt, còn hơn bị xe công-ten-nơ từ phía sau húc phải, thiệt mạng như chơi”. Còn một số lái xe ô-tô chở công-ten-nơ cho biết: Do ô-tô chở hàng quá nặng, nên rất khó khi phải phanh dừng lại ở các ngã tư này. Nhưng nguy hiểm hơn, trong giới lái xe ô-tô chở công-ten-nơ rỉ tai nhau, nếu xảy ra tai nạn chết người, thì chủ xe và cơ quan bảo hiểm chịu hết. Một mạng người chỉ đền bù bốn chục triệu đồng là xong? Tối 20-10, ô-tô đầu kéo biển số 16M-7378 kéo theo moóc do anh Vũ Văn Bằng, sinh năm 1982, ở xã Phú Thái, huyện Kim Thành (Hải Dương) điều khiển trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm va vào anh Lê Tuấn Linh, sinh năm 1991, ở 2/108 phố Cát Cụt (quận Lê Chân) đi mô-tô cùng chiều, làm anh Linh thiệt mạng tại chỗ. Hai ngày sau, anh Nguyễn Viết Vinh, sinh năm 1975, ở Nam Pháp, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) đi xe máy trên đường Đình Vũ (quận Hải An) bị 2 ô-tô cùng chiều, trong đó có ô-tô chở công-ten-nơ ép vào giữa, làm anh Vinh chết tại chỗ, mô-tô bẹp dúm.
Để hạn chế tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát triển khai nhiều biện pháp, như mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông, phòng chống ùn tắc trên các tuyến đường, quốc lộ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên tục đề ra các giải pháp phân luồng giao thông hợp lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao đạo đức và ý thức người điều khiển phương tiện cơ giới. Các cơ quan bảo vệ pháp luật lập hồ sơ xét xử về hình sự lưu động các lái xe ô-tô chở công-ten-nơ gây tai nạn chết người để có sức răn đe. Hiện nay các lái xe ta-xi phải ký quỹ một số tiền nhất định mới được doanh nghiệp nhận vào làm, để nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng phương tiện. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô-tô cũng có thể áp dụng cách làm này để loại trừ thói vô trách nhiệm, nhẫn tâm của một bộ phận người lái xe ô-tô chở công-ten-nơ hiện nay cứ vi phạm, cứ gây tai nạn, đã có người khác lo.
P.V