Gần đây, căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, gia tăng khó kiểm soát sau một cuộc khẩu chiến sau những lời đe dọa từ phía Iran đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 35% lượng dầu mỏ trên toàn thế giới được vận chuyển qua. Tuy nhiên, đằng sau cuộc chiến “nổi” đó, còn một cuộc chiến bí mật, âm thầm đang diễn ra chống bom hạt nhân của Iran mà nhân vật chính được ngầm hiểu là Israel và các đồng minh phương Tây.
Sẽ có “nhiều sự kiện bất thường”
Mostafa Ahmadi Roshan, một chuyên gia hạt nhân làm việc tại nhà máy Natanz, khu vực làm giàu uranium quan trọng của Iran với 8.000 máy quay ly tâm, mới đây đã bị ám sát trong một vụ nổ xe hơi ở Tehran. Sau Massoud Ali Mohammadi, Majid Shahriari và Darioush Rezai, thì đây là nhà khoa học thứ tư của Iran bị giết hại kể từ tháng 1/2010. Chính quyền Iran ngay lập tức cáo buộc Israel và cảnh báo rằng áp lực quốc tế sẽ không khiến Iran thay đổi chương trình hạt nhân của mình.
|
Cảnh sát đang chuyển chiếc xe hơi của nhà khoa học Mostafa Ahmadi Roshan, người bị ám sát trong vụ nổ xe hơi tại Tehran. Ảnh : AP |
Trước những tiến triển mới đây của chương trình quân sự Iran vốn được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận, Nhà nước Do Thái Israel với sự hậu thuẫn của các đồng minh phương Tây đã tăng cường các hoạt động bí mật nhằm làm chậm lại quá trình tiến tới bom nguyên tử của người Shia. Tham mưu trưởng quân đội Israel Benny Gantz đã thừa nhận rằng có thể sẽ có “nhiều sự kiện bất thường” xảy ra tại Iran vào năm 2012.
Siêu chiến tranh
“Mục đích là ngăn chặn Iran vượt qua ngưỡng hạt nhân”, Francois Heisbourg – chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS) – giải thích. “Tại Israel, chúng tôi gọi đó là “xén cỏ””. Hiện vẫn còn do dự về sự can thiệp quân sự, chính quyền Israel cố gắng ngăn chặn bằng nhiều cách chương trình hạt nhân của Iran. “Làm biến mất các nhà khoa học là một trong những cách khiến mọi thứ khó khăn hơn và tiết kiệm thời gian. Chúng tôi đáng lẽ phải bắt đầu từ sớm hơn”, chuyên gia Efraim Inbar của trường đại học Bar-Ilan tại Jerusalem bình luận.
|
Ông Mostafa Ahmadi Roshan. |
Âm mưu tiến hành ám sát các chuyên gia hạt nhân chỉ là một trong các mặt của cuộc chiến bí mật trong bóng tối. Ngoài ra, trong cuộc chiến này còn có các vụ tấn công máy tính, phá hoại và lôi kéo những kẻ phản bội. Năm ngoái, virus máy tính Stuxnet lây nhiễm tới hơn 30.000 máy tính của Iran đã gây thiệt hại nặng nề cho các máy quay ly tâm, làm chậm chương trình của Iran trong 6 tháng. “Kể từ đó, việc này trở nên phức tạp. Người Iran đã bắt đầu loại bỏ các cổng USB trên máy tính của họ”, chuyên gia Shlomo Brom của Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Tel Aviv khẳng định. Nhưng một virus khác là Duqu vẫn len lỏi được vào các cơ sở hạt nhân bí mật của nước Cộng hòa Hồi giáo hồi tháng 11 năm ngoái.
Tsahal, quân đội Israel, hiện nay vẫn lặng thinh về phần tấn công trong chương trình “siêu chiến tranh”. Nhưng các chuyên gia thừa nhận rằng, những phương tiện được sử dụng trong cuộc chiến này là vô cùng quan trọng. Những hình ảnh vệ tinh về vụ nổ bí ẩn xảy ra hồi tháng trước tại một căn cứ tên lửa khiến người ta nghĩ nhiều hơn tới một vụ tấn công của máy bay không người lái hoặc một vụ phá hoại nội bộ hơn là một vụ tai nạn công nghiệp.
Không ai biết chắc chắn nước nào tham gia vào cuộc chiến bí mật nói trên. Nhưng tờ New Yorker cách đây nhiều năm từng tiết lộ rằng, Quốc hội Mỹ đã phân bổ kinh phí cho Nhà Trắng để hỗ trợ cho các chiến dịch đặc biệt nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran. Ngoài ra, các chuyên gia về hồ sơ hạt nhân cũng nhận thấy có một “liên minh thần thánh” về vấn đề này giữa Mossad của Israel và các cơ quan tình báo phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Anh và Pháp.
Song hành cùng Iraq
Phương cách tấn công nói trên trước đây đã từng được thử nghiệm tại Iraq. “Trước khi không kích lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iran, người Israel đã từng có trò “xén cỏ”. Họ đã ám sát nhiều nhà khoa học, trong đó có một số người ở nước ngoài. Họ cũng đã làm chậm lại 2 năm công trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân Osirak bằng một cuộc không kích vào năm 1981”, ông Francois Heisbourg cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, sự song hành giữa Iran và Iraq gây nên phiền toái. “Quyết định tấn công Osirak đã được đưa ra với ý tưởng có được thời hạn từ một đến năm năm và không giải quyết thật sự vấn đề hạt nhân của Iraq”, Camille Grand – Giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược – nhớ lại. Nếu sự tính toán chính trị của Tel Aviv đối với Tehran giống như vậy – tức là để có thời gian, thì khả năng về một cuộc can thiệp quân sự của Israel chống lại các cơ sở của Israel là một chiều hướng mới. Đặc biệt, kể từ vụ không kích Osirak năm 1981, các phương tiện tấn công đã trở nên khó nắm bắt và hiệu quả hơn trước…
Vụ ám sát nhà khoa học Mostafa Ahmadi Roshan rất giống với các vụ ám sát một số nhà khoa học khác liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran trong những năm gần đây và khiến người ta tin rằng một chiến dịch bí mật đang được thực hiện để chống lại nước này. Iran đã lên tiếng cáo buộc cơ quan tình báo Mossad của Israel, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA)và các cơ quan tình báo Anh nhúng tay vào chiến dịch « khủng bố » chống lại các mục tiêu liên quan đến hạt nhân Iran, bao gồm ít nhất là 3 vụ ám sát kể từ đầu năm 2010 và tấn công máy tính bằng virus làm ảnh hưởng tới hoạt động của một số máy quay ly tâm. Tuy nhiên, cả 3 nước này đều bác bỏ các cáo buộc của Iran. |
Quang Minh (Theo Figaro)