Điều này đã góp phần quan trọng tạo động lực để Thái Nguyên tiếp tục có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, bền vững trong những năm tiếp theo…
Đột phá trong thu hút đầu tư
Ban quản lý các KCN Thái Nguyên là cơ quan thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, thời gian qua, Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác quản lý đầu tư, quy hoạch - xây dựng, tài nguyên môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, quản lý hiệu quả dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Cụ thể, theo Ban quản lý các KCN Thái Nguyên cho biết, từ năm 2013 trở lại đây việc thu hút vốn đầu tư vào các KCN, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả nổi bật, điển hình là dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên tại KCN Yên Bình và hàng loạt các dự án có vốn đầu tư nước ngoài khác đầu tư vào KCN Điềm Thụy đã tạo động lực để Thái Nguyên tiếp tục có những bước tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ, bền vững tiếp theo.
Cũng theo Ban quản lý các KCN Thái Nguyên, đến hết năm 2015, trong số 150 dự án đăng ký đầu tư, đã có gần 100 dự án đi vào hoạt động, bước đầu tư đã tạo ra một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng như: giải ngân vốn FDI đạt trên 6 tỷ USD và trên 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; tạo kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, nhập khẩu 11,4 tỷ USD; nộp ngân sách trên 2.500 tỷ đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu kinh tế dịch vụ, thương mại, giảm dần cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp; giải quyết việc làm cho gần 9 vạn lao động, nhất là lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội khác...
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản từ hoạt động của KCN đều có mức tăng trưởng trên 17% như kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD tăng 18,5%, nhập khẩu ước đạt 8,2 tỷ USD tăng 17,2% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng, tăng 25%...
Để các KCN Thái Nguyên tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như tiếp tục, rà soát, phân tích đánh giá và đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vào danh mục các KCN theo hướng những KCN có lợi thế so sánh tốt gắn với tính khả thi cao và kiên quyết đưa ra khỏi danh mục những KCN có lợi thế thấp, không có khả năng triển khai.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định; chủ động nắm bắt những khó khăn phát sinh trong hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, thay đổi phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; định hướng, lựa chọn lĩnh vực ngành thu hút đầu tư phù hợp vào KCN, ưu tiên thu hút dự án đầu tư lớn công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường.
Mặt khác, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, địa phương vận dụng, sáng tạo cơ chế vận động ứng trước tiền thuê đất nộp một lần của nhà đầu tư để xây dựng KCN Sông Công II diện tích 250 ha; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhất là giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ứng trước để thu hút các dự dự án đầu tư có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản xuất thân thiện môi trường...
Tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường
|
Khu xử lý nước thải KCN Điềm Thụy |
Thực hiện nhiệm vụ là chủ đầu tư xây dựng KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180 ha), Ban quản lý các KCN Thái nguyên đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đó, Ban quản lý các KCN Thái nguyên đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng KCN Điềm Thụy và đã có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Thái Nguyên; đã lập kế hoạch quản lý môi trường và công khai kế hoạch quản lý môi trường; thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, báo cáo công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp năm 2015 theo đúng quy định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời thực hiện báo cáo vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải KCN Điềm Thụy phần diện tích 180 ha gửi UBND tỉnh Thái nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đối với Nhà máy xử lý nước thải KCN Điềm Thụy có số vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng do Ban quản lý các KCN Thái Nguyên làm chủ đầu tư, sau hơn 2 năm khởi công xây dựng, hiện nay, Nhà máy công suất 3000 m3/ngày đêm đã cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường ở khu vực này.
Với công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, tự động hóa cao, Nhà máy có hệ thống đường gom nước thải từ các trục chính trong khu công nghiệp và hệ thống các bể như bể thu gom, điều hòa và thiết bị lược rác thải, bể điều chỉnh PH, bẻ châm PAC - Polymer, bể tạo bóng, bể lắng, khử trùng, bể xử lý bùn, bể keo bùn… Qua quá trình chạy thử nghiệm, nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp sau khi được xử lý đều có thông số và nồng độ các chất trong nước thải đạt quy chuẩn Quốc gia về nước thải.
|
Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra xử lý nước thải |
Theo ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên cho biết thì công trình xử lý nước thải KCN Điềm Thụy đi vào vận hành đảm bảo xử lý cơ bản lượng nước thải của hơn hơn 20 nhà máy sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các nhà máy sản xuất kinh kiện, phụ kiện cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, Thị xã Phổ Yên mới đầu tư vào KCN Điềm Thụy.
Cũng theo ông Cường, cùng với việc đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải, nhằm bảo vệ môi trường bền vững trong KCN Điềm Thụy, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đã yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đi vào hoạt động phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình hoạt động phải thực hiện đúng các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá môi trường được phê duyệt như: Xây dựng các công trình xử lý nước thải để xử lý nước thải trước khi thải vào hệ thống nước thải của KCN; xây dựng hệ thống xử lý khí thải; báo cáo với cơ quan phê duyệt kiểm tra và xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường…