Một nghiên cứu vừa được Tổ chức Forest Trends công bố đã phần nào phác họa bức tranh xuất khẩu (XK) gỗ của Việt Nam “hậu” Brexit…
Thị trường quan trọng
Việt Nam là một trong ba quốc gia XK các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh (bên cạnh Indonesia và Malaysia). Trong EU, Anh là thị trường lớn nhất nhập khẩu (NK) các sản phẩm gỗ của Việt Nam với kim ngạch XK hàng năm chiếm khoảng 35-36% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam vào EU. Kim ngạch XK sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh liên tục tăng. Năm 2015, kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam sang Anh đạt gần 270 triệu USD, tăng nhanh từ mức gần 181 triệu USD năm 2012.
“Sự kiện Brexit gây mất giá đồng Bảng Anh, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính của Anh cũng như tại các nước khác trong khu vực EU. Giảm sức mua từ Anh và các nước khác trong khối EU nói chung và sự sụt giảm nhu cầu trong ngành công nghiệp xây dựng nhà cửa tại Anh sẽ có tác động trực tiếp đến ngành gỗ của Việt Nam. Nói cách khác, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ NK vào Anh, bao gồm cả các sản phẩm gỗ NK từ Việt Nam chắc chắn sẽ giảm trong tương lai…”- Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends nhận định.
Hệ lụy từ đồng Bảng Anh mất giá
Nghiên cứu của Forest Trends cho thấy, hiện tại đồng Bảng Anh đã mất giá so với đồng USD, kéo theo sự mất giá so với đồng Euro. Điều này gây tác động tiêu cực đến giá XK đồ gỗ của Việt Nam. Sụt giảm về giá trị cổ phiếu của ngân hàng sẽ làm hạn chế việc cho vay tiêu dùng tại Anh và có thể sẽ lan sang các nước khác trong khối EU trong tương lai, điều này làm giảm nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia này.
Bên cạnh đó, tình hình hiện tại gây tác động tiêu cực đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng tại Anh và các quốc gia trong EU, dẫn tới sự hạn chế trong chi tiêu của người dân. Việc giảm giá trị của đồng Bảng Anh có thể khiến các công ty bán lẻ của Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi đa số họ mua hàng từ Châu Á và thanh toán bằng đồng USD. Giảm giá đồng Bảng làm cho các chi phí mua và NK hàng tăng cao.
“Tuy nhiên, đến nay các con số dự đoán về mức độ suy thoái kinh tế của Anh trong thời gian tới vẫn chưa chắc chắn. Vẫn còn quá nhiều các yếu tố mà chúng ta chưa biết có thể tác động đến sự phát triển kinh tế của Anh. Nói cách khác, chúng ta không thể đánh giá được sự sụt giảm trong việc NK các sản phẩm gỗ từ Việt Nam vào Anh…”- Báo cáo của Forest Trends lưu ý.
Nguyên nhân được chỉ ra là đã có ý kiến cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ can thiệp trong trường hợp suy thoái ở mức gây rủi ro cho nền kinh tế. Điều này càng làm cho các dự đoán về mức độ suy giảm nhu cầu tiêu dùng của Anh do Brexit mang lại trở nên khó khăn hơn.
Không ảnh hưởng đến đàm phán VPA/FLEGT
Một vấn đề các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ của Việt Nam đang rất quan tâm là Hiệp định Đối tác tự nguyện thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mà Việt Nam và EU đang đàm phán, với Brexit, liệu tiến trình và kết quả đàm phán VPA /FLEGT có bị ảnh hưởng?
Theo phân tích của Forest Trends, trong thời gian 2 năm khi Anh thực hiện đàm phán với EU về các bước để Anh rời EU, các quy định và chính sách của EU sẽ không có bất kỳ thay đổi nào. “Trong cuộc họp báo công bố kết quả đàm phán của phiên trong tháng 4 vừa qua giữa Việt Nam và EU, hai bên đã cam kết thống nhất về lộ trình ký kết VPA dự kiến vào cuối năm 2016. Như vậy, việc Anh rời EU hoàn toàn không có ảnh hưởng đến kết quả đàm phán FLEGT VPA giữa Việt Nam và EU…”- ông Tô Xuân Phúc khẳng định.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý, trong tương lai các sản phẩm gỗ của Việt Nam được XK vào Anh có thể có những thay đổi. Thay đổi như thế nào phụ thuộc vào kết quả của việc đàm phán giữa Anh và EU. Trong cả 2 kịch bản, gỗ có chứng chỉ FLEGT không mặc nhận được Anh chấp nhận. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Anh luôn là nước có vai trò rất tích cực trong đàm phán FLEGT VPA với nhiều quốc gia, do vậy Anh sẽ không dễ dàng từ bỏ vai trò tích cực của mình. Bên cạnh đó, khung chính sách hiện nay của Anh (độc lập với EU) có liên quan đến mua sắm công đã có cơ chế chấp nhận gỗ có chứng chỉ FLEGT.
“Hiện tại còn rất nhiều điều chưa rõ ràng và chưa chắc chắn về việc Anh sẽ rời EU như thế nào, về các tác động của việc này đối với các chính sách của Anh nói riêng và mối quan hệ thương mại giữa Anh và các nước trong khối EU, cũng như các nước khác nói chung. Các DN XK của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỉ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện đang được được EU áp dụng…”- Báo cáo đưa ra khuyến nghị.
* Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam:
Có khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi nhất định…
Năm 2015, tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là gần 7 tỷ USD, XK vào EU gần 900 triệu USD, bằng 14%, kim ngạch XK, XK vào Anh khoảng 280 triệu USD, tương đương 4%. Đồ gỗ XK vào Anh hoặc EU hầu hết là hàng tinh chế, nội ngoại thất chứ không phải sản phẩm thô. Với Brexit, một số nước thành viên của EU có thể có khó khăn thì ta có thể tận dụng, nắm bắt cơ hội này. Ngoài ra, Việt Nam cũng NK khá nhiều nguyên liệu từ các nước trong khối EU. Do vậy, chúng ta có khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi nhất định…
* Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Woodsland:
Nếu có tác động, chắc phải một thời gian dài nữa…
Hợp đồng XK sang EU có tính chất dài hạn, cho nên theo tôi, tác động từ Brexit nếu có phải sau thời gian dài nữa, còn thời điểm hiện tại thì hoạt động thương mại bình thường chưa thấy có sự thay đổi nào trực tiếp.
Với VPA/FLEGT, đây là một hiệp định liên minh tồn tại lâu giữa Anh và các nước khác trong EU. Sự kiện Brexit diễn ra mang chấn động tâm lý lớn, chi phí nhiều hơn những thay đổi cụ thể. Tác động tới Việt Nam ít hơn đối với tác động của các nước trong khối EU.
Theo tôi cũng có yếu tố tích cực nhỏ, vì ngoài việc NK gỗ từ các nước Đông Nam Á, Châu Á nói chung, EU và Anh cũng NK đồ gỗ mạnh từ Rumani, Balan… Khi giao lưu thương mại giữa Anh với các nước khác giảm sút đi thì có thể việc NK đồ gỗ của Anh từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có thể có tiến triển tích cực chứ không hoàn toàn tiêu cực…
* Ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ Bình Định:
Doanh nghiệp đang rất lo lắng…
25% đồ gỗ XK sang Anh là đồ gỗ ngoài trời, riêng Bình Định 85% là sản xuất, XK đồ gỗ ngoài trời, 15% là đồ gỗ trong nhà.Vấn đề đặt ra là Brexit, xuất đồ gỗ ngoài trời sang Anh có bị ảnh hưởng nhiều không?
Câu trả lời là có, nhà NK bằng đồng USD, trong khi đồng Bảng Anh mất giá 10%. Thời điểm này, các nhà sản xuất tại Bình Định đang chào hàng, gửi hàng mẫu chốt giá…, hậu quả cụ thể là đã có khách hàng yêu cầu giảm giá từ 6-7%, điều quan trọng hơn là DN còn bị giảm đơn hàng. Đơn hàng đồ trong nhà thị trường Anh yêu cầu giảm 20% đơn hàng. Nhà phân phối bán lẻ đồ gỗ tại Anh NK giá đắt hơn thì sẽ giảm giá ở thị trường cung ứng ,đồng thời xem xét quy mô đơn hàng để dè chừng rủi ro, phòng bị. Các ngân hàng bị mất tỷ giá trong đợt vừa rồi nên hạn chế tín dụng cho các nhà NK, nhà phân phối, tiêu dùng… Thêm vào đó, làn sóng đầu tư chuyển mạnh từ Anh và cả EU chuyển qua các nước châu Á Thái Bình Dương nên DN khá lo lắng cho thị trường Anh.
Đối với Bình định đây là thị trường thứ hai sau Đức vì sử dụng gỗ ngoài trời nhiều, sử dụng nguyên liệu rừng trồng có nguồn gốc gỗ hợp pháp nên tác động rất lớn. Các khách hàng chính tại hai thị trường này, trước thời điểm Brexit đã có khủng hoảng thì giờ lại càng khó khăn hơn…