Bữa cơm người nghèo thêm... đạm bạc

Phải hơn cả tháng nay, đặc biệt là sau những ngày lũ lụt hoành hành ở các tỉnh Bắc và Nam Trung bộ, giá hầu hết các mặt hàng đều tăng cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm và gia dụng. Các bà nội trợ, công nhân và sinh viên phải sống xa nhà đều cho rằng, họ đã phải tính toán hết sức chi li trong sinh hoạt hằng ngày để đối phó với “bão giá”.

Phải hơn cả tháng nay, đặc biệt là sau những ngày lũ lụt hoành hành ở các tỉnh Bắc và Nam Trung bộ, giá hầu hết các mặt hàng đều tăng cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm và gia dụng. Các bà nội trợ, công nhân và sinh viên phải sống xa nhà đều cho rằng, họ đã phải tính toán hết sức chi li trong sinh hoạt hằng ngày để đối phó với “bão giá”.

Giá cả đang tăng từng ngày

Mô tả ảnh.
Mặt hàng rau, củ, quả cũng tăng giá mạnh.

Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ lớn trên địa bàn Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Siêu thị, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường và hệ thống siêu thị…, hầu hết những mặt hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm đều tăng, có loại tăng giá đột biến từ 30 đến 40%, thậm chí có mặt hàng giá tăng lên gấp đôi.

Thống kê những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống dân sinh, chị Nguyễn Thị Mai Lan - tiểu thương chợ Hàn cho biết, hiện tại, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg; giá các loại thịt tăng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg so với trước đây. Mặt hàng thủy hải sản chủ yếu là cá ướp lạnh, còn cá tươi những ngày mưa lũ rất khan hiếm. Giá cá đồng, cá nuôi trở nên đắt đỏ hơn như: cá lóc từ 60.000 đồng tăng lên 70.000 đồng/kg, cá rô phi từ 30.000 đồng tăng lên 40.000 đồng/kg… Giá sỉ ở các điểm giết mổ gia súc, gia cầm và ở các chợ Đầu mối đối với mặt hàng rau, củ, quả… tăng cao đã kéo theo việc tăng giá ở các điểm bán lẻ cho người tiêu dùng.

Tại chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Siêu thị giá các loại rau mồng tơi, rau muống, rau ngót, rau cải... đồng loạt tăng thêm 2.000 - 6.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau khác như xà lách tăng mạnh từ 20.000 đồng lên gần 37.000 đồng/kg; rau thơm cũng tăng từ 40.000 đồng lên hơn 60.000 đồng/kg. Giá gạo tăng từng ngày, hiện mỗi ki-lô-gam gạo tăng từ 1.500 đến 3.000 đồng. Cô Trần Thị Sự - chủ quầy gạo và tạp hóa ở đường Dương Vân Nga cho biết, mỗi đợt nhập về, gạo lại tăng thêm một giá. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng gas đang tăng nhanh, mức tăng từ 12-14 ngàn đồng/bình 12kg so với tháng trước...

Nhiều tiểu thương ở chợ Hàn giải thích với người mua về việc tăng giá là do mấy ngày mưa lũ, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động ít, việc cung ứng hàng hóa từ các nơi về Đà Nẵng khó khăn.      

Người thu nhập thấp, đã khó càng khó hơn

Tình trạng tăng giá đã làm cho đời sống hằng ngày của nhiều gia đình bị ảnh hưởng, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà Hoàng Thị Như Xuân ở tổ 54, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, gia đình bà có 5 người (3 trẻ em, 2 người lớn), từ nhiều tháng qua, mỗi ngày bà đi chợ chỉ với 30.000 đồng nhưng bữa cơm gia đình vẫn tươm tất. Thế nhưng, trong những ngày giá cả tăng đột biến này, mỗi khi đi chợ bà rất khó khăn trong việc tính toán và đương nhiên là chất lượng bữa cơm đã kém hẳn đi. Nói cách khác là bữa cơm của người nghèo vốn đã rất đạm bạc lại càng đạm bạc hơn.

Với những người có thu nhập thấp như công nhân, lao động phổ thông, sinh viên trọ học xa nhà... trong đợt tăng giá này đã có không ít trường hợp lâm vào tình cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Chị Lê Thị Ba, cán bộ hành chính ở một công ty thuộc Liên hiệp Vận tải đường sắt 2 tâm sự: Toàn bộ khoản lương hằng tháng của chị là 3 triệu đồng, phải trang trải để nuôi 2 đứa con nhỏ đang đi học, gặp lúc giá cả thứ gì cũng tăng như thế này, chị thực sự không biết phải xoay xở ra sao. Với đồng lương ít ỏi ấy, tháng nào chị Ba cũng bị thiếu hụt, nhiều lúc phải cầu cứu ông bà ngoại đã về hưu để chu cấp thêm. Nhiều nữ công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp thủy sản Thuận Phước than thở: “Giá cả tăng nhanh, trong khi doanh nghiệp vẫn không có gì khởi sắc thì lương công nhân vẫn cứ dẫm chân tại chỗ, không tăng. Bữa cơm công nhân bọn em vốn rất nhạt, bây giờ càng nhạt thêm.

Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với nguy cơ bị tăng giá phòng trọ, bởi lẽ, mỗi khi thị trường tăng giá là chủ nhà cũng phải tăng tiền nhà…”. Nhiều sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề cũng lao đao theo “bão giá”. La Thị Thúy Hằng, sinh viên năm cuối Trường đại học Duy Tân cho biết, từ trước đến nay, tháng nào cha mẹ ở quê Diễn Châu, Nghệ An cũng gửi vào tài khoản thẻ một mức chi tiêu là: 1,2 triệu đồng. Trong số này phải chi 500.000 đồng tiền nhà trọ và điện nước; 200.000 đồng tiền sách vở và các khoản khác; 500.000 đồng còn lại là tiền ăn ngày 3 bữa. Bình thường em đã phải tính toán chi li từng đồng mới đủ sống trong chật vật, còn bây giờ thì khó khăn càng thêm chồng chất.

Trao đổi với báo giới về vấn đề giá cả leo thang tại địa phương, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết, hiện tại đơn vị đang triển khai nhiều biện pháp để chống đầu cơ, tăng giá. Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, thông báo rộng rãi cho người dân biết số điện thoại đường dây nóng để kịp thời xử lý. Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết - Sở đang tăng cường việc kiểm soát giá. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giá hàng hóa tăng do đồng tiền rớt giá, do nhà sản xuất nhập nguyên liệu tăng. Sắp tới, Sở sẽ chỉ đạo các chợ, các đơn vị thực hiện hàng loạt các chương trình khuyến mãi, tổ chức các hội chợ… để bình ổn giá thị trường. Ngoài ra, các mặt hàng thiết yếu trong diện bình ổn cũng đang được triển khai.                                                                             

Bài và ảnh: BẢO THY

Đọc thêm