Lâu lâu các con mới tụ tập đông đủ và cũng nhân Lễ Quốc khánh, gia đình anh Trần Minh Duy (39 tuổi) và chị Lê Thị Lan (30 tuổi, ngụ thôn Thạnh Mỹ, xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành, Quảng Nam) mới tổ chức nấu mì quảng gà ăn. Sau bữa ăn định mệnh, 11 người trong gia đình đều bị ngộ độc, 6 người phải nhập viện trong đó chị Lan đã tử vong.
Nhà nghèo cả năm mới thịt gà một lần
Ngày 31/8 rơi vào Chủ nhật nên chị Lan được nghỉ làm, ở nhà chăm sóc con cái. Anh Duy chồng có ngày không vướng bận gia đình, nên cùng với những anh em khác sang nhà ba mẹ gần đó phụ giúp gặt lúa, phơi rơm rạ…. Biết con cái tụ tập đông đủ và nhân dịp lễ Quốc khánh, mẹ anh Duy vội sai người nhà ra chợ mua 3 kg mì (mì Quảng), một ít rau sống mang về, đợi đến tối sẽ tổ chức nấu mì Quảng gà ăn. Ở quê, chợ chỉ nhóm họp 1 buổi sáng, muốn ăn uống thứ gì cứ phải lo mua trước rồi cất đó.
Còn gà, bà thả vườn được vài ba con đẻ trứng mang bán, phụ thêm tiền chợ búa. Nguồn sống dựa vào mấy con gà, nên việc thịt gà với gia đình nghèo này được coi là “sự kiện lớn”.
Đến 6h tối mới bắt bắt tay nấu nướng, mọi người lấy hơn nửa con nấu nước nhưn (loại nước dùng ăn với mì Quảng), số còn lại thái nhỏ, chế biến cho cô em gái út đang sinh nở nồi cháo gà.
Khoảng 7h tối, “bữa tiệc” mì gà mà gần cả năm mới có bắt đầu. Lúc này, anh Duy lấy điện thoại gọi báo vợ đi sang nhà ba mẹ chồng ăn uống, nhưng chị Lan nói đang bận tắm rửa cho con nhỏ, chồng dắt 2 đứa lớn đi trước, lát sẽ qua sau. Gia đình tới 11 miệng ăn nhưng có chưa đến 1 con gà, anh Duy biết vợ mình cố tình nói vậy để nhường phần, nên mới lấy chiếc bát lớn, làm một tô mì mang về.
Khu chợ nơi gia đình chị Lan mua mì Quảng |
Tối đó cả gia đình ăn uống vui vẻ, không ai gặp phải vấn đề gì. Qua sáng ngày 1/9, chị Lan cho biết mình bị đau bụng nhưng cứ nghĩ bình thường nên vẫn đi làm. Đến khoảng 9h, cảm giác bụng quặn đau hơn, chị Lan xin nghỉ rồi chạy xe về nhà, nhờ chồng đi mua thuốc đau bụng uống.
Cùng thời điểm, cô em gái thứ của anh Duy và mẹ cũng bắt đầu thấy người mệt mỏi, đau bụng tiêu chảy. Lấy thuốc cùng một lần cho cả 3 người, nhưng riêng chị Lan, hễ uống vào lại ói ra và đi ngoài liên tục.
Lo lắng, anh Duy giục vợ đến Bệnh viện nhưng chị Lan hiểu kinh tế gia đình mình đang khó khăn, tiền chẳng còn mấy đồng để lo cho con vào năm học mới nên lắc đầu: “Chắc uống thuốc cũng hết. Em ráng thôi chớ đi bệnh viện tốn tiền lắm”.
Cố gắng cầm cự đến khoảng 5h chiều, khi đó mẹ ruột chị Lan ngụ cùng thôn biết chuyện, liền tức tốc kêu xe đưa con gái đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (đóng tại Núi Thành), đồng thời cũng chở luôn cháu ngoại Trần Lê Kiều Oanh (4 tuổi, con gái lớn của anh Duy) đang trong tình trạng sốt, nôn mửa đi cấp cứu.
Bản thân anh Duy từ tối ngày 1/9 cũng có hiểu hiện choáng váng, bụng đau âm ỉ, nhưng thấy 2 con trai nhỏ (đứa 3 tuổi và đứa 17 tháng) cùng cảnh sốt tiêu chảy nên anh im lặng chịu đựng. Qua ngày 2/9, khi mẹ, cô em gái thứ, cùng 2 con trai đau nặng hơn, anh Duy mới dám nghĩ đến chuyện đưa cả nhà vào bệnh viện.
Năm người, trong đó có anh Duy, do ăn ít nên bị nhẹ, điều trị trong 2 ngày được cho xuất hiện. Năm người khác cũng ăn mì, song có thể vì sức đề kháng tốt, chỉ bị ngộ độc nhẹ, tự ở nhà chữa chạy.
Về phần chị Lan, sáng 2/9 vẫn tiếp xúc nói chuyện với người thân. Lúc được truyền nước, chị còn rất tỉnh táo trình bày về sức khỏe hiện tại, cho biết đã hết choáng váng nôn mửa, chỉ còn tiêu chảy. Đến tối, chị bất ngờ rơi vào cơn nguy kịch, được chuyển đến khu vực đặc biệt chăm sóc.
“Qua hôm sau, sức khỏe Lan khá trở lại. Khi bác sĩ yêu cầu tôi mua cháo cho cô ấy ăn, tôi quan sát thấy vợ bắt đầu khỏe dần. Cứ tưởng tình hình đã khả quan, vợ tôi còn căn dặn tôi lo chăm sóc con cái. Ai ngờ đến khuya, bác sĩ một lần nữa gọi báo, vợ tôi yếu sức lắm rồi. Vội chạy đến nơi, mới biết vợ tôi đã mất dần tri giác, đang trong cơn hấp hối. Khoảng 4h45’ sáng 4/9, vợ tôi trút hơi thở cuối cùng…”, anh Huy chua chát.
Mỳ chứa hàn the gây ngộ độc?
Thông tin về vụ ngộ độc luôn được dư luận quan tâm, đặc biệt băn khoăn chuyện chị Lan nhập viện điều trị những 3 ngày vẫn không qua khỏi. Thời điểm đó cũng rơi vào đúng dịp lễ 2/9, khiến nhiều người thắc mắc: Kíp trực có vấn đề? Chẳng lẽ ngộ độc thực phẩm sẽ không có khả năng cứu chữa?
Trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Trần Quang Đạt, trưởng Khoa hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, bệnh viện tiếp nhận 5 người nhà anh Huy nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm với hiểu hiện sốt, nôn mửa.
Các bác sĩ cho dùng kháng sinh, uống men tiêu hóa, nước điện giải. Riêng chị Lan có dấu hiệu nhiễm độc, nhiễm trùng, suy đa tạng nên được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị tích cực. Nằm tại đây, qua các xét nghiệm tiếp theo, chị Lan được chẩn đoán nhiễm trùng huyết nặng dẫn đến tử vong.
Về nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc, ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, hiện tại do chưa có kết quả xét nghiệm nên chưa thể kết luận tình trạng xảy ra ở gia đình chị Lan có phải do ngộ độc thực phẩm hay không. Vụ việc đến nay đã được báo cáo lên cấp trên và đang tiến hành kiểm tra, xét nghiệm.
Căn cứ theo lời anh Duy, mì và rau sống được mua ở khu chợ thôn 3 (thuộc xã Tam Mỹ Tây), gà nuôi tại nhà. Em gái út của anh Duy do mới sinh chỉ ăn cháo gà và không bị ngộ độc. Mấy đứa trẻ con không ăn rau sống nhưng vẫn bị ngộ độc. Do đó người nhà nghi ngờ chỉ có thể ngộ độc từ mì.
Đứa con trai ngày ngày ôm bàn thờ mẹ, khóc mệt lại nằm lăn ngủ mê mệt |
Tiếp tục kiểm tra thông tin từ khu chợ, được biết người bán mỳ cho gia đình anh Duy thường được gọi tên bà Mập. Bà Mập không sinh sống ở địa phương mà từ nơi khác đến.
Mỳ bà Mập rất được nhiều người ưa chuộng chọn mua vì ngon, để lâu ôi thiu. Đặt biệt, bà Mập mang trực tiếp mỳ lá tới khu chợ, tự tay dùng dao cắt mì thành sợi chứ không dùng máy như nhiều người buôn bán khác.
Đáng nói, hôm bán mỳ cho gia đình anh Duy, bà Mập cũng bán hết 30 kg. “Nếu mỳ tôi là tác nhân thì theo tính toán, cứ 1 ký mỳ/3 người ăn thì có cả trăm vụ ngộ độc”, bà Mập trả lời.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một số hộ dân từng làm nghề tráng mỳ như bà Bốn Dương, bà Á (ngụ Tam Mỹ Tây), khả năng trong mì được trộn với hàn the. Loại hóa chất này được biết như một chất độc hại nhưng lại có tác dụng giúp sợi mì dai hơn và lâu hỏng.
“Với những ai không có tâm trong làm ăn, khả năng họ dùng hàn the để pha chế trong trong bột là rất cao. Ngộ độc thường bắt đầu biểu hiện từ 8- 10 tiếng sau khi ăn, giống với gia đình anh Duy”, một người nói.
Còn tại sao có người bị ngộ độc, số lại không, có thể chất này đươc hòa trộn không đồng đều. Hơn nữa, trong quá trình nấu nướng chế biến, nếu để càng lâu (trường hợp gia đình anh Duy mua mỳ từ trưa nhưng đến tối mới ăn), chất hàn the sẽ làm tăng thêm độc tố./.