Bức tranh bình ổn giá

Trước Tết Nguyên đán 2 tháng, kế hoạch kiểm soát hàng hóa, dịch vụ, thực hiện bình ổn giá, kiềm chế lạm phát dịp cuối năm lại được thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Ở Đà Nẵng, những ngày này, bức tranh bình ổn giá cuối năm cũng không kém phần nhộn nhịp.
Trước Tết Nguyên đán 2 tháng, kế hoạch kiểm soát hàng hóa, dịch vụ, thực hiện bình ổn giá, kiềm chế lạm phát dịp cuối năm lại được thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Ở Đà Nẵng, những ngày này, bức tranh bình ổn giá cuối năm cũng không kém phần nhộn nhịp.
Bán hàng niêm yết, khuyến mãi

Tại các chợ lớn, việc niêm yết giá hàng hóa đã được thực hiện nhiều năm qua. (Ảnh chụp tại chợ Hàn)
Dạo một vòng quanh các chợ lớn của Đà Nẵng, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy các bảng niêm yết giá cả hàng hóa. Được biết, quy định này đã được thực hiện ở các chợ trong những năm gần đây, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm thực phẩm, phục vụ bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc mặc cả giữa người mua-kẻ bán vẫn diễn ra tại các điểm đã niêm yết giá. Chị Nguyễn Thị Thu, trú quận Hải Châu kể: “Mặc dù bảng niêm yết ghi giá thịt bò loại 1 là 150.000 đồng/kg, loại 2: 110.000 đồng/kg, loại 3: 90.000 đồng/kg, nhưng khi ghé mua, chủ quầy vẫn giới thiệu thêm một “loại đặc biệt” với giá trên 150.000 đồng. Có thắc mắc thì chủ quầy chỉ trả lời “loại này ngon hơn”…”.

Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn cho biết: “Ban Quản lý chợ Hàn quy định, việc buôn bán phải tuân thủ theo chương trình “Xây dựng quầy bán hàng văn minh thương mại”, quy định tiểu thương bán chênh lệch (tăng, giảm) không quá 10% giá niêm yết. Nếu vi phạm, chúng tôi sẽ xử phạt bằng cách buộc tiểu thương tạm ngưng kinh doanh từ 10-15 ngày”.

Cũng tại các điểm chợ, nhiều mặt hàng ghi hàng chữ “khuyến mại, giảm giá” để khuyến khích người mua. Đến thời điểm này, hàng trăm tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, khu B-Siêu thị Đà Nẵng đã đăng ký bán hàng khuyến mãi và giảm giá từ 5-15% trong thời gian từ nay đến hết tháng 2-2011. Nhằm kích cầu tiêu dùng, trong tháng 12, các chợ trên cũng đã triển khai thêm chương trình tặng thẻ cào trúng thưởng cho người đi chợ mua hàng từ 100.000 đồng trở lên với tổng giá trị lên đến gần 40 triệu đồng.

Theo ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, rất nhiều thương nhân tại các trung tâm thương nghiệp, chợ lớn trên địa bàn thành phố đều hưởng ứng chương trình bán hàng niêm yết, giảm giá, khuyến mãi. Song song với công tác này, chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện tại đã có một số quầy bán hàng Việt đặt ngay tại những khu vực mặt tiền của chợ Cồn, được hỗ trợ 100% kinh phí thuê mặt bằng.

Nhiều biện pháp bình ổn giá

Cùng với thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá cả hàng hóa, thực hiện khuyến mãi dịp cuối năm, UBND thành phố cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm soát thị trường hàng hóa. Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp (DN) đầu mối cung cấp các loại hàng hóa thuộc diện bình ổn giá.

Đến ngày 7-12, Đoàn đã kiểm tra được 15 đơn vị kinh doanh. Theo đó, phần lớn cơ cấu giá và việc hình thành giá bán tại thị trường Đà Nẵng (tăng hoặc giảm) là do các đơn vị chính (xuất nhập khẩu) tại TP. Hồ Chí Minh quyết định.Việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các siêu thị BigC, Co.oop Mart, Intimex, Metro, chợ Hàn, chợ Đống Đa… đều chấp hành tốt và thực hiện đúng quy định.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nhận định, thị trường hàng hóa cuối năm bị tác động mạnh bởi giá vàng, ngoại tệ tăng, tình hình thiên tai cũng như quy luật cung cầu. Một số mặt hàng dự báo có khả năng tăng giá vào những ngày giáp Tết Nguyên đán như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, bánh mứt, kẹo có nguyên liệu từ đường với mức độ tăng dao động từ 15 đến 20%.

Trên thực tế, việc kiểm soát giá cả đầu vào được cho là rất khó khăn, bởi phần lớn tiểu thương lấy hàng hóa từ nhiều nguồn, chất lượng cao, thấp khác nhau nên mức giá cũng không đồng nhất. Ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho rằng, việc phối hợp giữa các ban, ngành trong việc thực hiện bình ổn giá sẽ giúp công tác này diễn ra hiệu quả, tránh tình trạng tiểu thương lợi dụng để đầu cơ. Có một hạn chế là hiện nay việc xử phạt lại chưa quy về một mối nên khó khăn trong xử lý những trường hợp vi phạm.

Dự trữ hàng hóa phục vụ Tết

Nhằm bảo đảm cân đối việc cung-cầu hàng hóa trước, trong và sau Tết ở các mặt hàng thiết yếu như gạo, gạo nếp, thịt heo, UBND thành phố đã quyết định cấp 4,65 tỷ đồng mua 500 tấn gạo, hỗ trợ cho Công ty TNHH Đắc Vinh vay không lãi 3,5 tỷ đồng trong thời hạn 2 tháng để mua heo dự trữ phục vụ Tết (tương ứng 25 tấn thịt vai và mông), cũng như hỗ trợ thêm 100 triệu đồng chi phí để Đắc Vinh triển khai thực hiện. Theo đó, thời điểm từ ngày 25 đến 30 tháng Chạp (Canh Dần) và 2 ngày mồng 4, mồng 8 sau Tết sẽ thực hiện 11 điểm bán tại chợ Cồn, chợ Hàn, Khu B-Siêu thị Đà Nẵng, chợ Đống Đa, chợ An Hải Đông, chợ Hòa Hải, chợ Mai, chợ Hòa Khánh, chợ Cẩm Lệ, khu vực chợ Mới, 407 Trưng Nữ Vương. Hỗ trợ 2 xe bán hàng lưu động tại các điểm nóng, đông dân cư, phương tiện đi lại khó khăn như các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang).
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị 4.000 tấn gạo các loại để phục vụ nhân dân trong dịp Tết và bảo đảm nguồn hàng cung cấp kịp thời quý 1-2011. Các doanh nghiệp đầu mối cũng đã dự trữ 2.000 tấn gạo nếp, bảo đảm cung cấp đủ cho dịp Tết.

Thông tin từ Sở Công thương Đà Nẵng, hiện đã có 7 DN cam kết dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết. Chú trọng đến các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm chế biến, đông lạnh , thịt gia súc, gia cầm các loại, bánh kẹo, bia, nước giải khát, rau quả, thực phẩm tươi sống. Đặc biệt, một số công ty có mức dự trữ hàng hóa trị giá cao như Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam 92,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng 36,1 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty Vissan tại Đà Nẵng 21,2 tỷ đồng, Công ty Xuất nhập khẩu Intimex 20,7 tỷ đồng… Ngoài ra, còn một lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của 4.000 tiểu thương tại 7 chợ lớn có trị giá khoảng 110 tỷ đồng.

Về phía người tiêu dùng, có thể thấy rằng, công tác thực hiện bình ổn giá đã tạo được nguồn hàng dự trữ phong phú với kênh phân phối rộng, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường thực hiện đồng bộ… Nhưng theo ý kiến của nhiều người, nếu Đà Nẵng chỉ thực hiện 11 điểm bán thịt heo bình ổn giá, tập trung phần lớn ở trung tâm thành phố thì người tiêu dùng ở xa rất khó tiếp cận được. Nên chăng, thành phố bổ sung thêm điểm bán tại Ngã ba Huế để phục vụ người dân các quận là Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Hòa Vang hoặc chia đều các điểm bán hàng tại các quận, huyện để giúp người dân nông thôn, vùng xa trung tâm có điều kiện tiếp cận với nguồn hàng bình ổn giá.

Tiểu yến

Đọc thêm