Bức tranh công nghiệp sẽ được tỏa sáng

Vùng đất Nam Tây Nguyên heo hút ngày nào giờ đây đã mọc lên hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp từ nguồn nguyên liệu sẵn có như cà phê, chè, dâu tằm, khoáng sản, thủy điện...

Vùng đất Nam Tây Nguyên heo hút ngày nào giờ đây đã mọc lên hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp từ nguồn nguyên liệu sẵn có như cà phê, chè, dâu tằm, khoáng sản, thủy điện.… Và, nhờ những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong một môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng mà Lâm Đồng dày công xây dựng đã tạo cho ngành công nghiệp Lâm Đồng một sức bật mới và vững vàng tiến sâu vào xu thế hội nhập.
Sản xuất rượu vang tại Công ty cổ phần Rượu Bia Đà Lạt.
Sản xuất rượu vang tại Công ty cổ phần Rượu Bia Đà Lạt.

Xác định đầu tư phát triển công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những nội dung mang chiến lược lâu dài, ngày 26/12/2006, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về “Tập trung phát triển công nghiệp - TTCN giai đoạn 2006 - 2010”. Đây được coi là “chìa khóa” để ngành công nghiệp triển khai thực hiện hàng loạt những dự án về công nghiệp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH. Ông Huỳnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: “Đối với ngành công nghiệp Lâm Đồng, trong từng giai đoạn phát triển đều có những khó khăn thách thức khác nhau. Song vấn đề quan trọng chính là việc đã biết nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực trạng để tham mưu cho tỉnh hoạch định một chiến lược dài hạn phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Để tạo những cú hích mới, thời gian qua ngành đã trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch phát triển công nghiệp Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”; thực hiện Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung chè, cà phê, rau, hoa nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp chế biến; thực hiện hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 2 khu công nghiệp và 14 cụm, điểm công nghiệp; hàng năm chủ động rà soát các dự án công nghiệp ưu tiên kêu gọi đầu tư như chế biến nông  - lâm sản, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tích cực làm việc với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn để kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh… ”.

Với mục tiêu chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tạo sự chuyển biến mới về chất và mang tính bền vững, trong giai đoạn 2006-2010, ngành công nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng cho mình một lộ trình hoạt động với hàng loạt định hướng mang tính chiến lược, bước đầu gặt hái được những kết quả nhất định. Tất cả đều được minh chứng qua những con số sau: Tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt 15,89%; trong đó, công nghiệp khai thác tăng bình quân 24,02%/năm; sản xuất và phân phối điện nước tăng 23,47%/năm; công nghiệp chế biến nông - lâm sản tăng 12,53%/năm... Bên cạnh đó, nhờ quan tâm phát triển hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng trong thu hút đầu tư nên đến nay tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Lộc Sơn giai đoạn I đạt 100%, khu công nghiệp Phú Hội đạt 71,18%. Như vậy, xét trên tất cả các chỉ tiêu định lượng và những định hướng phát triển, ngành công nghiệp đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy. Cùng với các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh như đầu tư hạ tầng các khu, cụm điểm công nghiệp, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung phục vụ mạng lưới công nghiệp chế biến, mấy năm gần đây ngành công nghiệp Lâm Đồng đã tạo nên một lực hút tổng hợp trong việc thu hút các nhà đầu tư. Một số dự án lớn như: Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai, Nhà máy sản xuất bê tông nhẹ của Công ty TNHH Vĩnh Đức, Dự án thủy điện Đồng Nai 3-4, Thủy điện Đa Dâng 2... chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo nên bước đột phá mới cho công nghiệp Lâm Đồng. Như vậy, kể từ năm 2011, trở đi, ngành công nghiệp Lâm Đồng sẽ có khi thế mới, sức bật mới để phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 từ 22 - 23%. Và, để thực hiện được mục tiêu đó, phải có những nỗ lực hơn nữa so với giai đoạn trước. Trước hết, cần tập trung kêu gọi thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư mạnh và có trọng điểm vào ngành chế biến nông sản, lâm sản; khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp năng lượng; từng bước đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch ở các vùng nông thôn có khả năng phát triển các loại cây công nghiệp làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tập trung đầu tư hạ tầng công nghiệp cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh có quy mô từ trung bình trở lên; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và kỹ thuật mới cho những lĩnh vực công nghiệp quan trọng, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm tham gia xuất khẩu; ngoài ra cần xây dựng một môi trường ưu đãi thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh an tâm gắn bó lâu dài với địa phương, góp phần tạo nên một môi trường công nghiệp thật sự sôi động.

Có thể nói, chủ trương tạo bước “đột phá, tăng tốc” đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển và Nghị quyết chuyên đề về phát triển Công nghiệp-TTCN giai đoạn 2006 - 2010 của Tỉnh ủy đã thổi vào ngành công nghiệp Lâm Đồng một luồng gió mới. Bên cạnh đó, những nỗ lực không ngừng trong việc chủ động “làm mới mình”, nâng cao khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế trong thời hội nhập của các đơn vị quản lý Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã tạo cho ngành công nghiệp Lâm Đồng một sức bật mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
Hồng Hải

Đọc thêm