|
Tượng thần Ganêsa tại Cát Tiên. |
Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Đồng một vùng bình sơn nguyên, với nhiều thắng cảnh đẹp của núi, rừng, sông, suối, hồ, thác… Trên vùng đất đó, còn in hằn dấu tích của những cộng đồng người cổ thể hiện qua hàng ngàn di vật độc đáo, di sản thiên nhiên, di sản lịch sử văn hóa đã, đang và mãi mãi làm nên vẻ đẹp riêng có ở Nam Tây Nguyên.
Di sản thiên nhiên
Với đặc điểm là vùng cao nguyên, có địa hình đa dạng, từ dạng núi cao sườn dốc, độ cao so với mực nước biển của đỉnh Bidoup là 2286 m, Chư Giang Sing 2445 m, Langbian 2163 m đến dạng địa hình chia cắt thưa Cát Lộc 626 m, Núi Tượng (VQG Cát Tiên) 130 m. Nam Tây Nguyên sở hữu một vùng nguyên sinh rộng lớn nằm trong VQG Cát Tiên có diện tích rộng gần 72 ngàn ha, VQG Bidoup Núi Bà có diện tích trên 65 ngàn ha.
Toàn bộ hệ thủy sinh của VQG Cát Tiên phụ thuộc vào dòng chảy của sông Đồng Nai, tạo nên hệ thực vật, động vật thủy sinh đa dạng, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ. Hệ sinh thái rừng ẩm thường xanh ở đây có 1610 loài thực vật bậc cao, khu hệ động vật có 751 loài côn trùng, 159 loài cá, 81 loài bò sát, 351 loài chim, 103 loài thú, trong đó còn tồn tại một quần thể tê giác Việt Nam khoảng 5 - 7 con. VQG Cát Tiên đã được UNESSCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới.
VQG Bidoup Núi Bà do ảnh hưởng của độ cao trên 1500 so với mặt nước biển, nên nhiệt độ trung bình khoảng 18 độ C, quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành. Thảm thực vật trên cao nguyên Lâm Viên chủ yếu gồm rừng ôn đới thuần nhất, điển hình là những quần tụ thông hai lá, thông ba lá, thông đỏ và là cả một thiên đường cho các loài hoa sinh sống và phát triển.
Nói đến di sản thiên nhiên Lâm Đồng, người ta không thể quên những danh lam, thằng cảnh được tạo nên bởi hệ thống hồ nước, thác nước. Ngay từ 1988, hồ Xuân Hương đã được Bộ Văn hóa công nhận là thắng cảnh Quốc gia. Từ đó đến nay, danh mục di tích được xếp hạng là thắng cảnh hồ, thác đang tiếp tục vượt qua con số 15. Đó là: Hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, hồ Đạ Tẻh, hồ Đạ Hàm, thác Đatanla, thác Cam Ly, thác Prenn, thác Liên Khương, thác Gougah, thác Pongour, thác Bảo Đại, thác Voi, thác Hang Cọp. Và chắc chắn các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp như hồ Suối Vàng, hồ Đa Nhim, hồ Đắk Lô, thác Đạm Bri, thác Bobla, thác Bảy tầng… sẽ nằm trong bảng xếp hạng là những di sản thiên nhiên kỳ vỹ của núi rừng Nam Tây Nguyên.
Di sản lịch sử văn hóa
Từ 60.000 năm về trước, con người đã sống ở Nam Tây Nguyên, họ đã để lại bộ sưu tập công cụ đá ghè đẽo của thời đại đá cũ ở Núi Voi. Và 59 hiện vật đồ đá phát hiện ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho thấy các dấu tích hoạt động khai phá đồi rừng, sáng tạo văn hóa của cộng đồng tiền sử - sơ sử trên cao nguyên.
Di chỉ khảo cổ học ở xã Gia Lâm huyện Lâm Hà là một loài hình di tích hiếm có ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tại đây phát hiện 4 di chỉ - xưởng của người tiền sử - sản xuất đồ đá quý, đá bán quý, vòng đeo tay bằng chất liệu đá Ôpan nhiều màu vào giai đoạn hậu kỳ đá mới.
Đàn đá là đặc trưng cho sáng tạo nghệ thuật đầu tiên kỳ thú nhất của loài người, báu vật này được Condominas và Bom be phát hiện người Mạ đang sử dụng tại thôn Bù Đơ tại xã Lộc Bắc, Bảo Lâm vào năm 1936. Sau giải phóng, bảo tàng Lâm Đồng đã sưu tầm được đàn đá Đạ Long (Đam Rông), đàn đá Đinh Lạc, Sơn Điền (Di Linh).
Qua 3 đợt khai quật di tích Phù Mỹ (Cát Tiên) các nhà khảo cổ học đã phát hiện bộ sưu tập khuôn đúc những vũ khí và công cụ sản xuất có niên đại cách ngày nay khoảng 2500 - 2700 năm. Bộ sưu tập đã phác thảo những ngôi làng cổ thời đại đồng thau với các công xưởng chế tác đồ đồng, đồ gốm, bàn xoa gốm, có cư dân làm nghề dệt vải, làm gốm, làm khuân đúc đồng. Hiện nay, ở Lâm Đồng đã phát hiện 5 trống đồng, di vật biểu trưng cho tài năng và trí tuệ đúc đồng trác việt của người Việt cổ.
Trên 10.000 tiêu bản hiện vật khai quật tại khu mo táng Đài Làng (Lộc Tiến - Bảo Lâm) với gốm men ngọc sản phẩm thời Lý, gốm hoa lam đặc trưng cho thời Lê, gốm nâu thuộc thời Trần... Bên cạnh những công cụ sàn xuất bằng sắt, vũ khí, nhạc cụ, đồ trang sức bằng đá, bằng đồng cho thấy một thời Nam Tây Nguyên là chặng dừng rực rỡ của con đường gốm xứ trên biển.
Di tích Pró (Đơn Dương) là một dạng kiến trúc đền thờ có niên đại từ thế kỷ XII - XIV. Từ cao trình 1000 mét so với mặt nước biển, những ngôi đền âm trong lòng đất đã lộ rõ mô hình cấu trúc độc đáo với cấu tạo góc vuông tuyệt đối, đỉnh đền sử dụng loại gạch bo góc tròn, giật cấp để tao nên những ấn tượng có tính mỹ thuật cao.
Thánh địa Cát Tiên đã trải qua 8 mùa khai quật, hai cuộc hội thảo khoa học, thu hút hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế đến nghiên cứu và tìm hiểu thánh địa ra đời trong thời kỳ nào? Chủ nhân là ai? Di sản vô giá của tiền nhân để lại trên bở Bắc sông Đồng Nai là đô thị tôn giáo với quần thể kiến trúc gạch được mài chập các viên gạch liên kết với nhau thành khối vững chắc, được giật cấp nhiều lần và cắt góc từng cấp bằng nhiều loại hoa văn. Chất liệu đá xây dựng khá đa dạng: cột vòm cửa dẫn, thanh ốp cửa, mi cửa, bậc lên xuống cửa ra vào, lát nền lòng tháp, ghép bệ thờ. Đá sử dụng có kích thước lớn được trạm khắc đẹp, trau chuốt mỹ thuật cao. Trung tâm của đền mộ, đến thác đều có ngẫu tượng Linga - Yony. Hàng trăm hiện vật bằng chất liệu đá quý, đồng, bạc, vàng thể hiện kỹ thuật khắc tạp, chế tác, điêu khắc góp phần khẳng định di tích Cát Tiên có quy mô lớn nhất, tập trung nhiều tinh hoa trên nhiều lĩnh vực mà không có một di tích nào hiện biết trong khu vực có thể so sánh được.
Người dân Nam Tây Nguyên trân trọng, tự hào về các di sản vô giá do thiên nhiên ban tặng và của tổ tiên để lại bao nhiêu, lại càng cần nỗ lực giữ gìn phát huy giá trị của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để xứng đáng là thế hệ hậu sinh đang tái tạo một khát vọng vươn tới.
Đinh Thị Nga