Bức tranh về pháp luật kinh doanh vẫn còn những điểm mờ

(PLVN) - Khẳng định năm 2018 là năm của cải cách thể chế, song TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan ngại khi bức tranh về pháp luật kinh doanh 2018 cũng vẫn còn những điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm và chưa thực chất…
Hội thảo Công bố Báo cáo Dòng chảy kinh doanh năm 2018

Hôm nay (15/1), VCCI đã chính thức công bố Báo cáo Dòng chảy kinh doanh năm 2018. Đây là năm thứ 2, VCCI thực hiện khảo sát và công bố báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh…

Hừng hực khí thế cải cách…

Theo Báo cáo của VCCI, trong năm 2018, các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 16 luật và 74 nghị quyết của Quốc hội, 01 pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, 169 nghị định của chính phủ, 51 Quyết định của Thủ tướng chính phủ, 590 thông tư của các bộ và 47 văn bản khác (thông tư liên tịch, nghị quyết liên tịch...) (chưa bao gồm các nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội).

Riêng về ĐKKD, đến hết tháng 11/2018 đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm ĐKKD được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành (ngoại trừ Bộ công an không có đề xuất sửa đổi)…

“Năm 2018 được coi là năm của cải cách thể chế với việc đồng khởi của những nỗ lực cắt giảm các ĐKKD và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Hai điểm nghẽn lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và lưu thông thương mại qua biên giới, và cũng là hai rào cản lớn nhất cho phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập – với tư cách là những động lực quan trọng hàng đầu của công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam. Chúng ta đã làm được nhiều việc trong cuộc đồng khởi này, giảm 50% ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ đã giải phóng DN khởi hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của DN, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh…” - Chủ tịch VCCI phát biểu.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, có được một năm hừng hực khí thế cải cách chính là nhờ “sức nóng” từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng DN…

“Điểm rất đáng ghi nhận ở đợt rà soát lần này là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Những ĐKKD trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát năm 2018 cũng đã được cân nhắc, xem xét để cắt bỏ hoặc điều chỉnh…” -  Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Chưa hết băn khoăn…

Theo Chủ tịch VCCI, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh về pháp luật kinh doanh 2018 cũng vẫn còn những điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm và chưa thực chất. 

“Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng gập ghềnh trong tư duy quản lý của các bộ ngành. Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của DN. Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa…” - Chủ tịch VCCI nhận định.

Còn theo Trưởng ban pháp chế VCCI, trong các báo cáo khi lập phương án, phần lớn các Bộ đều đưa ra con số về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa là trên 50% theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD hiện có. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại Nghị định, cho thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế...

Thậm chí có tình trạng “bỏ cũ, thêm mới” trong cắt giảm ĐKKD. Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số ĐKKD được sửa đổi gây khó khăn hơn cho DN hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho DN…

Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn nêu ví dụ về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn “khó” hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

Kiến nghị một luật sửa nhiều luật

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, giới hạn trong phạm vi rà soát ĐKKD năm 2018 là chỉ tiến hành xem xét, sửa đổi các ĐKKD bất hợp lý tồn tại trong các văn bản cấp Nghị định. Do vậy, những ĐKKD, dù biết là chưa phù hợp, gây khó khăn cho DN, nhưng vẫn không được rà soát bãi bỏ trong đợt này chỉ vì lý do ĐKKD đó được quy định của văn bản cấp luật.

“Chính vì giới hạn này mà rà soát lần này gặp rất nhiều hạn chế khi chưa loại bỏ được triệt để các ĐKKD bất hợp lý, thậm chí là loại bỏ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện…” - ông Tuấn nói.

Theo Chủ tịch VCCI, việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh để có thể ban hành các văn bản một luật sửa nhiều luật, để tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là rất cần thiết. “Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ ủng hộ giải pháp này…”- TS Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), xóa bỏ ĐKKD là đương nhiên nhưng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển mới quan trọng hơn. Không chỉ xóa bỏ rào cản mà pháp luật cần phải thúc đẩy sự phát triển. Thách thức lớn nhất hiện nay là tất cả các cuộc cải cách đều xuất phát từ Chính phủ và kiến nghị của DN, không có cơ quan nào có sáng kiến đề xuất là sẽ xóa bỏ, cải cách trong lĩnh vực quản lý của mình. “Động lực này sẽ hết khi Chỉnh phủ không thúc đẩy?” - Ông Hiếu đặt vấn đề. Theo ông điều này cũng giải thích vì sao ĐKKD được xóa bỏ ở Nghị định này thì Nghị định khác lại đưa vào. Phó Viện trưởng CIEM đề xuất cần bóc tách lợi ích ngay từ khâu đầu soạn thảo văn bản và có sự đầu tư xứng tầm cho công tác làm chính sách,,,

Đọc thêm