Từ lâu đời, người Việt Nam quan niệm việc tang là việc hiếu. Đối chiếu với các quy định trong hương ước làng văn hóa, quy ước khu dân cư văn hóa, các đám tang thời nay thể hiện người dân đã chấp hành chủ trương của Nhà nước nói chung, Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về việc thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan nói riêng. Đó là: không phát nhạc tang quá 23 giờ đêm và trước 5 giờ sáng... Khi bốc mộ, giữ vệ sinh chung cho môi trường. Nhưng xem xét dưới góc độ một thể chế văn hóa hoàn chỉnh, sự phô trương, biến tướng trong nhiều đám tang hiện nay đang gây những bức xúc trong dư luận.. Và đó là nguyên cớ để chúng tôi “lại bàn” về việc tang thời mở cửa..…
Hỗn loạn nhạc tang, rình rang phố phường
Trong tang lễ, âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu. Dân gian từng có câu “ sống dầu đèn, chết kèn trống”. Nhưng nhạc tang ở nhiều đám đang làm cho việc hiếu mất đi sự nghiêm túc bởi sự hỗn loạn các thể loại, bày vẽ khóc ca.
Từ lâu, theo phong tục cổ truyền Việt Nam, nhạc tang dùng trong lễ viếng chủ yếu là phường bát âm với nhóm thợ kèn dùng những điệu lâm khốc, xuân nữ, nam ai, an thư.. Lúc đưa đám thì dùng hành vân, lưu thủy, bình bán… Chỉ thế cũng đã não nùng, cũng đã bi thương. Nhưng dường như chưa đủ, bây giờ, có những đội tang diễn tấu một số ca khúc theo yêu cầu nhà hiếu như bài Lòng mẹ của Y Vân, Một cõi đi về, Cỏ xót xa đưa của Trịnh Công Sơn. Bài Lòng mẹ thì ca ngợi công ơn người mẹ. Bài Một cõi đi về, Cỏ xót xa đưa là hai trong số ca khúc về chủ đề sự sống và cái chết của con người. Bài Cỏ xót xa đưa có ca từ đã buồn: “Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê/ Nghe tiền nhân về chào tiếng lạ/ Sớm mai hồng ngồi nhớ thiên thu”. Nhưng khi được hòa âm phối khí, giai điệu càng buồn. Dù vậy, nó cũng rất khó phổ biến ở các đám tang bởi không đúng với nhạc tang truyền thống. Vậy mà, theo một số tang chủ, họ được một số người nhà ở phía Nam tặng CD Cỏ xót xa đưa này và dùng dưới hình thức mở CD chứ đội thợ kèn không thổi được! Cũng chung quanh về nhạc trong đám tang, không hiểu có phải vì quan niệm rằng cái chết là mừng, là vui mà có Việt kiều về làm đám tang mẹ, mở CD Đàm Vĩnh Hưng hát toàn bài về tình yêu. Đặc biệt “ hoành tráng” là đội nhạc kèn đồng. Một số ý kiến cho rằng loại âm nhạc này dùng đối với đám tang bên đạo. Nhưng trên thực tế, có gia đình không theo đạo, người chết cũng chẳng phải tướng tá, cựu chiến binh. Nhưng vì nhiều tiền và thích chơi trội, họ thuê hẳn một đội nhạc kèn này (năm 2010, giá thuê khoảng hơn 7 triệu đồng) số lượng từ 20-30 thành viên. Quần áo trắng, găng tay trắng, mũ trắng… các thành viên đội cử nhạc rất rầm rộ khi cất đám, đưa người chết ra nghĩa trang. Đáng nói nữa là họ tha hồ diễn tấu hết công suất những giai điệu hành khúc, thậm chí chơi cả bài Hồn tử sĩ và Tiến quân ca!. Thoạt đầu, người dân cứ nghĩ sân vận động thành phố hay khu dân cư phường ta đang cử hành nghi lễ nào đó bởi những tầng âm thanh ầm ầm, lúc trầm hùng, khi giòn giã. Hóa ra, đó là màn trình trấu của dàn nhạc kèn đồng đám ma! Thật khó lý giải sự phô phang đối nghịch trong một đám tang mà lẫn lộn cả phường bát âm tò tí te với dàn nhạc kèn mặc sức diễn tấu?
Chỉ thị 15 của Ban thường vụ Thành ủy có nêu: “Lễ tang cần tổ chức trang trọng, tiết kiệm… (…) bảo đảm trật tự công cộng, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người chung quanh”. Nhưng, các đám tang ngày nay còn gây bức xúc bởi âm thanh loa máy có đám mở hết công suất lúc phúng viếng, khóc thuê, trình tấu nhạc tang đến nỗi ở nông thôn thì đến “ cá dưới ao cũng chòi lên mặt nước”, ở nội thành thì kèn dồn, trống thúc tưởng như… bung cả quan tài, cộng thêm sự rình rang, phô phang giữa phố phường vào lúc cất đám. Đành là đường phố mà có đám tang thì không thể không gây ùn tắc. Nhưng ùn tắc lâu, gây cản trở giao thông, gây tò mò và hiếu kỳ của thiên hạ là những đám thế này: Tang chủ tự tăng thêm các phần dịch vụ thuê và mua để được tiếng “ ma to”, như mua thêm vòng hoa, thuê thêm xe ô tô 7 chỗ, 16 chỗ (ngoài xe của Công ty dịch vụ mai táng) tập hợp thành đoàn xe chở đài sen đi trước dẫn đường cho linh cữu, xe chở hoa, sư sãi, rồi người xếp hàng cầm lọng, cầm cờ. Có đám huy động tới 8 trống cái, hàng chục trống con, rồi thanh la hòa tấu cùng dàn kèn đồng, đi sau là đội múa xênh tiền với các bà, các cô phấn son như biểu diễn trong lễ hội … Tất cả phô ra để quay phim làm videoclip, chụp ảnh…Nực cười là sự rình rang này làm tắc nghẽn giao thông, nhưng nhiều xe trong đoàn ô tô đưa người mất về nơi an nghỉ cuối cùng lại “trống thông điền thổ” vì ít người đưa tiễn quá! Thành thử quay ca mê ra thì khuôn hình đầy, nhưng lại lãng phí tiền bạc mà bác tài của những xe ấy cũng chẳng sung sướng gì! Trong nội thành, có ngày bà con chứng kiến vài đám “diễu binh diễu hành” rình rang như vậy. Thật là “gai mắt, nhọc tai!”.
Theo một số nhạc sĩ, nhạc kèn đồng có trong đám tang du nhập từ Nam ra Bắc và chỉ dùng đối với bên đạo. Vấn đề này cần nghiên cứu, nhưng rõ ràng tình trạng hỗn loạn, nhộn nhạo giữa kèn, trống khi phúng viếng, diễn xướng “nhảy đồng báo hiếu” thì chỉ có ở thời nay. Chứ thời xưa, khi miêu tả một đám tang kệch cỡm, nhà văn Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết “Số đỏ” (chương “Hạnh phúc của một tang gia”) cũng chỉ có “ kiệu bát cống lớn, lợn quay đi lọng, bú dích (nhạc) và hàng trăm câu đối.” Giá ông vua phóng sự đất Bắc còn sống đến bây giờ, cái thứ cổ kim đông tây trong nhạc tang thời nay, chắc cũng làm ông tá hỏa!..
Khóc mướn, thương vay, đau khổ giả tạo
Cũng trong chương “Hạnh phúc của một tang gia” của tiểu thuyết “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng châm biếm sâu cay một nghề rất đặc biệt trong xã hội lúc đó là "nghề khóc thuê". Cứ ngỡ khóc thuê chỉ còn là “một thời vang bóng”của gia đình cụ cố Hồng cách đây gần thế kỷ. Nhưng thời nay còn không ít gia đình thuê người khóc cho có không khí đau thương,. Vì thế những “thợ khóc” vẫn có đất sống… Ở đám ma nọ, người ta bắt gặp cảnh thợ khóc thuê thế này:
Ới bà ơi, tôi với bà trong đạo xứng tùy
Sống thì gửi thịt, chết thì gửi xương
Gió sầu trăm thảm ngàn thương
Từ nay hai ngả âm dương cách rời í ì i.
Người đàn ông luống tuổi mắt ngấn nước, tay bíu chặt chiếc quan tài khóc nấc lên. Tiếng khóc thảm thiết trên nền kèn, nhị, trống của phường bát âm khiến người nghe mủi lòng. Những tưởng kia là tiếng người chồng khóc người vợ từng đầu gối, tay ấp. Nhưng người nằm trong quan tài kia lại chẳng phải thân thiết hay ruột thịt gì. Thì ra, người đàn ông đi khóc thuê, gắng mà não nề để xứng với đồng tiền mà tang chủ bỏ ra thuê mướn
Nhân nói về khóc thuê, cũng nhắc lại chuyện ở Hải Phòng có xã Hòa Nghĩa (Kiến Thụy) “ nổi tiếng” về … nghề thương vay, khóc mướn. Ở đây, có hẳn phường khóc thuê với “quân số” khoảng hơn chục người chuyên đi hành nghề ở tứ xứ. Thường thì việc khóc thuê diễn ra sau khi phường bát âm đã tấu dạo đầu vài bản nhạc sầu thảm. Nghề khóc là một công việc rất kén chọn người, không phải ai muốn theo là có thể trở thành một “thợ khóc”. Ông Nguyễn Văn X, một “thợ khóc” lâu năm ở phường Hòa Nghĩa cho biết: “Ông bắt đầu vào nghề đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ông “vào nghề khóc” sau khi người vợ của ông qua đời, gia cảnh túng thiếu, vài sào lúa không đủ trang trải việc gia đình, nghề nghiệp phụ không có nên ông X “đánh liều” xin vào ban kèn đám của thầy K cùng thôn. Thời gian này trong ban kèn thầy K cũng có hai thợ khóc nghiệp dư kiêm luôn việc kèn trống, ông X thử học khóc và được thầy K giúp đỡ nhiệt tình. “Không phải ai cũng có thể khóc được, mà trước hết phải cả tiếng, dài hơi, giọng thảm và đặc biệt lại phải có tài biến báo. Trước khi khóc phải biết một số nét cơ bản về tiểu sử của người chết để tránh tình trạng khóc ông A thành ông B, gây phản tác dụng.
Thêm một “tiết mục” trong đám tang thời hiện đại: các thiếu nữ được thuê mặc áo dài trắng rắc cánh hoa trên đường đến nghĩa trang. Ảnh: Giang Chinh |
Vẫn theo ông X, khóc thuê là một công việc vất vả không kém đi cày ruộng. Anh dân cày được ăn no, cày xong thửa ruộng là về nhà phủi chân lên giường ngủ khì. Anh thợ khóc thì chẳng những không được ăn mà cứ đến giờ người ta nghỉ thì mình mới hành sự. Khổ nhất là khóc vào mùa hè. Nóng bức, ngột ngạt, đám xá đông đúc ngồi không đã mệt nói gì đến việc khóc than kể lể đến khan cả giọng, lả cả người… Khóc cũng phải có kiểu, có bài kể lể đầu đuôi... Người mới hành nghề phải tập cho quen giọng điệu lên bổng xuống trầm, thương tâm đứt đoạn chứ không phải chỉ lăn lội gào thét lung tung trước linh cữu người quá cố.... Được cái bây giờ “cát-xê” của mỗi bài khóc khô (khóc không nước mắt) được 10-20 nghìn đồng, khóc ướt (khóc có nước mắt) khoảng 30-50 nghìn đồng chưa kể tiền gia chủ “bo” nếu khóc hay, khóc nhiệt tình (!).
Cái bi hài của việc khóc thuê là ở chỗ người sống hay làm trò che mắt thiên hạ. Hình như bây giờ, càng có của, người ta càng ít quan tâm đến cha mẹ khi còn sống, nhưng lúc cha mẹ chết thì tung tiền và xem người khóc thuê là “công cụ” để chứng tỏ sự hiếu nghĩa với chung quanh, thậm chí có người bỏ tiền để nghe khóc như kiểu thưởng thức một môn nghệ thuật dân gian hay đơn giản là theo trào lưu, thấy đám này có khóc thuê, đám khác cũng mượn cho thêm phần xôm tụ. Ông X chia sẻ thêm, có lần ông đi theo phường kèn trống đến khóc cho gia chủ có tiền, có quyền ở quận Hồng Bàng, sau được biết người chết lúc sinh thời bị con cháu ruồng rẫy, hắt hủi, con cháu cắt phiên đùn đẩy không chịu nhận chăm nuôi ông cụ, ông cương quyết không nhận khóc cho dù biết khóc ở đám đấy sẽ kiếm được kha khá. Nghề khóc thuê cũng nhiều cái tủi. Ông X buồn rầu, có khi người thân mình mất, khóc thật người ta cũng chả tin, lại bảo “khéo diễn”. Biết là đi bán “nước mắt cá sấu”, bán cảm xúc giả mà sinh nhai nhưng mình nghèo nên đành chấp nhận..
Người Việt Nam có quan niệm đám càng nhiều tiếng khóc càng chứng tỏ tình cảm của người còn sống đối với người đã khuất. Nhưng khác với những trường hợp chết bất đắc kỳ tử khiến người nhà đau đớn khóc đến tê dại, ngất xỉu thì có người (nhất là các cụ già) trước khi nhắm mắt xuôi tay từng nằm liệt giường hàng năm trời, bao thương xót đã dồn cả vào khoảng thời gian con cháu chăm sóc báo hiếu. Đến khi qua đời, người thân không thể lăn lộn gào khóc được nữa, người ta đành mượn “thợ khóc” cho khỏi mang tiếng là đám ma vắng tiếng khóc. Nhưng liệu linh hồn người chết có được thanh thản khi biết được tiếng khóc đưa tang mình được mua bằng tiền và còn bao bi hài khác nảy sinh. Đó là chuyện ông A khi sống cãi nhau khắp xóm, thường xuyên đánh đập vợ con nhưng khi chết lại được thợ khóc vẽ lên hình ảnh là “người chồng mẫu mực yêu thương vợ con, đoàn kết, chan hòa với bà con làng xóm” khiến người nghe không khỏi buồn cười… Rồi bà B lúc sống buôn bán điêu xảo “có sừng có mỏ”, mắng chồng chửi con có tiếng khi chết lại hóa thành một phụ nữ hiền thục, suốt đời vì chồng vì con… ?
Sách nghiên cứu về việc tang từ những năm 70 đã xếp khóc thuê vào hàng hủ tục. Vậy mà cái hủ tục ấy nay vẫn tái diễn. Xem thế, sự giả tạo, bi hài đã làm mất đi sự nghiêm túc đám tang thời nay.
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên
văn hóa - xã hội