(Tiếp theo kỳ trước)
Quay phim, chụp ảnh trong đám hiếu nằm trong chuỗi dịch vụ việc tang ngày nay. Lúc đầu, việc này chỉ với mục đích ghi lại những hình ảnh tư liệu bởi trong lúc tang gia bối rối, gia chủ không thể quan sát được toàn cảnh sự kiện trong gia đình để rút kinh nghiệm hoặc đáp lễ. Tuy nhiên, nhiều đám hiếu hiện nay, quay phim chụp ảnh nâng cấp thành một nghề, nhưng mục tiêu cuối cùng lại là đếm ảnh ăn tiền
Chiều hè tháng 7 nắng gắt, đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền rộn ràng tiếng nhạc, tiếng trống, hàng chục người hiếu kỳ chạy ra xem. Dưới đường, hai đám ma trùng nhau đang trong hành trình đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Cả hai đám ma đều hướng về, nghĩa trang Ninh Hải (quận Dương Kinh). Tuy nhiên, cùng với tiếng kèn, tiếng nhạc, tiếng trống ầm ĩ ấy, chốc chốc lại thấy một anh phó nháy giơ máy ảnh chụp lia lịa, bên cạnh là một anh vác máy quay phim cũng đang vã mồ hôi hô để ghi lại những khoảnh khắc có nhiều người xem này. Cảnh con cháu khóc lóc thương tâm không chỉ diễn ra tại nơi tổ chức tang lễ còn được phô diễn trên đường phố trước ống kính máy ảnh, máy quay phim.
|
Quay camera đáp ứng yêu cầu chủ từ A-Z |
Hiện nay, một số đám hiếu thuê dịch vụ quay phim, chụp ảnh không chỉ để ghi lại hình ảnh tư liệu, chủ yếu là để khuếch trương thanh thế gia đình. Ở nội thành, tính trung bình 10 đám hiếu thì có tới 6 đám thuê dịch vụ chụp ảnh, 4 đám thuê quay phim, ở nông thôn, con số này ít hơn và chỉ tập trung ở những gia đình có chức quyền, giàu có. Với những người hiểu biết, họ đặt vấn đề trước với người quay phim, chụp ảnh về thời lượng quay và số lượng ảnh chụp nhưng cũng có những gia chủ cho rằng cứ quay, chụp hết tất cả những gì diễn ra, điều này không chỉ gây lãng phí với gia chủ mà đôi khi còn tạo ra những điều phản cảm.
Những bức ảnh khổ 10 x 15 có giá 5 nghìn đồng/chiếc, ảnh khổ 13 x 18 có giá từ 8 đến 10 nghìn đồng/chiếc. Trung bình, mỗi gia đình chụp từ 100 đến 150 kiểu chỉ tốn vài trăm nghìn đồng/đám hiếu, nhưng cũng có những gia đình có mối quan hệ, địa vị xã hội, số lượng lên tới một nghìn tấm và dĩ nhiên chi phí cho một đám hiếu, tính riêng tiền chụp ảnh có thể lên tới 5- 6 triệu đồng. Đối với việc quay phim, toàn cảnh từ thông báo đến khâm liệm, phát tang, lễ viếng, truy điệu và cuối cùng là hạ huyệt diễn ra trong khoảng 3 ngày và thường có giá từ 2 đến 3 triệu đồng/đám, tùy thuộc vào cách thức tổ chức của gia chủ hay thời gian đưa thi hài người chết từ nội thành đến đài hóa thân, nghĩa trang Ninh Hải, từ nội thành về quê hay từ Hải Phòng sang các tỉnh, thành khác.
Những người làm dịch vụ quay phim, chụp ảnh cho rằng: yếu tố cần và đủ để họ duy trì công việc là cái tâm và có tay nghề. Nếu những người làm dịch vụ chuyên nghiệp, họ biết chụp khoảnh khắc nào, quay chi tiết nào, thời lượng ra sao sẽ tạo nên một sê-ri ảnh đẹp, một cuộn phim có khả năng bao quát, tóm tắt toàn cảnh sự kiện diễn ra, tạo một tác phẩm chất lượng, làm hài lòng gia chủ. Ngược lại, không thiếu trường hợp do không có tay nghề, thấy người khác làm cũng học đòi và cơ chế “đếm ảnh ăn tiền” khiến họ chụp hình bừa phứa hoặc “thượng vàng hạ cám”, cái gì cũng quay. Chẳng hạn, lúc khâm liệm (còn gọi là lễ nhập quan) và lúc hạ huyệt, do “non tay nghề” có những thợ quay phim, chụp ảnh sát thi hài người chết hoặc mô tả sự vật vã, đau đớn của người thân quá nhiều khiến khi xem lại thước phim gợi lại cho gia chủ sự đau thương, mất mát. Trung bình, một cuốn phim và sản phẩm (đĩa phim) dài khoảng một giờ đủ để chắt lọc hình ảnh cho gia đình, cũng có những người quay tới 3, 4 cuốn phim mà vẫn không lột tả được không khí tang gia nhưng chi phí lên tới hàng chục triệu đồng.
Người làm dịch vụ quay phim, chụp ảnh lâu năm cho biết trong lúc đi làm, họ khóc theo, chạy theo sự kiện diễn ra. Nhưng lại có đám, anh phó nháy, bác quay phim hô hoán ầm ĩ, làm loạn cả gia đình, bắt gia chủ hoặc anh em, bạn bè người chết phải dừng lại, làm lại động tác này, lấy tay gạt nước mắt như thế kia hoặc tru tréo thảm thiết để bày tỏ sự tiếc thương. Lại có đám yêu cầu phát trên màn hình trực tiếp những hình ảnh quay từ ca mê ra. Điều này không hợp với lẽ thường, gây lố bịch trong đám tang, biến lòng thành kính của con người thành giả tạo và gây phản cảm với gia chủ cùng với những người đến viếng.
Việc làm phim, chụp ảnh hiện nay không còn là làm mộc mà với những phương tiện máy số hiện đại, việc xử lý, dựng cảnh đã có studio giải quyết. Người quay phim, chụp ảnh chỉ cần mang về hình ảnh thô, tên tuổi, địa chỉ người mất. Mọi bối cảnh mưa bão, sấm chớp mở màn đĩa VCD hay những bài hát, tiếng nước chảy, lời bình đi kèm đều có ba-rem sẵn trong máy vi tính, việc hoàn thiện sản phẩm chỉ mất khoảng 2 giờ. Việc dễ làm, dễ kiếm tiền khi đi chụp ảnh, quay phim trong các đám hiếu tạo ra một dịch vụ phong phú với những cái tên chủ nhân và điện thoại, địa chỉ, rất tiện lợi cho tang chủ liên hệ, giao dịch. Có điều, khi việc tang kết thúc, có những nhà hiếu … tự nhiên không muốn xem lại những băng hình, những sê ri ảnh đám tang nữa. Sự buồn gợi lại mà chi!. Nhưng lúc tang gia, vẫn cứ phải có quay phim chụp ảnh cho “ hoành tráng” với thiên hạ. Dịch vụ này lại được dịp … sống nhờ người chết!./.
(Còn tiếp)