Bụi bẩn tấn công trường học!

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi ở các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, xe tải lưu thông trên đường gây ra. Hằng ngày, thầy và trò ở những ngôi trường này phải hoạt động trong điều kiện ô nhiễm bụi bẩn, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của nhà trường.

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi ở các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, xe tải lưu thông trên đường gây ra. Hằng ngày, thầy và trò ở những ngôi trường này phải hoạt động trong điều kiện ô nhiễm bụi bẩn, nên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của nhà trường.

Dọn mãi vẫn không hết bụi

Hằng ngày, thầy và trò Trường THCS Huỳnh Bá Chánh phải sống trong môi trường bụi đá và tiếng ồn do các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ chung quanh gây ra.

Hằng ngày, trên tuyến đường liên xã Hòa Nhơn-Hòa Sơn luôn có hàng trăm lượt xe ben, xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng lưu thông, khiến môi trường nơi đây luôn bị ô nhiễm bụi bẩn. Cùng với nỗi khổ của người dân, thời gian qua, thầy và trò Trường tiểu học số 1 Hòa Sơn cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bụi bẩn.

Vào thời điểm nắng nóng vừa qua, mỗi lần có ô-tô chạy ngang qua trường là bụi bay tứ tung vào các phòng học, phòng làm việc của nhà trường, bám đầy trên các ô cửa sổ. Nhiều hôm trời nắng như đổ lửa, nhưng các phòng học phải đóng cửa im ỉm để chống bụi. Một nhân viên của trường bức xúc nói: Lúc nào bụi cũng  bám từng lớp dày trên các ô cửa kính. Còn bên trong phòng làm việc của Ban giám hiệu, bàn ghế vừa lau sạch, nhưng chưa đầy 5 phút sau, bụi lại bám đầy, dùng tay sờ nghe nham nhám. “Có ngày tôi lau bàn ghế hơn 10 lần mà vẫn thấy bẩn vì bụi nhiều quá, lau không xuể”, nhân viên này than thở.

Cùng chung cảnh ngộ như trên, Trường mầm non Hoa Thiên Lý nằm ngay tuyến đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu) cũng bị bụi bụi bẩn tấn công suốt cả ngày. Từ sáng đến chiều, giáo viên lau dọn cửa sổ, sân chơi hàng chục lần nhưng vẫn không hết bụi. Bụi bám đầy trên lá cây, trên kệ dép, kệ đồ chơi của các cháu. Thấy vậy, nhà trường phải chọn giờ ít xe qua lại trên đường để cho các cháu ra chơi. Còn lúc xe lưu thông nhiều trên đường, nhà trường đóng cửa kín mít. Ngày chủ nhật trường nghỉ dạy, sáng thứ hai ở phía trước sân, trên cửa sổ…, bụi đóng một lớp dày, giáo viên quét dọn đến vã mồ hôi mới hết. Không còn cách nào khác, Ban giám hiệu nhà trường chỉ biết động viên giáo viên tăng cường công tác trực nhật, lau chùi, dọn dẹp thường xuyên để hạn chế bớt tình trạng ô nhiễm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu.

Kiến nghị nhiều, nhưng...

Tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, quá trình hoạt động của các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đã gây tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do bụi bẩn và tiếng ồn đối với các trường học. Chẳng hạn, chung quanh Trường THCS Huỳnh Bá Chánh có đến gần chục cơ sở chế tác đá mỹ nghệ hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối. Bụi đá và tiếng ồn diễn ra liên tục suốt cả ngày khiến cho thầy trò nhà trường không thể chịu nổi. Thầy Chung Văn Hùng, Hiệu phó Trường THCS Huỳnh Bá Chánh bức xúc, tình trạng ô nhiễm bụi đá và tiếng ồn của các dụng cụ chẻ gọt đá gây ra hằng ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Mặc dù Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng ở quận, song đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm.

Tương tự, thầy và trò các Trường tiểu học Nguyễn Duy Trinh, mầm non Ngọc Lan… cũng chịu chung cảnh bị bụi và tiếng ồn tấn công hằng ngày, khiến hoạt động dạy và học của nhà trường bị ảnh hưởng rất lớn. Một giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Duy Trinh cho biết, suốt ngày trên đường xe cộ chạy ầm ầm, bụi bay tứ tung, còn các dụng cụ chẻ gọt đá của các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ cứ rít lên liên tục, nhiều lúc giáo viên giảng bài khản cả giọng nhưng học sinh vẫn không nghe kịp.

Ông Nguyễn Lâm, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn xác nhận, tình trạng bụi bẩn và tiếng ồn do các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ gây ra làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của các trường là có thật. Và để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, thời gian qua, ngành đã đầu tư xây dựng nâng cấp tường rào của các trường học cao lên nhằm hạn chế bụi và giảm bớt tiếng ồn. Mặt khác, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của quận và thành phố có giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ gây ra. Song hiện nay, việc quy hoạch sắp xếp lại làng đá mỹ nghệ Non Nước đang được triển khai thực hiện, nên các trường vẫn phải tiếp tục chịu đựng ô nhiễm cho đến khi các cơ sở chế tác đá di dời xong.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

Đọc thêm