“Bụi đời chợ Lớn” - nhìn dưới góc độ luật gia

Mới đây, phim “Bụi đời chợ Lớn” vừa được tung lên mạng và ngay lập tức một lần nữa làm “dậy sóng” cộng đồng mạng. Các đợt “share link” (chia sẻ liên kết) và các lượt tải về diễn ra nhanh chóng, kéo theo đó là các bình luận, tranh luận xôn xao xung quanh phim này.

Mới đây, phim “Bụi đời chợ Lớn” vừa được tung lên mạng và ngay lập tức một lần nữa làm “dậy sóng” cộng đồng mạng. Các đợt “share link” (chia sẻ liên kết) và các lượt tải về diễn ra nhanh chóng, kéo theo đó là các bình luận, tranh luận xôn xao xung quanh phim này.

Một cảnh trong phim Bụi đời chợ lớn
Một cảnh trong phim Bụi đời chợ lớn

Bàn về lý do cấm chiếu

Các ý kiến vẫn chủ yếu xoay quanh hai khía cạnh: Ủng hộ / không ủng hộ chiếu phim này. Nếu như trong giai đoạn kiểm duyệt trước đây, các ý kiến tranh luận chỉ dựa trên các thông tin được cung cấp bởi nhà sản xuất phim, ekip làm phim và thông tin từ Hội đồng duyệt phim quốc gia thì nay các ý kiến tranh luận đã có cơ sở hơn vì đã được “mục sở thị” phim này qua bản phim với thời lượng 60 phút hoặc 87 phút.

Vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau khi đã xem hết 87 phút của phim, có thể thấy rằng, thời lượng chính của phim chủ yếu là các trận hỗn chiến, thanh toán, chém giết đẫm máu mà “chung quy là chết vì gái” – như một số thành viên trên mạng nhận định.

Đồng thời, câu nói ngắn gọn như “phương châm sống” của một nhân vật trong phim được nhắc đến hai lần, ở đầu phim và gần cuối phim, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều người xem và được trích dẫn, lan truyền nhanh chóng trên mạng: “Đánh hoặc bị đánh; đâm hoặc bị đâm!”.

 Đó phải chăng là giá trị thực tế của phim đọng lại trong lòng người xem? Đó là gì nếu không phải là bạo lực?! Có ý kiến cho rằng phim hành động thì phải bạo lực. Tuy nhiên, bạo lực phải ở mức độ như thế nào, nó tồn tại dưới khía cạnh nào, bạo lực đang bị lên án, trả giá hay đang là cái chính yếu, phương châm, mục đích tồn tại?

Hơn nữa, không thể đánh đồng “hành động” với “bạo lực”, gọi là “phim hành động” chứ không phải là “phim bạo lực”.

Dưới góc độ pháp lý, tại khoản 2 Điều 11 Luật Điện ảnh, khoản 2 Điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP quy định, cấm tác phẩm điện ảnh có nội dung kích động bạo lực; có hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.

Đối với phim “Bụi đời chợ lớn”, có thể thấy “cái ác gắn với nội dung phim” chứ không phải “lên án cái ác gắn với nội dung phim”, khía cạnh “lên án” quá mờ nhạt mà dường như trong phim chỉ có bạo lực tồn tại từ đầu đến cuối: Đánh, bị đánh; đâm, bị đâm!

Như vậy, có thể thấy rằng, Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện kết luận phim “Bụi đời chợ Lớn” vi phạm Luật Điện ảnh, cấm phổ biến, lưu hành là có căn cứ và cơ sở pháp lý.

Phổ biến, lưu hành “Bụi đời chợ lớn” là phạm luật

Tuy nhiên, dù có tranh luận thế nào đi nữa thì “kết quả chung cuộc” cũng đã định. Về mặt pháp lý, “Bụi đời chợ Lớn” là một tác phẩm điện ảnh bị cấm phổ biến, lưu hành theo kết luận ngày 07/6/2013 của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện.

Như vậy, hành vi phổ biến, lưu hành phim này, dù dưới bất kỳ hình thức cũng đều là hành vi bất hợp pháp. Việc ngang nhiên phổ biến phim bị cấm là hành vi coi thường pháp luật, thiết nghĩ cơ quan chức năng, có thẩm quyền cần xác minh, điều tra, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến hành vi lưu hành, phổ biến phim “Bụi đời chợ Lớn”, bao gồm các hành vi đăng tải phim lên mạng, tải phim để đăng tải lại, chia sẻ liên kết chứa phim, phát hành đĩa phim,… có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính theo quy định tại Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa

Cùng với hình thức xử phạt chính là phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm còn có thể được áp dụng đối với các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, nếu đúng như thông tin đạo diễn phim công bố trên facebook cá nhân, phim không do ông công bố, hành vi công bố phim còn có thể bị truy cứu trách nhiệm do xâm phạm quyền tác giả và bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác liên quan.

Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thay vì truy cứu trách nhiệm hành chính hay chịu trách nhiệm dân sự) về tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Hình sự. Ở tội danh này, có hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Anh Vũ (VPLS Lê Nguyễn, TP.HCM)

Đọc thêm