Bùi Tiến Dũng: "PMU 18 cho mượn ôtô vì lợi ích chung"

Chiều 28/7, cựu tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng khai, do thiếu nơi trông giữ nên đã điều động ôtô cho nhiều đơn vị mượn.

Chiều 28/7, cựu tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng khai, do thiếu nơi trông giữ nên đã điều động ôtô cho nhiều đơn vị mượn. Sau nhiều năm suy ngẫm trong tù, ông vẫn thấy việc này không sai, không gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ông Dũng là người đầu tiên bị xét hỏi trong số 5 bị cáo để làm rõ hành vi cho mượn 7 ôtô trái quy định. Các đơn vị sử dụng xe gồm: Công an quận Đống Đa, Công an quận Thanh Xuân, Công an quận Cầu Giấy, Ban quản lý hạ tầng Tả Ngạn và công đoàn ngành giao thông vận tải.

Ông Dũng trần tình thời điểm đó các xe của dự án do PMU 18 rất nhiều, trong khi đó các kho bãi để lưu giữ chưa được bố trí. Việc thanh lý, giải quyết đều chậm trễ nên ông đã quyết định cho một số đơn vị mượn.
Mô tả ảnh.
Năm 2007, ông Dũng bị TAND Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội đánh bạc và đưa hối lộ. Ảnh: Hoàng Hà.
“Bị cáo không vì mục đích riêng tư gì mà thấy có lợi chung cho nhà nước, nên việc cho mượn theo bị cáo không có gì sai”, người từng đứng đầu PMU 18 trình bày.Thẩm phán chủ tọa Lê Thị Hợp vặn lại: "Có văn bản nào của Nhà nước quy định Tổng giám đốc có thể điều động, cho mượn được tài sản?”. Ông Dũng ấp úng một hồi rồi trả lời: "Đây không phải là điều động hẳn cho một cơ quan nào mà chỉ cho mượn. Thực tế thì không có văn bản nào quy định Tổng giám đốc được cho mượn cả". Một thành viên HĐXX phân tích, tất cả những xe trang bị cho dự án sau khi sử dụng xong phải đưa về. “Nhưng 2 trong số các xe bị cáo điều động, một xe BMW là xe mới 100% và xe Toyota sau 7 ngày đăng ký bị cáo đã ký quyết định điều động cho Công an quận Thanh Xuân, bị cáo giải thích sao?", vị hội thẩm nhân dân hỏi. Cựu tổng giám đốc PMU 18 trả lời: “Trong các dự án, xe được mua tương đối rộng rãi. Thời điểm đó có quá nhiều ôtô cũ cũng như mới nên cứ thoải mái cho mượn, không suy nghĩ gì". Vị này tiếp tục truy vấn: "Bị cáo có nhận thức được việc làm của mình đã gây thiệt hại cho nhà nước không?"."Dự án vẫn hoàn thành, không bị chậm trễ, chất lượng không giảm sút... không có gì là thất thoát cả", dưới vành móng ngựa ông Dũng đáp. Hôm nay trong phiên xử vụ cố ý làm trái quy định nhà nước và lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại PMU 18, ông Dũng là bị cáo duy nhất bị tạm giam. Hầu tòa với ông Dũng là 4 thuộc cấp Vũ Mạnh Tiên (Phó chánh văn phòng); Lê Thị Thanh Hòa (Phó phòng PID 6); Nguyễn Thanh Sơn (Phó phòng PID 6); Bùi Thu Hạnh (Phòng tài chính kế toán). Trong phần thủ tục, nhiều nhân chứng, đơn vị và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan bị triệu tập cũng như một số cơ quan được tòa mời đến tham dự đã không có mặt. Luật sư bào chữa cho 5 người đứng trước vành móng ngựa đã liên tiếp đứng lên đề nghị tòa hoãn phiên xử do "vắng mặt quá nhiều nhân chứng có thể nói lên hành vi của các bị cáo có sai phạm hay không". Một người đến muộn, giới thiệu là đại diện của Bộ Giao thông vận tải nhưng không đưa giấy ủy quyền nên tòa coi như không hợp lệ. Sau chừng 10 phút hội ý, HĐXX tuyên bố tiếp tục xét xử bình thường. "Trong 3 ngày xét hỏi, tòa sẽ triệu tập hoặc cần thiết sẽ công bố lời khai", chủ tọa Lê Thị Hợp cho biết. Theo buộc tội của VKS, ông Bùi Tiến Dũng trong thời gian đương nhiệm 1998-2005 lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã cho mượn sử dụng sai mục đích 7 ôtô. Bản thân ông Dũng sử dụng không đúng quy định tiêu chuẩn định mức 2 ôtô. Việc cho mượn xe của ông Dũng theo kết luận giám định đã gây thiệt hại gần 2,7 tỷ đồng. Các bị cáo Tiên, Hòa, Sơn, Hạnh bị cáo buộc trong quá trình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đã yêu cầu Ban điều hành các gói thầu ký khống hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê ôtô, lập bảng lương khống chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng... Cụ thể, ông Tiên tư túi gần 300 triệu đồng. Bà Hòa cùng chồng Phạm Tiến Dũng (trưởng phòng kinh tế kế hoạch PMU 18 đã chết trong quá trình tạm giam) thu lợi tổng cộng hơn 500 triệu đồng. Ông Sơn hưởng trên 220 triệu đồng và bà Hạnh cầm 53 triệu đồng. Với những cáo buộc trên, VKS truy tố ông Dũng tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế. Các ông, bà Tiên, Sơn, Hòa, Hạnh từ ngày 20/4 được chuyển tội danh từ tham ô tài sản sang lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngày mai phiên xử tiếp tục làm việc.
4 năm trước, liên quan vụ án còn có một số người khác từng bị bắt giam, khởi tố nhưng sau đó đã được VKSND Tối cao đình chỉ điều tra, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự    
Theo Anh Thư
Vnexpress

Đọc thêm