Ngày nay, hương vị món ăn không chỉ dừng lại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà đã lan tỏa trở thành đặc sản châu Á.
Bún nước lèo là món ăn truyền thống của người Khmer, có tên gọi “Num-chooc”, còn người Kinh gọi bún nước lèo. Để món ăn trở nên ngon và nổi tiếng như ngày hôm nay, phải có sự kết hợp hài hòa giữa nguyên liệu và cách chế biến hết sức công phu. Theo đó, nước dùng (nước lèo) làm từ mắm và thịt cá lóc của người Khmer, bắp chuối và rau muống thái sợi của người Kinh, thịt quay béo giòn của người Hoa. Món ăn này lúc đầu chỉ nấu ăn trong phạm vi gia đình, trải qua dòng thời gian, qua bao thế hệ, với hương vị đặc trưng riêng; ngày nay, bún nước lèo Sóc Trăng đã trở thành nét đẹp về văn hóa ẩm thực của người dân Sóc Trăng nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Để làm nên một tô bún nước lèo thơm, ngon, nhất định không thể thiếu những sợi bún trắng ngà vừa mềm nhưng vẫn đủ độ dai. Điểm đặc biệt của món ăn này chính là nước lèo, đây loại súp được chế biến từ sự hòa quyện giữa mắm, sả và ngải bún (dùng để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc biệt cho nước lèo). Nguyên liệu, mắm thường dùng là những loại sẵn có tại địa phương như: mắm cá sặc, cá lóc, cá linh… riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc (mắm bò hóc là một loại mắm đặc trưng của người Khmer; làm bằng các loại cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi).
Nguyên liệu ăn kèm cũng được chuẩn bị khá công phu: bắp chuối bào, rau muống bào, rau huế, rau răm, húng lủi, hẹ lá, giá,… tùy theo sở thích mỗi người. Cá lóc đồng là không thể thiếu, cá sau khi làm sạch, luộc chín phải tách thịt, lọc bỏ xương; còn có tép đất cỡ ngón tay luộc xong cũng được lột sạch vỏ. Một nguyên liệu cũng không thể thiếu trong tô bún nước lèo, đó là thịt heo quay, thịt phải chọn miếng ba rọi (có đủ da, mỡ, nạc); sau khi quay thịt xong thì xắt ra từng miếng nhỏ cho vừa ăn.
|
Bằng chứng nhận bún nước lèo Sóc Trăng được Kỷ lục châu Á theo tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản châu Á công nhận. |
Theo dòng chảy thời gian, nét văn hóa ẩm thực nước ta được hình thành và phát triển với đa dạng món ăn phong phú, độc đáo, mang nét đặc trưng riêng từng vùng miền, gắn liền với tính cách con người, phong tục tập quán ở vùng đất đó. Ngày nay, có nhiều món ăn Việt đã vươn ra thế giới, trở thành một “sứ giả đặc biệt” về văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Theo đó, trong hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực - đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) thực hiện từ năm 2010 đến nay, với sứ mệnh chung “Mang tinh hoa Việt Nam ra thế giới”. Tiếp theo 03 lần đề cử thành công đến Kỷ lục châu Á vào các năm 2012, 2013 và 2022. Đồng thời, căn cứ theo các TOP Ẩm thực đặc sản 63 tỉnh, thành phố Việt Nam đã công bố năm 2021 - 2022, cùng với sự đề cử của các địa phương, VietKings đã tiếp tục thực hiện các bộ hồ sơ đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á và được công nhận.
Sau quá trình chọn lọc (từ năm 2012 đến năm 2023), 10 đề cử đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á quyết định công bố xác lập, theo Bộ tiêu chí Kỷ lục ẩm thực và đặc sản châu Á, nâng số lượng các kỷ lục về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á lên số lượng 60 món; trong đó, có 38 món ăn đặc sản và 22 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng của các địa phương.
Trong danh sách công bố lần IV (năm 2023 - 2024), tỉnh Sóc Trăng vinh dự có món ăn đặc sản bún nước lèo được xác lập Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản châu Á, căn cứ đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings). Điều đó sẽ góp phần quảng bá nền ẩm thực Việt Nam nói chung và ở các địa phương nói riêng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước thông qua hệ thống các Tổ chức Kỷ lục trên toàn cầu.