Bùng nổ nhu cầu tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp

Trò chuyện với PLVN, tiến sỹ Lê Thành Vinh, Phó TGĐ công ty TNHH Luật SMiC cho biết SMiC hiện đang tiếp nhận rất nhiều vụ việc tư vấn về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án, giải quyết tranh chấp trong nước và quốc tế

[links()]Nền kinh tế khó khăn kéo theo nhu cầu tư vấn mở rộng hợp tác đầu tư giảm xuống đáng kể và bùng nổ nhu cầu tư vấn để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu. Kinh tế khó khăn cũng làm cho khả năng thực hiện hợp đồng của các bên gặp nhiều vấn đề, làm phát sinh tranh chấp và nhu cầu tư vấn giải quyết tranh chấp cũng gia tăng.

Trò chuyện với PLVN, tiến sỹ Lê Thành Vinh, Phó TGĐ công ty TNHH Luật SMiC cho biết SMiC hiện đang tiếp nhận rất nhiều vụ việc tư vấn về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án, giải quyết tranh chấp trong nước và quốc tế

Tiến sỹ Lê Thành Vinh- PTGĐ công ty Luật SMiC
Tiến sĩ Lê Thành Vinh- PTGĐ công ty Luật SMiC

Được biết ông vừa hoàn thành bậc học Tiến sĩ luật tại Australia và trở về nước ‘đầu quân” cho SMiC. Chọn con đường “trở về” chắc hẳn ông đã nghiên cứu kỹ tình hình thị trường dịch vụ tư vấn luật tại Việt Nam hiện nay?

Bốn năm trước khi tôi sang Úc học tiến sỹ, nhu cầu tư vấn pháp lý ở Việt Nam đã rất lớn rồi. Vào thời điểm đó, những văn phòng luật sư uy tín như SMiC luôn ở trong tình trạng quá tải. Các luật sư làm ngày làm đêm mà không hết việc. Giờ trở về nước tiếp cận lại công việc, tôi thấy số lượng công việc đã tăng lên một cách vượt trội.

Đây là một xu thế tất yếu. Thứ nhất, cùng với việc quy mô nền kinh tế Việt Nam lớn lên hàng ngày, quan hệ hợp tác kinh tế được mở rộng cả về số lượng, quy mô và tính chất phức tạp. Quan hệ làm ăn của các doanh nghiệp giờ đây không còn bó hẹp ở thị trường trong nước mà mở rộng ra quốc tế. Nhu cầu tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý vì thế mà gia tăng.

 Thứ hai, bản thân doanh nghiệp cũng ngày càng nhận ra sự cần thiết phải được hỗ trợ, tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch, hạn chế các rủi ro sau này. Rồi khi xảy ra tranh chấp, họ thấy cần có luật sư tư vấn, đại diện để bảo vệ quyền lợi tốt nhất của mình.

Thứ ba, xã hội Việt Nam tất yếu sẽ phát triển theo hướng ngày càng đề cao vai trò của pháp luật. Càng ngày số lượng văn bản quy phạm pháp luật sẽ càng nhiều để điều chỉnh các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp. Tính phức tạp của hệ thống pháp luật buộc doanh nghiệp và người dân phải tìm đến những chuyên gia, nhà tư vấn để giúp mình hiểu rõ và tuân thủ các đòi hỏi pháp lý đó.

Về phía cung của thị trường, rõ ràng cũng có một sự thay đổi rất lớn. Số lượng văn phòng và công ty tư vấn luật đã tăng lên một cách đáng kể. Điều này cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường này cũng đã khác với 4 năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng số lượng luật sư hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu tư vấn ở Việt Nam. Thị trường dịch vụ tư vấn luật vẫn đầy tiềm năng, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển.

Kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, thị trường dịch vụ pháp lý theo đánh giá của ông liệu có bị ảnh hưởng hay không?

Như tôi đã nói ở trên, xu hướng ngày càng phát triển của thị trường này là tất yếu. Nền kinh tế Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn kéo theo nhu cầu tư vấn mở rộng hợp tác đầu tư giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu tư vấn để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại gia tăng. SMiC hiện đang tiếp nhận rất nhiều vụ việc tư vấn về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án.

Hiện tại và trong thời gian tới, nhu cầu tư vấn trong các lĩnh vực giải quyết tranh chấp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Về lý thuyết, nếu coi các yếu tố khác không thay đổi, số lượng giao dịch kinh tế giảm xuống thì số vụ việc tranh chấp phát sinh cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, trên thực tế tranh chấp đang diễn ra là khá nhiều. Kinh tế khó khăn làm cho khả năng thực hiện hợp đồng của các bên cũng gặp nhiều vấn đề, làm phát sinh tranh chấp. Hiện nay, SMiC đang tư vấn và đại diện cho rất nhiều khách hàng trong những vụ việc như thế ở cả trong và ngoài nước.

Như ông vừa chia sẻ, thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất lớn. Ông du học ở nước ngoài, làm tiến sỹ luật tại Úc vậy vì sao khi trở về ông lại chọn một công ty Luật trong nước mà không phải công ty Luật quốc tế hoạt động tại Việt Nam?

Tôi về với SMiC trên cơ sở có sự gắn bó và chia sẽ tầm nhìn và quyết tâm với đội ngũ lãnh đạo và luật sư của SMiC. Tôi sẽ dành hết tâm huyết và khả năng để cùng với mọi người xây dựng SMiC trở thành một nhà cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý hàng đầu ở Việt Nam và khu vực.

SMiC đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ
SMiC đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ

Cũng phải chia sẻ thật rằng, đây không phải lần đầu tôi làm việc cùng SMiC. Bắt đầu từ năm 2005, tôi đã có thời gian khá dài gắn bó với SMiC. Trong thời gian tôi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, tôi cũng đã thường xuyên hợp tác với SMiC trong nhiều vụ việc tư vấn.

Quãng thời gian hợp tác chặt chẽ đó đã giúp tôi và Ban lãnh đạo cũng như đội ngũ luật sư của SMiC thấu hiểu về nhau rất nhiều. Chúng tôi có chung tầm nhìn và quyết tâm đưa SMiC trở thành một hãng luật hàng đầu tại Việt Nam và khu vực. Đó là lý do tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với SMiC sau khi trở về nước để cùng với các anh em đưa SMiC phát triển lên những tầm cao mới.   

Qua hơn 10 năm thành lập và hoạt động, SMiC đã khẳng định được mình, được nhiều doanh nghiệp khách hàng và cơ quan quản lý ghi nhận, tặng bằng khen. Gần đây nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. SMiC cũng đã vươn ra khu vực bằng việc mở văn phòng đại diện ở Singapore vào năm 2010. Với thành công bước đầu của văn phòng đại diện này, lãnh đạo SMiC cũng đang bàn thảo kế hoạch mở rộng hoạt động ra những thị trường khác.

Tôi kỳ vọng và hoàn toàn tin rằng SMiC sẽ tiếp tục giữ được và phát huy hơn nữa những thế mạnh của mình, khẳng định được vị thế nhà tư vấn hàng đầu tại Việt Nam. SMiC sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy nhất của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp và đất nước.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Anh Phương (Thực hiện)
 

Đọc thêm