Bùng phát vấn nạn bằng giả mang “mác” đại học Singapore

Khi đảo quốc sư tử trở thành một thương hiệu giáo dục có giá trị cao trong khu vực thì những tấm bằng cử nhân mang danh các trường đại học ở đây được SV nước ngoài thèm muốn hơn bao giờ hết. Trước nhu cầu đó, các đường dây làm bằng giả xuất hiện...

Khi đảo quốc sư tử trở thành một thương hiệu giáo dục có giá trị cao trong khu vực thì những tấm bằng cử nhân mang danh các trường đại học ở đây được SV nước ngoài thèm muốn hơn bao giờ hết. Trước nhu cầu đó, các đường dây làm bằng giả xuất hiện...

Theo tờ New Paper, những tấm bằng cử nhân giả mạo là của Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU) và ĐH Quản lý Singapore (SMU) đã được bán tại Singapore. 

Một đội điều tra đã bí mật khám phá ra “lĩnh vực kinh doanh” siêu lợi nhuận này: một tấm bằng cử nhân giả có thể được mua với cái giá vài trăm cho đến 4.000 USD. Tất cả giao dịch chỉ diễn ra thông qua một cuộc trò chuyện ngắn gọn trên mạng và một cuộc trao đổi trực tiếp nhanh chóng.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn nạn này, các trường đại học Singapore tỏ ra ngạc nhiên. Tất cả các trường này đều cho biết không nhận thức được thực trạng những tấm bằng cử nhân giả mạo đang được rao bán ở đây.

"Tiếng thơm" của Singapore trên thị trường giáo dục toàn cầu khiến cho những tấm bằng cử nhân của các trường đại học nước này rất được coi trọng.
"Tiếng thơm" của Singapore trên thị trường giáo dục toàn cầu khiến cho những tấm bằng cử nhân của các trường đại học nước này rất được coi trọng.

Rao bằng giả trên mạng Internet

Những kẻ làm giả bằng cấp ở Singapore và Trung Quốc thậm chí còn công khai rao bán “hàng” của họ trên những diễn đàn trực tuyến phổ biến. Một người bán bằng giả cho biết khách hàng của họ thường là người nước ngoài, phần lớn đến từ Trung Quốc. Anh ta quảng cáo những dịch vụ của mình trên những diễn đàn mà các công dân nước ngoài thường xuyên ghé vào. Một số người khác còn điều hành những trang web quy củ rao bán hàng loạt những dịch vụ giả mạo như bằng cử nhân, bảng điểm và các tài liệu nhận dạng giả mạo.

Trong số này có hai trang web có trụ sở tại Thâm Quyến và Thượng Hải. Họ chào bán một danh sách các loại bằng và chứng chỉ giả của những tổ chức giáo dục tại Singapore, bao gồm các trường ĐH NUS, NTU, SMU, SIM, Viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS) và Temasek Polytechnic.

Để những hoạt động phi pháp của mình tránh bị theo dõi, hầu hết các nhà cung cấp hạn chế trao đổi thư từ với khách hàng mà chỉ liên lạc bằng những tin nhắn nhanh trên QQ, một chương trình tin nhắn thường được sử dụng tại Trung Quốc.

Sau một cuộc trao đổi trực tuyến ngắn gọn, khách hàng tiềm năng chỉ cần sắp xếp một thời gian thuận lợi để gặp nhà cung cấp bằng giả, trả trước khoản tiền đặt cọc trực tiếp hoặc gửi tiền bằng cách chuyển khoản ngân hàng.

Khi tấm bằng giả được làm xong, khách hàng gặp nhà cung cấp một lần nữa để thanh toán nốt số còn lại và nhận bằng. Ngoài ra, khách hàng có thể chọn cách nhận bằng giả qua đường bưu điện.

Giá cả của một tấm bằng giả dao động từ 300 đến 4.000 USD. Bản sao học bạ giả mạo gắn mác các trường đại học Singapore cũng được rao bán với giá khoảng 700 USD.

Những người thích giao dịch mà không cần lộ mặt có thể mua bằng giả của các trường ĐH tại Singapore thông qua những website ở Trung Quốc.

Tất cả những gì một khách hàng như thế cần phải làm là gửi tin nhắn qua QQ đến người làm dịch vụ khách hàng, người này sẽ tạo thuận lợi cho giao dịch được diễn ra suôn sẻ. Theo cách đó, tờ New Paper đã gửi tin nhắn đến một nhà cung cấp ở Thượng Hải chuyên bán bằng giả của hàng loạt những trường ĐH như NUS, NTU và SMU.

Đại diện của nhà cung cấp này trả lời rằng một tấm bằng cử nhân giả mạo sẽ có giá khoảng 2.600 NDT (540 USD). Người này nhấn mạnh thêm rằng những “sản phẩm” bổ sung, bao gồm bảng điểm giả, các giấy tờ công chứng và văn bản nhận dạng cũng luôn sẵn sàng được đáp ứng nếu khách hàng có nhu cầu.

Gói “hàng” toàn diện, bao gồm một tấm bằng cử nhân, bảng điểm và các giấy tờ công chứng được chào mời trên mạng với cái giá không hơn 1.200 USD, tính cả chi phí vận chuyển. Khách hàng phải đặt cọc trước 30% số tiền và cung cấp cho cơ sở làm bằng giả những thông tin bao gồm: tên tuổi, giới tính, quá trình học tập nghiên cứu, loại bằng mong muốn và nơi sinh. Những tấm bằng giả mạo có thể được các nhà cung cấp trực tuyến cho ra “lò” ít nhất trong vòng hai ngày. Để các cuộc giao dịch được diễn ra bí mật, hầu hết các nhà cung cấp bằng giả đều cam kết sẽ hủy tất cả bằng chứng về cuộc mua bán ngay khi giao dịch được hoàn tất.

Số người sử dụng bằng cấp giả ngày càng tăng

Báo chí Trung Quốc cho biết việc sử dụng tràn lan bằng cấp giả trong các hồ sơ xin việc buộc các quan chức Trung Quốc phải thắt chặt quy định sử dụng bằng cấp nước ngoài để tìm việc.

Để một tấm bằng cử nhân nước ngoài được công nhận tại Trung Quốc, các ứng viên tiềm năng phải trình cả bằng gốc, một bản photocopy bằng, các bảng điểm, hồ sơ nhận dạng và chứng minh đã ở đất nước đó để học tập trong khoảng thời gian có liên quan. Họ cũng phải trình được một giấy phép do quốc gia họ du học cấp, xác định ngày bắt đầu và ngày kết thúc chương trình học và một bản mô tả ngắn gọn về khóa học.

Trong khi đó ở Singapore, các nhà tuyển dụng nhân sự tiềm năng có thể liên lạc với trường đại học để xác minh tính xác thực của một tấm bằng cử nhân được người lao động sử dụng trong hồ sơ xin việc.

Luật sư Adrian Wee cho biết việc mua bán hoặc sản xuất bằng cấp giả là những hành vi bất hợp pháp ở Singapore. Điều 417 Bộ Luật Hình sự Singapore nêu rõ những người bị kết tội gian lận có thể phải chịu án phạt lên đến ba năm tù hoặc phạt hành chính, hoặc cả hai.

Bất chấp luật pháp Singapore, những người nước ngoài bị bắt vì sử dụng bằng cấp giả mạo tại quốc gia này đang tăng lên.

Năm 2008, một kỹ sư người Trung Quốc đang làm việc tại Singapore đã bị phạt 13.000 USD vì tội sử dụng bằng cử nhân giả mạo, tờ The Traits Times đưa tin.

Năm trước đó, một người Ấn Độ cũng bị phạt 6.000 USD và ngồi tù 2 tuần vì sử dụng hộ chiếu mang tên người anh em họ của mình và mua một tấm bằng cử nhân giả mạo chuyên ngành thực vật học.

Cũng năm đó, hơn 400 người nước ngoài đã bị bắt vì những hành vi gian lận trong hồ sơ xin việc (đa số đã sử dụng bằng cấp giả mạo để đi xin việc), tăng gấp 4 lần so với năm 2005.

Theo Asiaone/Dân trí

Đọc thêm