Theo ông Lê Hồng Lợi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, sau gần 50 năm xây dựng, huyện đảo này đã có những bước phát triển rõ nét. Hiện Phú Quý có 3 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh và Long Hải với dân số gần 30.000 người; có tốc độ phát triển đồng đều, bền vững.
Năm 2024, sản lượng thủy sản của Phú Quý đạt hơn 36.000 tấn, vượt 102% kế hoạch. Thu ngân sách đạt 36 tỷ đồng, vượt 156% chỉ tiêu được giao. Lượng khách du lịch đạt trên 154.000 lượt, con số cao nhất từ trước đến nay, cho thấy sức hút ngày càng tăng của đảo trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng tại huyện đảo từng bước được hoàn thiện. Tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Mạng lưới y tế đủ năng lực chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân. Các chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh đều hoàn thành, không xảy ra “điểm nóng”. An sinh xã hội được bảo đảm, công tác giảm nghèo và tạo việc làm được triển khai đồng bộ.
Đầu tháng 5/2025, UBND tỉnh Bình Thuận đã chính thức đề xuất đưa Phú Quý vào nhóm quy hoạch đặc khu trong kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã. Đề án xây dựng đặc khu hướng tới mô hình linh hoạt, hiện đại, với các trụ cột chiến lược: Hậu cần nghề cá, dịch vụ cảng biển, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái và công nghệ cao. “Việc trở thành đặc khu là một cơ hội lịch sử”, ông Nguyễn Hồng Lợi, Chủ tịch UBND huyện khẳng định. “Động thái này không chỉ là thay đổi tên gọi, mà là thay đổi tư duy phát triển, nâng tầm Phú Quý thành trung tâm kinh tế biển đảo mạnh, giữ vững chủ quyền và phát triển bền vững”.
|
Chợ Bãi Phú thuộc xã Tam Thanh là nơi mua bán hải sản lớn nhất tại đảo Phú Quý. (Ảnh trong bài: Tiến Dũng) |
Với hơn 1.700 tàu thuyền và hơn 7.500 lao động biển, Phú Quý có năng lực đánh bắt hơn 36.000 tấn hải sản/năm. Không chỉ có thế mạnh khai thác, huyện còn phát triển nuôi trồng thủy sản với 72 cơ sở, chuyên nuôi các loại cá đặc sản như cá mú, cá bớp, tôm hùm và đặc biệt là rong mơ là loại rong quý được nghiên cứu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phú Quý cũng là một trong những địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đây sẽ là trạm trung chuyển, hậu cần kỹ thuật quan trọng không chỉ cho ngư dân trong vùng mà cả các lực lượng làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.
Về du lịch, những địa danh như Vịnh Triều Dương, Hòn Tranh, Gành Hang, Bãi Doi, Hải đăng núi Cấm, cột cờ chủ quyền quốc gia… thu hút ngày càng nhiều du khách đến khám phá, nghỉ dưỡng sinh thái. Du khách cũng có thể trải nghiệm phiên chợ hải sản buổi sớm, hòa mình vào nhịp sống ngư dân ven biển.
Từ một huyện đảo từng bị xem là “vùng xa”, Phú Quý đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển mình trở thành một trong những đặc khu biển đảo đầu tiên của Nam Trung Bộ, trung tâm hậu cần nghề cá, điểm tựa quốc phòng và điểm đến mới của du lịch Việt Nam.
“Phú Quý không chỉ là một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, mà còn là pháo đài tiền tiêu của quốc gia giữa ngã ba hàng hải chiến lược”, Đại tá Lê Văn Tú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 khẳng định.
|
Phú Quý có 3 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh và Long Hải với dân số gần 30.000 người. |
Nằm cách đất liền 56 hải lý, Phú Quý như một “mỏ neo” quan trọng giữa Biển Đông, kết nối các tuyến hàng hải quốc tế với vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Từ đây, có thể dễ dàng tiếp cận Trường Sa, Côn Đảo, Lý Sơn, những địa danh gắn liền với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với vị trí trọng yếu như vậy, Phú Quý từ lâu đã được xác định là điểm then chốt trong chiến lược phòng thủ biển đảo. Hệ thống radar, đồn biên phòng, lực lượng dân quân biển và tàu tuần tra đã được bố trí chặt chẽ.
Ngày 15/3/2025, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chính thức khởi công xây dựng Trạm Cảnh sát biển số 3 tại đảo. “Sự hiện diện thường trực của lực lượng Cảnh sát biển không chỉ giúp tăng cường năng lực kiểm soát vùng biển, hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp, mà còn là khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền quốc gia trên biển”, Đại tá Tú nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, vùng biển Phú Quý nhiều năm qua xảy ra một số vi phạm của tàu cá nước ngoài, tai nạn hàng hải và các hành vi khai thác trái phép. Vì vậy, Trạm Cảnh sát biển số 3 không chỉ là một cơ sở quản lý, còn là “pháo đài” góp phần giữ vững an ninh – quốc phòng giữa biển.