20 năm lỡ nhịp… khoa học
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Thái Bình, gây dựng sự nghiệp ở xứ biển Kiên Giang và thành danh ở địa phương nổi tiếng về du lịch biển (Bà Rịa Vũng Tàu). Vài nét chấm phá ấy khiến người ta có cảm giác Hoàng Đức Thảo có duyên với biển. Nhưng nghiệp của ông lại gắn liền với khoa học, với những công trình đầy tính thực tiễn trong lĩnh vực môi trường và đô thị, nông thôn. Chính môi trường chứ không phải quản lý (ngành ông được đào tạo chính thức) đã làm nên tên tuổi của Hoàng Đức Thảo.
Ông kể, từ thời điểm còn là công nhân của Nhà máy xi măng Hà Tiên (Kiên Giang) ông đã nhận được Bằng khen của Bộ Xây dựng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Kiên Giang cho những cải tiến, đổi mới sáng tạo về kỹ thuật nhưng cuối cùng, lãnh đạo đơn vị lại đưa ông đi học… trung cấp kế toán (năm 1981) và tiếp đó là cử nhân kinh tế. Ông cho rằng, đó chính là những bước… lỡ nhịp của cuộc đời khiến ông mất đến hơn 20 năm chỉ vùi đầu vào những con số và công tác quản lý. Đây cũng chính là niềm tiếc nuối lớn nhất cuộc đời ông.
Đến năm 2003, Hoàng Đức Thảo được bổ nhiệm về làm Giám đốc Busadco với nhiệm vụ tránh ngập úng cho thành phố Vũng Tàu khi chỉ có trong tay vài thiết bị trông đã gỉ sét, cũ kĩ. Nhưng ông không ngần ngại, không kể ngày đêm, cùng anh em trực đường dây báo điểm ngập lụt và sẵn sàng lao vào dòng nước mỗi khi cần thiết. Công việc tưởng chừng như không có gì mới mẻ nhưng nó lại khiến Hoàng Đức Thảo vận động không ngừng.
Ban đầu là tránh ngập úng. Làm tốt công việc này rồi, ông lại muốn làm nhiều hơn thế nữa cho Vũng Tàu, quê hương thứ hai của ông. Và ông tự đặt ra cho mình trách nhiệm nặng hơn: cải tạo và giữ gìn môi trường. Nghĩ là làm! Ông bắt tay luôn vào việc, không nề hà xắn quần, lội cống làm cùng với công nhân.
Ông chia sẻ: “Tôi không thể quên được cảm giác khi tôi chui vào lòng cống. Ở dưới ấy, nào là băng vệ sinh, nào nilon, nào là những rác vô cơ chưa kịp phân hủy… Thế mà những người thợ của tôi phải làm việc ở trong đó hàng ngày. Đã từng là một người thợ nên tôi thấu hiểu và muốn làm một điều gì đó cho họ, để sức khoẻ của họ không bị ảnh hưởng nhiều. Đấy chính là lúc tôi nghĩ cần phải có một cái máy thay thế cho công nhân”.
Và cụm tời máy nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị ra đời sau đó mấy tháng. Có lẽ ông cũng không ngờ, chính cụm máy này đã lại “buộc” ông với nghiệp khoa học kỹ thuật công nghệ mà lẽ ra ông đã phải gắn bó từ khoảng 20 năm trước.
Một gia sản về nghiên cứu khoa học
Như “cá về với nước” sau thành công của cụm tời, ông miệt mài lao vào nghiên cứu những công trình, sản phẩm khác. Ngày nào cũng vậy, ông ra khỏi nhà từ khi mặt trời mới lấp ló rạng đông và khi trở về, ngôi nhà thân thương của mình đã im lìm trong giấc ngủ bình yên. Ông bảo, những người thân bên cạnh ông đã quen hẳn với việc thấy ông lang thang chợ phế liệu tìm mua các vật liệu, quen hẳn với giờ giấc nghiên cứu trong đêm của ông. Và nhiều khi, những người thân yêu của ông thấy lo lắng, sợ ông bị “tâm bệnh” bởi những sinh hoạt… bất bình thường.
Nhưng từ những sinh hoạt tưởng như bất bình thường ấy đã mang lại những con số mà nhiều nhà khoa học phải ngưỡng mộ: hơn 100 công trình khoa học với gần 200 sản phẩm được ứng dụng ở 48/63 tỉnh, thành trên cả nước, bước đầu xuất khẩu sang Lào, Malaysia. Cùng với đó là hàng trăm giải thưởng trong nước và quốc tế dành cho lĩnh vực khoa học công nghệ đã được trao cho ông.
Đặc biệt phải kể đến Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá mà ông nhận được vào năm 2016 cho cụm công trình “ Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Ông chia sẻ, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, các nhà khoa học cảnh báo việc khí hậu nóng lên có thể làm biến mất cả một vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú khiến ông trằn trọc, băn khoăn. Phải làm gì để cứu những con đê đang oằn mình gánh chịu những cơn giận dữ của trời đất? Phải làm gì để giữ lại những tấc đất liền quý giá cho bà con mình có đất sinh sống, làm ăn? Phải làm sao để chống chọi với những biểu hiện ngày càng khó lường của thiên tai?
Ông Thảo cùng các cộng sự đang thi công thực nghiệm kè biển đông Cà Mau. |
Những câu hỏi đó triền miên bám theo ông vào từng bữa ăn, giấc ngủ… Và đó chính là lý do ra đời của cụm công trình đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong cụm công trình này, giải pháp công nghệ mang tên Cấu kiện (kè) lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển là một sản phẩm ông dành nhiều tâm huyết và say mê nhất. Ông đã mang tâm huyết của mình thử nghiệm đầu tiên ở chính bờ biển quê hương Thái Bình.
Ông Thảo chia sẻ, khi ông nhận được thông tin tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn Cà Mau rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến đê biển Tây, nguy cơ vỡ đê rất cao, ông đã suy nghĩ rất nhiều. Lại biết thêm thông tin chính quyền tỉnh đã phải triển khai thực hiện xây dựng kè bảo vệ đê biển Tây theo cơ chế lệnh khẩn cấp từ tháng 6/2018; Đồng thời có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất danh mục dự án ưu tiên thực hiện để xử lý cấp bách tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau khiến ông càng nung nấu ý định...
Và cuối cùng, ông đã dốc sức, quyết… chơi “một trận đánh lớn” ở Cà Mau, sau vài năm kè lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ, đê biển đã chứng minh được hiệu quả ở bãi biển ở Đồng Châu (Tiền Hải, Thái Bình).
Nhảy vào cuộc chiến “5 ăn 5 thua”…
Hoàng Đức Thảo đã “nhảy vào cuộc” với một cam kết táo bạo “5 ăn 5 thua”: Busadco sẽ tự ứng chi phí thực hiện xây dựng đê mới để bảo vệ đê cũ và bờ biển, khi nào dự án chứng minh được hiệu quả, UBND tỉnh Cà Mau mới phải thanh toán chi phí này, đồng thời ông cũng cam kết bảo vệ an toàn cho tuyến đê hiện hữu trong suốt thời gian thi công công trình mới. Tổng chi phí thực hiện dự án rơi vào khoảng 20 tỷ đồng.
Chưa kịp hoàn thành dự án ở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đã lại đề nghị Busadco nhận tiếp bờ biển Đông, cũng nằm trong nguy cơ sạt lở rất cao. Không nao núng, Hoàng Đức Thảo nhận lời ngay, đưa tổng chi phí ứng trước lên tới hơn 50 tỷ đồng và vẫn với phương thức thanh toán đầy rủi ro “hiệu quả mới nhận tiền”.
Một nhà máy sản xuất cấu kiện nhanh chóng được xây dựng tại Cà Mau. Những chuyến đi thần tốc trong đêm mỗi khi nghe thông tin thời tiết xấu tại Cà Mau để nghiên cứu giải pháp tạm thời bảo vệ đê biển chờ ngày sản phẩm xuất xưởng. Những bữa ăn dở dang, những giấc ngủ chập chờn…
Có thể nói, Hoàng Đức Thảo đã dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông đã đặt tất cả uy tín, tâm huyết của mình vào dự án này, dự án được ví như một bước ngoặt đối với Busadco trong thời kỳ đầu chuyển giao từ doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần hoá. Một hành động mà dân trong nghề phải lắc đầu, thán phục. Bởi ít người dám… chơi như ông, dám dốc sức cho một trận đánh mà kết quả của nó chỉ được lựa chọn hoặc “xanh cỏ” hoặc “đỏ ngực”.
Nhưng, 15 năm chèo lái con thuyền Busadco, nếu không có những quyết định táo bạo như thế, Busadco đã không lớn mạnh như bây giờ. “Đạp đất mà bước, rẽ sóng mà đi, ngược gió mà căng cánh buồm” - 15 năm qua, dường như Hoàng Đức Thảo đã luôn lựa chọn cho mình con đường khó khăn nhất để đi…