Buôn bán tại Đà Nẵng xưa

Trong các chợ tại Đà Nẵng xưa, đáng giá nhất vẫn là chợ Hải Châu. Đây là chợ ra đời rất sớm tại Đà Nẵng. Sự sầm uất của chợ Hải Châu thể hiện qua một đoạn ghi chép của Hòa thượng Thích Đại Sán, vào ngày 8-6-1695: Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng đứng dậy thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng Đà Nẵng...
Trong các chợ tại Đà Nẵng xưa, đáng giá nhất vẫn là chợ Hải Châu. Đây là chợ ra đời rất sớm tại Đà Nẵng. Sự sầm uất của chợ Hải Châu thể hiện qua một đoạn ghi chép của Hòa thượng Thích Đại Sán, vào ngày 8-6-1695: Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng đứng dậy thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng Đà Nẵng... Hai bên bờ, nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ sáng...

 
Chợ và ga xe lửa chợ Hàn xưa. (Ảnh tư liệu)
Trong “Thiên Nam tứ lộ đồ thư” được lập vào thế kỷ XVII, ghi rõ lộ trình từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam như: “Ăn thì ở núi Hải Vân, trọ thì ở Chân Đằng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng (tức chợ Hàn), trọ thì ở Tú Cú, ăn thì ở kho Hội An...”. Thế mới biết vai trò của chợ Hàn là như thế nào.

 Đến đầu thế kỷ XIX, quy mô chợ Hàn được mở rộng hơn, theo ghi chép của một người Âu có tên là Hausmann thì: “Đà Nẵng lập nên do sự tập hợp của nhiều làng gồm những túp lều tranh có vẻ khốn khổ”. Để rồi sau đó ít lâu, khi trở lại Đà Nẵng vào năm 1845, ông này lại viết: “Ngày hôm sau, khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi ngược dòng sông Hàn để thăm thành phố hay làng Đà Nẵng... khu vực đáng kể nhất là khu bán tạp hóa, chính tại khu này, thủy thủ các tàu đã buôn bán tấp nập”.

Các chợ

Khi thành “nhượng địa”, người Pháp xây dựng các đình chợ kiên cố tại chợ Hàn, nhiều kios được xây dựng để bán cho các hộ tiểu thương. Về hàng hóa buôn bán ở chợ Hàn thời Pháp thuộc, được chia làm hai khu vực, khu phố chợ Hàn và khu chợ Hàn. Khu phố chợ nằm dọc hai bên chợ Hàn, chuyên mua bán những sản phẩm tiêu dùng hoặc lương thực với quy mô lớn. Tại đây, tập trung những cửa hàng, cửa hiệu độc lập của tư nhân người Hoa và một ít của người Việt. Hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu được xây dựng bằng gạch và chỉ cao một tầng, đằng trước để bày bán tất cả mọi loại hàng hóa, phía sau dùng làm kho hàng. Mặt hàng tươi sống là điểm mạnh của chợ Hàn xưa.

Một thủy thủ người Âu đến Đà Nẵng đầu thế kỷ 20 cho rằng: “Chợ chỉ đủ sức cung cấp thực phẩm cho thủy thủ đoàn 185 người trong vòng vài ngày, như thế có nghĩa là hàng hóa, sản vật của chợ cũng không phải đầy đủ gì, mức trao đổi của dân chúng không mạnh mẽ”. Một người Âu khác là Vaillant thì cho rằng: “Các thương thuyền chỉ có thể bán hàng hóa cho vua và các quan mà thôi, vì dân Đà Nẵng nghèo mạt, không có đủ tiền để mua, hơn nữa dân chúng cũng sợ cái lòng tham vô độ của các quan, nên để khỏi kích thích các quan và khỏi bị gây áp lực, họ làm bộ nghèo và chôn giấu tiền bạc...”.

Cạnh tranh với chợ Hàn bên phía tả ngạn là chợ An Hải ở hữu ngạn sông Hàn. Chợ liên làng An Hải gồm 7 xã có từ sớm, nhưng do bị kẻ xấu liên tiếp quấy rối, đốt phá vì cạnh tranh buôn bán nên chợ phải tan. Năm 1827, nhờ sự can thiệp của Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu), chợ An Hải mới được dựng và hoạt động trở lại, đây là chợ thu hút cư dân của các làng bờ Đông sông Hàn đến họp.

Về vai trò của Nguyễn Văn Thoại đối với chợ này, trong tờ trát gửi cho xã trưởng, các hương lão và dịch mục làng An Hải vào ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Thoại Ngọc Hầu nêu rõ việc ông về thăm quê như sau: “Mùa đông năm ngoái, trong xã có cho hai người: Lê Văn Trực, Trần Văn Chiêu, đến hầu tại đồn, trình rằng: Tứ cận làng này là Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An gồm chung thành địa phận bảy xã, đều đồng lòng muốn họp chợ tại xã An Hải để vừa mở rộng đường tài chính, vừa thắt chặt nghĩa thân lân. Vả lại, vào những năm trước, xã có tục lệ họp chợ lâu rồi.
Nhưng sau, xã Hải Châu gây rối, dẫn đến tranh chấp, làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về xã nhà thuật lại đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả bảy xã đều đồng tình như vậy, thì mỗi xã phái một mục dịch tháp tùng bổn chức, thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ, rồi cho thi hành”.

Chợ Bà Thân (tức chợ An Hải) ra đời trong hoàn cảnh đó. Chợ Bà Thân có đình chợ và các lều quán; khuôn viên của chợ khá rộng. Chợ Bà Thân trở thành trung tâm trao đổi buôn bán của người dân hữu ngạn sông Hàn, nơi trên bến dưới thuyền nhộn nhịp ghe thuyền qua lại, là chợ có tính cạnh tranh với chợ Hàn. Do thất thu nguồn thuế chợ, lại thêm mặt hàng tươi sống của ngư dân vùng hữu ngạn không còn dồi dào như trước tại chợ Hàn, nên sau đó chợ Bà Thân vẫn nhiều lần bị quấy phá, làm cho chợ đình đốn nhiều lần.

 Kẻ bán, người mua

Dù đã là thành phố, song mãi đến những năm đầu của thế kỷ 20, Đà Nẵng còn rất nghèo nàn. Một thủy thủ người Nga đến Đà Nẵng năm 1905 trên chiến hạm nổi tiếng “Rạng Đông” ghi lại như sau: “Sau một giờ đi trên chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi lọt vào sông Hàn, trên bờ có thành phố Turan. Ở đây chẳng có gì xem ngoài nhà thương, trại lính, một khách sạn thảm hại và vài ngôi nhà. Dân chúng địa phương than vãn việc buôn bán ế ẩm và mọi hy vọng trông cả vào con đường sắt sẽ nối liền Turan với các vùng còn lại”.

Càng về sau, việc buôn bán, mở cửa hiệu, công ty tại Đà Nẵng phát triển một cách mạnh mẽ. Các hãng Quảng Hòa Mỹ, Ving Chóeng Seng, Tong Ly Long et Cie đảm nhận việc mua đường khắp Trung kỳ rồi tập trung về Đà Nẵng chuyển vào Nam kỳ, ra Bắc kỳ. Pháp có hãng Denis Frères bán đường ra Bắc kỳ nhưng quy mô vẫn không địch nổi các thương gia người Hoa tại Đà Nẵng.

Tư sản người Việt cũng dần xác lập thế lực của mình, mở nhiều công ty, cửa hiệu, nhà hàng… tại Đà Nẵng và đều ăn nên làm ra, các công ty và hiệu buôn lớn của người Việt đã lần lượt ra đời: Công ty Bông vải sợi của Lý Quý có xe chạy Hà Nội - Sài Gòn - Hải Phòng buôn lãnh, lụa, Tuysort, vải ta khổ rộng, khổ hẹp do vùng thôn quê Kỳ Lam, Phong Thử, Thanh Quýt, Phú Bông, Bảo An... sản xuất. Lê Văn Tập, Trương Côn, Kim Quy là những tư sản buôn gạo và xuất khẩu lâm thổ sản, đều có garage sửa xe và có xe vận chuyển. Vận tải thì có Công ty Hào Hưng, thủy nông thì có Công ty Bùi Huy Tín, buôn bán đồ sắt thì có Nghĩa Lợi, sản xuất nước mắm, xì dầu thì có Kim Long, tư sản Nguyễn Tấn Hà buôn bán sơn, Phạm Doãn, Đốc Điềm thì mở cửa hiệu thuốc Tây. Các hiệu may lớn có Tân Lợi, Hiệp Hưng; Thông Lân thì mở các rạp hát Vĩnh Lạc, Hòa Bình để cho thuê.

Một số tư sản kinh doanh nhà ở như Nghè Mại, cho thuê xe kéo tay thì có các chú: Khầu, Kiểm Dần, Bầm Thương. Công ty vận tải Xe Vàng của các ông Đạt, Sáu, Công ty xuất cảng hàng ra nước ngoài gồm trâu, bò, sắn, khoai, các loại đậu, quế, lâm thổ sản của Đốc Thí (Lê Văn Thí), thầy Phan Bá Lân thì có trường tư thục Chấn Thanh…

Việc buôn bán tại Đà Nẵng trước năm 1975, ngoài các chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Vườn Hoa, người ta nhớ những tiệm ăn nổi tiếng nay đã vào quá vãng như: các quán ăn Tàu ở đường Thành Thái (tức Trần Quốc Toản bây giờ), tiệm kem Diệp Hải Dung trên đường Phan Đình Phùng, quán phở Cấp Tiến gần khách sạn OK trên đường Yên Bái; hiệu bánh mì ông Tý, tiệm cà-phê Xướng, nhà sách Văn hóa và phở bò viên Thái Ngư ở ngã tư chợ Cồn, quán cà-phê Thanh Long bên hông chợ Vườn hoa…

Điểm lại vài nét về chợ búa, mua bán của Đà Nẵng xưa, cũng là vinh danh cho hệ thống chợ, siêu thị tại Đà Nẵng ngày nay vậy!

Lưu Anh Rô

Đọc thêm