Buôn bán tình dục qua mạng, tai họa của thế kỷ

Nhiều đối tượng phạm tội tại Philippines đang chuyển sang hình thức buôn bán tình dục qua mạng internet, thay cho nạn buôn người và khai thác tình dục trẻ em đã được biết đến từ lâu và dễ bị phát hiện.

Nhiều đối tượng phạm tội tại Philippines đang chuyển sang hình thức buôn bán tình dục qua mạng internet, thay cho nạn buôn người và khai thác tình dục trẻ em đã được biết đến từ lâu và dễ bị phát hiện.

Andrea chỉ 14 tuổi khi cô bé lần đầu nghe thấy người khác yêu cầu cô phải cởi bỏ quần áo trên mạng internet. “Tôi đã rất xấu hổ vì tôi không muốn người khác nhìn thấy những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình. Khách hàng yêu cầu tôi phải cởi bỏ áo để cho ông ta xem ngực”, Andrea kể lại.

Cô bé Andrea. Ảnh: Internet

Lúc đó, cô gái trẻ đang ở trong một căn nhà tại Negros Oriental – một tỉnh nổi tiếng về những bãi biển xinh đẹp, những danh lam thắng cảnh, du lịch của Philippines.

Andrea cho biết, cô đã bị một người họ hàng lừa từ một ngôi làng nhỏ bé nằm ở vùng nông tới Negros Oriental. Người này nói rằng đến đây, cô sẽ được nhận vào làm trông trẻ với mức lương khá cao.

Gật đầu đồng ý rời khỏi làng, Andrea đã nuôi mộng sẽ kiếm được nhiều tiền rồi học nốt trung học và đi kiếm việc làm. Tuy nhiên, thay vì làm công việc trông trẻ, Andrea đã trở thành một nạn nhân của dạng thức mới nhất nhưng cũng không kém phần khốc liệt của nạn bóc lột tình dục. Đó chính là nạn buôn bán tình dục qua mạng internet.

Sau khi được đưa đến một căn nhà 2 tầng ở Negros Oriental, thuộc vùng Visayas, miền Trung Philippines, Andrea phát hiện nơi ở mới của cô vừa là nơi làm việc và cũng là nhà tù.

Cô gái trẻ đã bị sốc trước những sự việc mà cô được chứng kiến. “Căn nhà tối om vì cửa sổ đã bị bịt kín cả. Có một cái máy tính và một chiếc camera. Các cô gái khỏa thân sẽ ngồi trước máy tính, nói những lời gợi dục để quyến rũ những khách hàng thường là người ngoại quốc”, Andrea cho hay.

Ngoài ra, theo lời Andrea, khách hàng có thể yêu cầu những cô gái quan hệ tình dục với nhau để cho họ xem.

Trong vòng vài tháng sau đó, Andrea và 6 cô gái trẻ khác, từ 13 đến 18 tuổi, đã bị ép phải thỏa mãn những yêu cầu về tình dục của các khách hàng là nam giới ở khắp nơi trên thế giới, bất kể ngày hay đêm.

Bỏ ra 56 USD, các khách hàng là nam giới sẽ gõ yêu cầu của họ trên máy tính và theo dõi những gái bán dâm qua mạng thực hiện các yêu cầu của họ. Những cô gái cũng bị buộc phải xem phản ứng của khách hàng qua mạng để điều chỉnh cách “phục vụ” của mình.

Không ít lần, Andrea đã nghĩ cách bỏ trốn nhưng ông chủ của cô, cũng chính là người chú họ, thường xuyên túc trực ở tầng dưới để canh chừng.

“Ông ấy bảo rằng nếu tôi dám bỏ trốn, ông ta sẽ tống tôi vào nhà giam và tôi tin rằng ông ấy nói thật. Tôi lúc đó còn rất thơ ngây vì tôi lớn lên ở làng quê nghèo khó, chưa từng được biết đến cái TV và cũng chưa bao giờ rời khỏi làng mình”, Andrea kể thêm.

Ông chú cũng đã hứa sẽ giúp cô để dành một khoản tiền để sau này đi học nên cô đành cắn răng chịu đựng.

Câu chuyện của Andrea chỉ là một trong số rất nhiều cô gái tại Philippines – một đất nước vẫn còn nghèo đói, người dân biết tiếng Anh và internet cũng đã được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây, nơi tội phạm bóc lột tình dục qua mạng internet đang phát triển khá mạnh – đang phải chịu đựng.

Tuy nhiên, theo ông Jo Alforque – một nhà vận động nhằm chấm dứt tệ mại dâm trẻ em, buôn bán và khai thác tình dục trẻ em (ECPAT Philippines) – tình trạng bóc lột tình dục qua mạng internet rất khó để ngăn chặn.

Vì các tụ điểm kinh doanh tình dục ảo có thể đặt ở bất cứ đâu, từ quán cafe internet tới nhà riêng hay các khu văn phòng, khiến cho nhà chức trách rất khó để nhận dạng chúng. Bất cứ ai có một chiếc máy tính, internet và một chiếc Webcam đều có thể kinh doanh dịch vụ này.

Theo ông Andrey Sawchenko – giám đốc quốc gia của Phái đoàn tư pháp quốc tế Philippines, tính chất cá nhân của công nghệ này cho phép tội phạm buôn bán tình dục qua mạng internet có thể diễn ra nhưng nhà chức trách lại khó có thể truy cập được và cũng rất khó để thu thập bằng chứng phạm tội của thủ phạm.

Bà Ruby Ramores – cựu Giám đốc tại Hội đồng liên ngành phòng chống buôn người (IACAT) – cho rằng – có hàng chục nghìn phụ nữ tại Philippines đang bị cuốn vào vòng xoáy tội phạm mới này. Bà Ramores cho rằng, hầu hết các cô gái đã bị bạn bè, gia đình hay đôi khi là cha mẹ - ép buộc, dụ dỗ tham gia.

Năm 2011, Philippines đã truy tố tội phạm buôn bán tình dục qua mạng đầu tiên đối với 2 công dân Thụy Điển và 3 người Philippines. Chính phủ nước này cũng đã phát động một chiến dịch truyền thông và vận động để nâng cao nhận thức của người dân về loại tội pham khai thác tình dục mới này.

Minh Ngọc (tổng hợp)

Đọc thêm