Trong khi một số trường có điểm chuẩn tương đối cao và ổn định so với những năm trước thì một số trường lâm vào tình trạng “khát” sinh viên ngay cả khi đưa ra mức điểm chuẩn thấp nhất. Nhiều ngành tuyển sinh năm nay vẫn có mức điểm chuẩn trên 20. Thậm chí, một số ngành lấy đến 26 điểm như: ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại Thương và ngành ngành Kiểm toán , ĐH Kinh tế quốc dân. Vậy nên, không ít thí sinh có điểm thi khá cao nhưng vẫn rớt.23 điểm trượt, 13 điểm đỗ Điểm sàn xét tuyển NV1 vào ĐH Ngoại Thương khối A năm nay là 24 điểm, khối D 22 điểm. Theo thống kê của phòng Đào tạo nhà trường, lượng thí sinh đạt mức điểm ngấp nghé điểm đỗ khoảng 300 - 400 thí sinh. Tương tự, điểm sàn xét tuyển NV1 ĐH Kinh tế quốc dân năm nay là 21 điểm, 7 ngành có điểm chuẩn từ 22 điểm trở lên.
|
Ngày càng nhiều thí sinh chuộng các ngành kinh tế. Ảnh: Trung Kiên |
Với mức điểm chuẩn 21 điểm, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, năm nay khoảng 600 thí sinh có mức điểm 20 - 20,5 điểm vẫn phải ngậm ngùi chọn NV2. “Tuy đề thi năm nay được đánh giá là khó nhưng lượng thí sinh đạt mức điểm trượt đáng tiếc này nhiều gấp rưỡi năm ngoái”, ông Dũng nói. Trong khi đó, có thí sinh dự thi vào một số ngành có điểm chuẩn bằng điểm sàn chỉ cần đạt 11,5 điểm đã có chỗ trong giảng đường ĐH. Đơn cử, năm nay, đa số các ngành đào tạo của ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội chỉ bằng mức điểm sàn. Theo đó, nhiều thí sinh dự thi vào trường chỉ cần đạt 13 điểm, thậm chí 11,5 điểm (có điểm ưu tiên thuộc diện chính sách) cũng trúng tuyển. “Hiện trường còn 7 ngành thiếu chỉ tiêu. Hy vọng nhà trường sẽ lấy đủ chỉ tiêu sau khi xét tuyển NV2, kẹt quá thì trường xét tuyển NV3”, ông Lê Bá Hòa, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội cho biết.Ngành công - nông thất thế Xu hướng thí sinh chuộng các ngành, nghề kinh tế thay vì các ngành kỹ thuật xuất hiện vài năm gần đây càng thể hiện rõ trong mùa tuyển sinh ĐH năm nay. Đối chiếu điểm chuẩn của ĐH Nông Nghiệp trong 3 năm gần đây cho thấy, ĐH Nông nghiệp 1 ngày càng “xuống hạng”. Chỉ so với năm ngoái, điểm chuẩn của trường này thấp hơn khoảng hai điểm. ĐH Bách Khoa Hà Nội vốn xếp vào danh sách “top đầu” nhưng mùa tuyển sinh năm nay có mức điểm chuẩn giảm khá sâu so với năm trước với điểm chuẩn cao nhất là 21 điểm vào nhóm ngành: Điện, Điều khiển và Tự động hóa, Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật y sinh, Công nghệ thông tin, Toán - Tin ứng dụng. Hầu hết các nghành còn lại là 17 - 18 điểm, có ngành 15 điểm. Ngoài ra, năm nay trường còn 700 chỉ tiêu xét tuyển NV2. Trong khi hai năm trước (2008 - 2009) điểm chuẩn vào trường là 21 điểm và không xét tuyển NV2. Chung cảnh ngộ, điểm chuẩn khối ngành kỹ thuật của ĐH Nha Trang năm nay là 13 điểm, chỉ bằng mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn thiếu chỉ tiêu trầm trọng. Thậm chí có ngành chỉ có vài ba thí sinh hoặc không có thí sinh nào trúng tuyển. Đơn cử, ngành Khai thác chỉ có 6 thí sinh trúng tuyển, ngành Nuôi trồng thuỷ sản chỉ có hai thí sinh đủ điểm đỗ, ngành Kinh tế thủy hải sản không có thí sinh nào trúng tuyển. Ông Trần Danh Giang, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nha Trang cho biết, kết thúc xét tuyển NV2, ngành nào tuyển được dưới 15 sinh viên, nhà trường có thể phải tạm ngưng đào tạo những ngành này. Cũng theo ông Giang, tình trạng một số ngành đào tạo nghề (khối ngành công - nông - PV) thiếu chỉ tiêu và chất lượng đầu vào ngày càng thấp là do xu hướng xã hội ngày càng chuộng các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh.
Theo Đất việt