Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn được mọi người dân Việt Nam hướng về với tình cảm trân trọng. Tháng 11 năm nay, giáo dục nước nhà đón rất nhiều tin vui. Ngày 9/11, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 132 nhà giáo và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 1.062 nhà giáo đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
|
Thầy cô giáo được tặng kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục". (Nguồn: Internet) |
Tối 14/11 tới đây, lần đầu tiên chúng ta tổ chức một lễ tôn vinh hoành tráng với tên gọi “Rạng danh đất Việt” dành cho học sinh giỏi có thành tích trong các cuộc thi Olympic quốc tế. Cũng dịp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho 26 giáo viên có thành tích trong đào tạo các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế 2010. Cũng trong ngày 14/11, dự kiến tại Văn Miếu, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước sẽ tổ chức lễ công bố chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2010 cho 62 giáo sư và 608 phó giáo sư. Nhưng giữa niềm hân hoan ấy, những người có tâm với giáo dục nước nhà không khỏi nhói lên nỗi buồn. Nền giáo dục nước ta đang ở đâu? Tạp chí giáo dục danh tiếng thế giới Times Higher Education vừa công bố danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Danh sách có những đại diện đến từ châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... Trong khi đó, trong top 500 không hề có tên một trường đại học nào của Việt Nam. Bảng xếp hạng không chỉ dựa vào “danh tiếng và lịch sử” của các trường, mà đặc biệt chú trọng đến những tiêu chí nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Tiêu chí này là điểm yếu nhất của các trường đại học VN. Từ hơn 30 năm nay, kể từ khi lần đầu tiên Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán Quốc tế năm 1974, truyền thống đào tạo “gà nòi” của Việt Nam đã được khẳng định. Nhưng nói như GS-TSKH Ngô Huy Cẩn: “Học toán giỏi khác với làm toán giỏi”. Chúng ta có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhưng khan hiếm công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học quốc tế. Mới đây, có 2 nhóm nhà khoa học Việt Nam đăng 2 công trình trên tạp chí EPL và Physics Letters B. Nhưng ngay sau đó cả 2 tạp chí khoa học uy tín thế giới này đều rút 2 bài báo xuống vì chúng đều bị phát hiện là đạo văn, ăn cắp công trình của người khác. Đây là điều không phải khó gặp trong nền giáo dục nước ta. Nó gợi lại câu chuyện, một nhóm giáo sư tố cáo người khác đạo văn của mình. Khi mọi việc rõ “trắng đen”, thì hỡi ôi, chính người bị đạo văn lại bị phát hiện đi đạo lại từ giáo trình nước ngoài. Đến lúc này người ta mới giật mình, có cả một công nghệ xào sách bị báo chí phanh phui. Liệu học trò sẽ sáng tạo như thế nào khi lĩnh hội kiến thức mà chính các thầy đi “ăn cắp”. Ở các nước có nền khoa học tiên tiến, đạo văn là một sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà khoa học. Chỉ cần có một tì vết, người thầy khó có cơ hội đứng trên bục giảng một lần nữa. Một nền giáo dục tốt, trước hết phải là một nền giáo dục trung thực, không chạy theo những danh hiệu hào nhoáng.
Theo TT&VH