Mới gây mê đã tử vong
Theo bà Nguyễn Thị Hồng (vợ ông Hải), ngày 26/6/2015, chồng mình đi làm về, phát hiện dưới bẹn bị phồng lên. Sợ mắc bệnh gì đó, ông một mình đi xe lên Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Ba khám.
Tại đây bác sỹ siêu âm ổ bụng, chẩn đoán ông bị thoát vị bẹn, bệnh không đến nỗi nghiêm trọng, mổ hay không cũng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Sau hôm đó, ông Hải vẫn đi làm bình thường.
Đến ngày 1/7, sau mấy ngày ngần ngừ, ông Hải quyết định đi mổ. “Hôm ấy tôi có việc bận nên chồng tôi nhập viện xin mổ một mình, còn gọi điện hỏi tôi nên mổ theo dịch vụ hay bảo hiểm. Nghĩ số tiền không quá cao, tôi khuyên chồng mổ theo dịch vụ, yêu cầu bác sỹ giỏi, giá 2 triệu”, người vợ cho biết.
Bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc gây mê |
Đến trưa, ông Hải gọi điện bảo vợ lên ký giấy tờ mổ, mang thêm tiền nộp viện phí rồi vợ chồng chở nhau về ăn cơm trưa. Khoảng 15h cùng ngày, họ quay lại viện làm các thủ tục phẫu thuật.
Bệnh nhân được bác sỹ kê đơn, cho uống thuốc tẩy ruột. “Khoảng 9h sáng hôm sau, chồng tôi được dẫn vào phòng gây mê. Ngồi ở ngoài đợi lâu, tôi ngó nghiêng vào xem tình hình, bị y tá đuổi ra ngoài. Lúc đó nhìn vào trong, tôi không hề thấy bác sỹ Hạ, người gia đình tôi yêu cầu mổ đâu, mà là hai bác sỹ khác”, bà Hồng thuật lại.
Khoảng 15 phút sau, bà Hồng mới thấy bác sỹ này xuất hiện, đi vào phòng khoảng 20 phút thì ra ngoài, nói rằng ông Hải chưa mổ được vì sau khi gây mê có hiện tượng co giật, các bác sỹ đang cấp cứu, khả năng phải chuyển lên tuyến trên.
“Một lúc sau, chồng tôi được đưa ra khỏi phòng, chân tay co giật liên tục, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép”, bà Hồng cho hay.
Vợ bệnh nhân cho rằng: “Bệnh viện vội vàng tới mức quên cả làm thủ tục chuyển viện cho chồng tôi. Khi xe vừa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, chuyển giao bệnh nhân xong, cả bác sỹ và y tá của bệnh viện huyện vội vã cho xe quay về coi như đã hoàn thành xong trách nhiệm, bệnh nhân sau đó có mệnh hệ gì họ không quan tâm. Hành động đó của họ chẳng khác nào “đem con bỏ chợ””.
Vợ ông Hải thuật lại sự việc |
Ôm di ảnh đến bệnh viện gây áp lực
Tại bệnh viện tỉnh, khám xong, bác sỹ cho hay ông Hải không có nhịp tim, không đo được huyết áp. Đưa vào cấp cứu được khoảng nửa tiếng, bệnh nhân thở lại được một chút.
Đến khoảng 12h trưa, chồng bà Hồng tắt thở. “Một bác sỹ cho biết, có thể chồng tôi đã chết lâm sàng từ trước khi chuyển xuống bệnh viện”, vợ bệnh nhân nói.
Sau sự việc, Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Ba không có bất kỳ lời giải thích, động viên, hỏi han nào đến gia đình. Thậm chí họ còn khuyên gia đình nên đưa thi thể đi hỏa táng. Cảm thấy cái chết của chồng có điều bất thường, phẫn nộ thái độ vô trách nhiệm của bệnh viện, sáng 3/7, người thân ông Hải ôm di ảnh tới bệnh viện, yêu cầu làm rõ sự việc.
“Ban đầu bệnh viện từ chối tiếp, nhưng thấy gia đình làm căng, gây sự chú ý từ người xung quanh, đích thân ông Hạ, Giám đốc bệnh viện đến nói chuyện, giải thích chồng tôi bị sốc phản vệ, đây là rủi ro “trong phạm vi cho phép” và không phải lỗi của họ”, bà Hồng thuật lại.
Trong lúc mẹ con bà Hồng nói chuyện với Giám đốc, phía bệnh viện đã âm thầm cử một đoàn do Phó Giám đốc đứng đầu xuống gia đình thăm viếng người đã khuất, hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng tiền mai táng phí.
Nhận xét động thái này của bệnh viện, bà Hồng cho rằng “đó chỉ là một cách lấp liếm. Nếu như mẹ con tôi không ôm di ảnh lên bệnh viện tạo áp lực, có lẽ họ cũng không đoái hoài”.
XLPL đã gặp gỡ ông Vi Quốc Hương, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Ba để tìm hiểu sự việc. Ông Hương cho biết, sau khi bệnh nhân chết, công an đang điều tra nên ngay hôm đó bệnh viện đã không xuống thăm hỏi, động viên gia đình, đến hôm sau mới xuống thăm viếng. Trả lời qua điện thoại, ông Phạm Thái Hạ, Giám đốc Bệnh viện nhận định bệnh nhân chết do sốc phản vệ, và: “Mọi việc đợi cơ quan điều tra làm rõ”./.