Lời kêu cứu ma lực
Thủ phạm trong vụ án là Hồ Tấn Vỹ (20 tuổi, ngụ ấp Núi Tung, xã Suối Tre, TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Nạn nhân là ông Hồ Tấn Luật (42 tuổi, cha hung thủ).
Sáng sớm 19/6, ông Luật đi uống rượu cùng bạn bè, trưa say khướt khật khưỡng về. Dù đã ly hôn, nhưng thấy vợ cũ là bà Nguyễn Thị Lợi (40 tuổi) đang cặm cụi nấu cơm dưới bếp, ông chạy xuống vòi tiền. Bà Lợi không đưa, bị chồng chửi bới, đánh đập.
Sống trong khu vực bốn bề cao su, gốc mít, bà Lợi cắn răng chịu đựng những cái đấm, cái tát của chồng, không thể kêu ai cứu giúp. Sau một hồi, người đàn bà gồng mình chạy thoát khỏi ông chồng vũ phu.
Thấy vợ chạy trốn, ông đuổi theo tìm kiếm khắp vườn. Bà Lợi nép mình vào một bụi rậm, lấy điện thoại gọi cho người con trai tên Vỹ cầu cứu.
Thương mẹ khóc gọi điện cầu cứu, cộng với những bực tức dồn nén vì xưa nay từng chứng kiến nhiều lần cha đánh đập hành hạ mẹ, nỗi giận dữ dâng lên, Vỹ vội vã leo lên xe chạy về, trên đường còn dừng lại mua một con dao thủ sẵn trong người.
Về đến đầu ngõ, Vỹ đã nghe tiếng đấm đá “bụp bụp” của cha đang giáng xuống thân xác gầy khô của mẹ. Vỹ vội vàng chạy vào can ngăn nhưng bị người cha dọa nạt.
Thấy cha tiếp tục đánh mẹ, Vỹ tức giận rút con dao thủ sẵn đâm một nhát vào bụng, khiến nạn nhân gục ngay xuống nền nhà.
Mẹ con bà Lợi sợ quá, dắt tay nhau bỏ chạy. Đúng lúc đó, người con thứ hai 12 tuổi vừa đi về nhà phát hiện cha nằm quằn quại liền chạy qua nhà hàng xóm kêu cứu. Mọi người đưa ông Luật vào bệnh viện Đa khoa Long Khánh cấp cứu nhưng do máu mất quá nhiều, nạn nhân đã tử vong vào lúc 19h cùng ngày.
Trước khi chết, ông Luật tỉnh táo cầm tay mọi người trăng trối: “Cái chết này là do tôi tự chuốc lấy. Tôi không trách thằng Vỹ, đừng bắt nó đi tù mà tội. Tại tôi không tốt, mẹ con nó mới khổ”.
Rồi quay sang nói với cậu con trai út: “Ba thương mẹ con nhiều lắm. Con ráng học thật giỏi. Đừng vì chuyện này mà bỏ học nghe không”. Hối hận, Vỹ cùng mẹ đến công an đầu thú.
Hình chỉ có tính minh họa (internet) |
“Cả đời bà ấy chịu khổ”
Thi thể ông Luật được đưa về căn nhà cũ sát đường tàu ở ấp Núi Đỏ (xã Bàu Sen) mai táng. Khi chúng tôi đến, bà Lợi cùng người thân đang đi lên chùa gửi hài cốt chồng. Căn nhà không còn một bóng người. Bàn ghế, chén đũa, bó hương thắp dở… vương vãi khắp khoảng sân đầy cỏ dại.
Một hàng xóm đi ngang qua, nói: “Người ngoài nghe nói con giết cha thì phê phán tàn độc quá, nhưng người dân đây đều thông cảm cho hành vi của thằng Vỹ. Cuộc đời bà Lợi đã chịu nhục, nhẫn nhịn sống với ông Luật chừng đó là đủ rồi. Họ đã ly hôn từ lâu nhưng ông Luật vẫn hành hạ bả cho đến bây giờ”.
Ông Luật là người đàn ông nát rượu. Mỗi khi say xỉn, ông lại trút đòn roi lên người vợ. “Bà ấy quá hiền lành, cứ cắn răng cam chịu người chồng cũ”, hàng xóm thở dài.
Bà Nguyễn Thị Hoa (51 tuổi), một hàng xóm khác kể: “Bình thường không uống rượu thì ông Luật hiền như cục đất. Tiếc rằng ông ấy say nhiều hơn tỉnh. Cứ say là ông chửi bới, đánh đập bà Lợi ghê lắm. Có lần tui thấy ông ấy túm tóc vợ dúi đầu bộp bộp vào tường chảy máu, may có hàng xóm can ngăn kịp thời.
Trước đây, bị chồng chửi, bà ấy còn cãi lại vài ba câu. Sau này chuyện nhỏ chuyện to, bà ấy đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hàng xóm thấy bả bị đánh đều than thở “sống khổ rứa, mày bỏ quách cho rồi. Có phải vợ chồng gì nữa đâu mà phải cam chịu thế”.
Nhưng bà ấy lại nghẹn ngào: “Tui cũng muốn bỏ nhiều lần lắm nhưng không được. Có lẽ kiếp trước tui nợ ổng nên kiếp ni tui phải trả””.
Ngậm ngùi thương… hung thủ
Bị ông Luật đánh nhiều như cơm bữa, thân hình bà Lợi gầy như que tăm. Đầu bà giờ nghiêng nghiêng về một phía là dấu tích đòn roi ông Luật để lại. Nhiều lần bà giận, bỏ về Huế sống, ông Luật lại theo ra, nói dăm ba lời ngon ngọt lại cùng nhau quay vào.
Có lần giận nhau, ông Lợi đem một người phụ nữ khách về sống chung, đòi cưới làm vợ, bà Lợi cũng không nói gì. “Vui vẻ” một thời gian, ông quay về, bà Lợi vẫn tha thứ.
“Cả làng này, ai cũng ngạc nhiên trước khả năng “chịu nhục” của bà Lợi. Ông Luật nát rượu đến nỗi mẹ ruột khuyên nhiều không được từ mặt luôn, vậy mà bà Lợi vẫn sống được”, một người cho hay.
Cách đây ba năm, thương tình cuộc sống quá khó khăn, bà Lợi được một người quen cho thầu lại một vườn mít nhỏ. Cả gia đình gồm bốn người chuyển về căn nhà nhỏ giữa vườn mít sinh sống. Hàng ngày bà Lợi đẩy xe đi bán bún, đến mùa mít bà cắt trái bán, cuộc sống đủ cái ăn cái mặc qua ngày.
Thế nhưng ông Luật ngoài rượu, còn lâm vào cờ bạc, nợ nần. Mỗi khi thua bạc, ông về năn nỉ vợ kiếm tiền trả giúp. Dù bị chồng không coi ra gì, bà Lợi vẫn chăm sóc chồng rất chu đáo, kiếm tiền trả nợ cờ bạc thay.
Cách đây vài tháng, bà Lợi quyết định bán căn nhà ở ấp Núi Đỏ lấy 45 triệu để hùn mua miếng đất gần trung tâm cho con cái sau này ở. Biết người mua đất trả trước cho bà 10 triệu đồng, ông Luật ngày nào cũng đòi vợ đưa tiền trả nợ. Bà Lợi không chịu, thường xuyên bị đánh đập.
“Cũng may cuối tháng này mới giao đất cho người mua nên mới có chỗ làm đám tang cho ông ấy như thế”, một người thân nói.
Nói về hung thủ, mọi người nhận xét: “Thằng Vỹ học hết cấp hai là nghỉ học đi làm thuê gửi tiền về phụ mẹ. Tính nó như con gái, ít nói, chưa gây mất trật tự tại địa phương. Nhiều lần nó can ba không được đánh mẹ nhưng ông Luật không chịu nghe.
Càng lớn, tính nó có biểu hiện bị bệnh tâm thần, có lẽ vì sống trong cảnh gia đình không hạnh phúc, nên gây chuyện tày đình là điều khó tránh khỏi”.
Bị ông Luật đánh nhiều như cơm bữa, thân hình bà Lợi gầy như que tăm. Đầu bà giờ nghiêng nghiêng về một phía là dấu tích đòn roi ông Luật để lại./.