Thông thường, mỗi đoàn làm phim quay với con vật đều có người giám sát để đảm bảo không có chuyện lạm dụng hay đối xử tàn tệ với động vật.
Mất thời gian vì một con sâu
Với các nhà sản xuất phim The Shawshank Redemption của đạo diễn Frank Darabont có sự tham gia của Tim Robbins, Morgan Freeman thực hiện nghiêm chỉnh: Họ mời đến thành viên của tổ chức Ngăn ngừa bạo hành đối với động vật (ASPCA) và Hội Bảo vệ động vật Mỹ bởi vì một tù nhân nọ nuôi con chim non trong túi.
Không có bất cứ hành động “đối xử tệ bạc” với con chim nhỏ này, tuy nhiên tổ chức ASPCA nhảy dựng lên khi phát hiện nhân vật trong phim cho con chim ăn một con… sâu non còn sống. Cho rằng đây là hành động “tàn nhẫn”, cho nên tổ chức yêu động vật này yêu cầu quay lại cảnh đó với điều kiện con chim non phải ăn con sâu “chết tự nhiên”.
Yêu cầu khiến các nhà sản xuất tức sôi máu vì phải trì hoãn lịch quay, đứng canh cả một sô sâu non chờ đợi một hoặc hai con sâu “lên cơn đột quỵ hoặc lăn quay ra chết một cách tự nhiên”.
Bộ phim này nhận được hàng tá đề cử giải thưởng Oscar 1995: Nam diễn viên chính xuất sắc cho Morgan Freeman, Quay phim xuất sức, Dựng phim, Âm nhạc, Âm thanh và Kịch bản xuất sắc. Phim dựa trên tiểu thuyết của Stephen King, kể về nhân vật Andy sống gần hai thập kỷ trong nhà thù Shawshank vì bị khép tội giết vợ và người tình của cô ta dù chứng cứ gián tiếp không rõ ràng. Trong thời gian sống trong tù, Andy (Tim Robbins) nảy sinh tình bạn gắn bó với bạn tù tên Red (Morgan Freeman) và sau này có cuộc vượt ngục thần kỳ.
Ben Affleck gây ồn ào vì chiếc mũ
Dù đây là một cảnh quay diễn ra thoáng qua khiến gần như khán giả không có cảm giác ấn tượng gì trong Gone girl (Cô gái mất tích), tuy nhiên nó tạo ra cơn thịnh nộ giữa Ben Affleck và đạo diễn David Fincher. Nếu xem kỹ khán giả mới thoáng thấy trong vài giây nhân vật Nick Dunne đội một chiếc mũ lưỡi trai tại sân bay để không ai nhận ra. Vì nhân vật này sống ở New York nên đạo diễn David Fincher muốn anh mang chiếc mũ của đội Yankees. Mặc dầu đạo diễn yêu cầu nhưng Ben Affleck không thèm đếm xỉa đến.
Ben Affleck gây ồn ào chỉ vì một chiếc mũ lưỡi trai |
Số là nam diễn viên này gắn bó với đội bóng đối thủ của Yankees-Red Sox của Boston cho nên Ben từ chối chạm vào chiếc mũ của Yankees. Thậm chí sự việc tưởng đơn giản nhưng được đẩy lên cao tới mức Ben đình công bốn ngày liền-điều này được David Fincher chia sẻ sau đó. Còn Ben Affleck cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn:
“Tôi nói với đạo diễn rằng: David ạ tôi rất yêu mến ông, tôi sẽ làm mọi điều vì ông. Tuy nhiên tôi sẽ không bao giờ đội mũ của Yankees, tôi sẽ theo đuổi đến cùng để có được sự đồng thuận”. Chuyện bé bằng cây kim này cuối cùng cũng được giải quyết bằng sự thỏa hiệp: Ben Affleck chấp nhận đội chiếc mũ của đội Mets-một đội bóng khác của New York.
“Ngày tận thế”- Tên phim vận vào phim
Bộ phim Apocalypse Now (Ngày tận thế) lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Francis Ford Coppola được xem là huyền thoại của điện ảnh thế giới, một bộ phim phản chiến mạnh mẽ. Có lẽ vì thế mà hành trình quay phim không kém gian nan. Ban đầu nhà sản xuất dự kiến quay trong 6 tuần, thực tế phim kéo dài trong 16 tháng. Mặc dù bối cảnh phim diễn ra tại Việt Nam nhưng đoàn làm phim quay tại Philippines.
Tại đây họ phải chứng kiến phim trường nhiều lần bị bốc hơi theo các cơn bão. Hết thiên tai đến rắc rối từ các diễn viên khiến cả đoàn phim khốn đốn: Martin Sheen lên cơn đau tim, Dennis Hopper dính vào cocain, đạo diễn Francis Ford Coppola từng nói trải qua thời gian như sống trong địa ngục vì đổ quá nhiều tiền bạc, sụt hàng chục kg và nhiều lần có ý định tự tử.
Chưa kể, tài tử Marlon Brando khi đó đang ở đỉnh cao sự nghiệp quyết định không học thuộc lời thoại. Coppola cuối cùng phải tìm ra giải pháp-kiếm cho Marlon một chiếc tai nghe để nhắc thoại. May mắn là giải pháp này cũng yên ổn.
Không chỉ gặp sự cố tại địa điểm quay phim, Apocalypse now cũng lận đận không kém khi dựng phim: Đạo diễn Francis Ford Coppola mất tới ba năm để dựng phim bởi muốn có thêm đoạn thuyết minh thêm để làm rõ tâm lý nhân vật chính-đại úy Willard. Tuy nhiên lúc này Martin Sheen không thể tham gia, cuối cùng anh trai diễn viên là Joe Estevez được chọn vì có giọng nói gần giống nhất với Martin Sheen.
Bộ phim kinh điển này góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi của đạo diễn Coppola, trong đó tại LHP Cannes năm 1979 ông có phát ngôn ấn tượng: “Đây không phải là bộ phim về Việt Nam. Đây là Việt Nam”. Sau đó ông cũng có những lập ngôn như: “Sau Apocalypse now, tôi nhận ra mình không bao giờ còn là đạo diễn trẻ nữa”.
“Máy bay” suýt bị đâm trước khi bấm máy
Một trong những bộ phim hài hay nhất mọi thời đại Airplane thiếu chút nữa bị “hủy chuyến” trước giờ cất cánh. Đây là tác phẩm của bộ ba Jerry Zucker, David Zucker và Jim Abrahams. Họ gặp rắc rối lớn với Michael Eisner-ông chủ của hãng Paramount. Bộ ba đạo diễn này hồi ấy chưa nổi tiếng muốn một làm phim hài, một bộ phim châm biếm bộ phim không tiếng tăm khác.
Trong tâm trí họ, bộ phim phải diễn ra cùng thời điểm với bộ phim kia, theo đó loại máy bay xuất hiện có từ thời năm 1957. Tuy nhiên Michael Eisner từ chối. Ông ta chỉ muốn làm phim ở thời hiện tại (1980) với loại máy bay phản lực đương thời.
Gặp sự cố vì một con sâu là “tai nạn” nhớ đời của ê kíp The Shawshank Redemption |
Bộ ba đạo diễn bỏ đi và tìm cơ hội ở các hãng khác. Cuối cùng vẫn thất bại bởi chẳng nhà sản xuất nào chịu bỏ một xu bất kỳ cho những kẻ vô danh và một dự án bốc mùi. Cuối cùng anh em nhà Zucker và Jim Abrahams quyết định làm phim theo ý tưởng của Eisner. Họ có được cái kết có hậu, Airplane thực sự là phim hài ấn tượng.
Phim kể về Ted Striker bị cô bạn gái lâu năm Elaine Dickinson làm nữ tiếp viên đá. Anh mắc chứng sợ độ cao trong tai nạn thời chiến. Vì mong muốn níu kéo người yêu nên anh chấp nhận lên máy bay, không ngờ máy bay bị mất lái do phi hành đoàn bị ngộ độc và Ted không còn cách nào khác phải tìm cách để chiếc máy bay hạ cánh an toàn.
“Sòng bạc hoàng gia” suýt phá sản
Phần phim James Bond tệ nhất lịch sử-đó chính là Sòng bạc hoàng gia quay năm 1967. Cảnh đầu phim là cuộc đụng độ giữa hai diễn viên Orson Wells và Peter Sellers. Tuy nhiên do mâu thuẫn và tránh nhau như tránh tà nên hai người quay riêng từng phân đoạn dù đúng ra họ phải diễn cùng nhau. Orson lên án Peter Sellers khiến kinh phí phim đội lên khủng khiếp.
Bộ phim còn có những trục trặc khác như phải hủy bỏ cảnh phim tại khu đền Taj Mahal vì thiếu tiền, diễn viên chính bị căng thẳng không thể quay phim khiến cho bộ phim đứng bên bờ vực phá sản, may mắn cuối cùng Peter Sellers cũng hoàn thành vai diễn cho bộ phim. Tuy nhiên khán giả phải chờ tới năm 2006 để thưởng thức một phần phim đẳng cấp hơn hẳn do Daniel Craig thủ diễn.../.