Cả làng ráo riết truy tìm “hung thủ giết người” ở miền sơn cước Khánh Vĩnh

(PLO) - Những ngày vừa qua, người dân ở xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn chưa hết hoang mang trước việc một học sinh trung học bị lợn rừng hung hăng cắn chết tại chỗ, một người phụ nữ khác phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì nguyên nhân tương tự...
Bà Cảnh tại bệnh viện
Bà Cảnh tại bệnh viện
Án mạng hi hữu
Khi phóng viên Câu chuyện Pháp luật về địa phương, nhiều người dân cho hay, từ xưa đến nay đây là lần đầu tiên người dân bị lợn rừng tấn công. Trước đó, dù nhiều thợ săn kì cựu trong làng tổ chức đi bẫy thú cũng không dễ dàng gì phát hiện được lợn rừng. “Tôi cũng không ngờ rằng loài vật này lại dám vào sát nhà dân để tấn công họ. Trong những lần đi săn ở cánh rừng lân cận, hiếm lắm mới phát hiện được lợn rừng. Trong những ngày vừa qua, nhiều người cho rằng sở dĩ có lợn rừng xuất hiện ở thôn Hòn Lay là do bị một nhóm thợ săn người H’mông bao vây từ Đắk Lắk xuống, nhưng khi đến huyện Khánh Vĩnh thì mất dấu”, ông Trần Văn Tuấn (một thợ săn lâu năm) cho biết.
Ông Võ Phụng (56 tuổi, ngụ tại thôn Hòn Lay) vẫn chưa hết thất thần kể lại vụ việc mình may mắn thoát chết trong gang tấc với phóng viên. Theo đó, khoảng 16h ngày 15/11/2014, lúc ông đang chăn bò ở khu vực núi Hòn Lay thì bỗng nghe tiếng kêu thất thanh ở phía bìa rừng cách đó đó chừng 200m. Ông vội trèo lên cây cao ở gần đó quan sát thì hoảng hồn khi phát hiện một con lợn rừng lông màu đen, chừng hơn 1 tạ đang lao về phía mình. Mấy con bò của ông Phụng thấy vậy chạy tán loạn khiến lợn rừng sợ hãi chạy về phía núi mất hút. 
“Khi thấy con vật chạy ra xa, tôi xuống đất để đi tìm mấy con bò gom về chuồng thì phát hiện người em vợ của tôi là bà Trương Thị Cảnh đang nằm trên vũng máu với rất nhiều vết thương trên người. Lúc đó hoảng quá, tôi vội tri hô người dân ở gần đó đến giúp. Ngay sau đó, tôi bỏ đàn bò để cõng bà Cảnh về làng đưa đi cấp cứu. Lúc mọi người nghe tiếng kêu cứu chạy đến thì phát hiện thêm một học sinh nữa bị chết cách đó vài trăm mét, trên người vết thương tương tự”, ông Phụng thuật lại.
Để tìm hiểu thêm vụ việc, phóng viên đã tìm về gia đình nam sinh tử nạn do lợn rừng tấn công trước đó. Tiếp chúng tôi sau ngày làm tang cho đứa con trai xấu số, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết em Trần Văn Đại (14 tuổi) là đứa con trai đầu trong gia đình. Chiều 15/11 là ngày nghỉ nên Đại xin phép mẹ đi câu cá trong núi Hòn Lay, cách nhà khoảng chừng hơn 1km. Đến 16h cùng ngày mà chưa thấy con trai về nên bà Thanh bảo con gái út đi tìm anh trai về. Khi đứa em gái vừa chạy đến khu vực bìa rừng thì phát hiện nhiều người dân địa phương tập trung trước ao cá để vớt người anh trai dưới ao lên. 
Ông Phụng (cởi trần) và nhiều người vẫn chưa hết hoang mang khi kể lại vụ việc.
Ông Phụng (cởi trần) và nhiều người vẫn chưa hết hoang mang khi kể lại vụ việc. 
“Tôi cũng không biết sao nữa, nhưng nghe nhiều người nói lại thì khi phát hiện bà Cảnh bị lợn rừng tấn công thì ngay sau đó đứa con trai tôi cũng được tìm thấy ở gần đó trong tình trạng đuối nước. Khi vớt được lên bờ thì thằng Đại có nhiều vết thương trên người giống như bị ai đó đâm chém”, bà Thanh nói trong nước mắt.
Hoang mang truy tìm “hung thủ”
Khi phóng viên tìm về hiện trường vụ án cũng đúng lúc đoàn cán bộ điều tra Công an huyện Khánh Vĩnh tiến hành rà soát lại hiện trường xảy ra vụ việc. Một cán bộ điều tra cho biết, dựa theo dấu vết của hiện trường để lại cho thấy rất có thể nạn nhân Đại trong lúc đi đào giun đất để làm mồi câu cá thì bất ngờ bị lợn rừng tấn công. Sau khi bị thương, nạn nhân đã nhảy xuống ao để tìm cách thoát nạn, nhưng do vết thương quá hiểm nên Đại kiệt sức không thể bấu víu vào bờ để trèo lên. Tại nơi xảy ra án mạng, lực lượng chức năng phát hiện một đôi dép ở phía dưới ao, cách đó là một chiếc cần câu và chiếc mũ vải của nạn nhân.
Là người trực tiếp vớt em Đại từ dưới ao cá lên, ông Lưu Quang Liêm (SN 1968) kể lại sự việc, khi đó ông đang trên rẫy keo thì nghe có tiếng la hét ở phía ao cá nhà người hàng xóm, ông Liêm gọi thêm một vài người ở gần đó cùng chạy đến xem xét sự tình. “Lúc vừa đưa được cháu Đại lên bờ, chúng tôi cứ tưởng rằng nó đi câu cá bị ngã xuống ao tử nạn. Nhưng khi kiểm tra trên người thì phát hiện ở vùng đùi có một vết thương rộng và kéo dài lên đến hông, ở phần bụng có nhiều vết thương như bị ai đó dùng vật nhọn đâm vào. Hơn nữa, khi kiểm tra thi thể, chúng tôi khả nghi cháu không có biểu hiện chết vì uống quá nhiều nước. Thường người chết đuối nằm sấp, nhưng ở đây Đại nằm ngửa, dấu tay còn bấu víu vào mép cỏ ven bờ. Nghi ngờ nạn nhân chết bất thường nên tôi yêu cầu mọi người giữ nguyên hiện trường để trình báo sự việc lên chính quyền”, ông Liêm nhớ lại.
Theo như ông Phụng, nếu lúc đó ông không trực tiếp nhìn thấy lợn rừng to lớn hung hăng đi về phía mình thì cũng không thể biết được là người em vợ vì sao nên nỗi. Khi nghe tiếng kêu la của bà Cảnh, ông Phụng tìm đến hiện trường thì phát hiện dép và mũ của người em vợ bị hất văng tứ tung. Sau khi định thần lại, người đàn ông này nhìn thấy nhiều dấu vết của “hung thủ” là những dấu chân kéo dài từ phía bờ tre giáp với con suối đến chỗ nạn nhân bị tấn công khoảng chừng hơn 20m. “Trong khi đưa em vợ tôi đi bệnh viện thì tôi nghe tin có một nam sinh bị đuối nước trong tình trạng vô số vết thương. Khi đến xem xét thì thấy gần giống với những dấu vết mà em tôi bị phải, nên đoán chắc cháu Đại cũng bị lợn rừng tấn công”, ông Phụng đưa ra kết luận.
Về phần bà Trần Thị Cảnh, do được cứu chứa kịp thời nên đã qua khỏi cơn nguy kịch, đến chiều cùng ngày nạn nhân đã có thể kể lại sự việc xảy ra trước đó. Nạn nhân cho biết, khi đó bà đang ra núi phía sau nhà để phụ giúp ông Phụng gom bò về chuồng, nhưng khi vừa đi qua khỏi con suối thì bị một con lợn rừng lao từ trong bụi ra tấn công. Vì quá bất ngờ nên bà Cảnh không bỏ chạy được.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, không những người dân sống ở thôn Hòn Lay mà những địa phương lân cận cũng hoang mang không kém. Nhiều người thậm chí không dám bước ra khỏi nhà để đi làm nương rẫy một mình. “Người dân ở đây chủ yếu làm rừng làm rẫy mà nghe tin lợn cắn chết người thì không ai dám ra ngoài nữa. Bình thường tôi cùng với mấy người trong thôn đi lên núi Hòn Lay lấy củi, măng và chăn bò, nhưng từ khi xảy ra sự việc đến nay vợ chồng tôi gần như không dám ra ngoài”, một người dân địa phương cho biết.
Đến sáng ngày 17/11, ông Phụng tiếp tục nhìn thấy một con con lợn rừng xuất hiện ở đám bắp của nhà mình. Ông vội la lên để những thanh niên trong làng đến vây bắt, nhưng một lúc sau thì không còn nhìn thấy lợn nó đâu nữa. “Tôi tưởng nó (ý chỉ con lợn rừng-PV) đã sợ bỏ đi rồi, nhưng sáng nay khi mới vừa lùa đàn bò qua đoạn suối sau nhà thì thấy nó nấp trong bụi tre sát đám bắp nhà mình lao ra. Tôi vội leo lên cây keo gần đó và la lên cho mọi người chạy đến bắn, nhưng khi mọi người đến thì nó đã biến mất. Rất có khả năng con lợn rừng này vẫn ở đâu đây trong những đám mía, đám bắp ở gần suối”, ông Phụng nghi ngờ.
Trao đổi với phóng viên, bà Niê H’Ruôn (Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp) cho biết, ngay sau khi các nạn nhân bị lợn rừng tấn công dẫn đến thương vong, chính quyền địa phương đã đến động viên chia buồn. Lực lượng thanh niên ở xã đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm để bắt con lợn rừng nhưng vẫn chưa bắt được. Sắp tới, chúng tôi sẽ có phối hợp cùng Công an huyện Khánh Vĩnh có phương án giải quyết về vấn đề này để ổn định lại đời sống của người dân. “Rất có thể phương án tiêu diệt con lợn này sẽ được chúng tôi kiến nghị lên cấp trên”, bà H’Ruôn nói.

Đọc thêm