Nét buồn của người phụ nữ xã Phố. |
Nỗi buồn từ tuổi măng tơ
Tôi gặp em tại ngôi trường tiểu học nằm nép mình bên rặng núi đá hùng vĩ bao quanh xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn. Chỉ là một cô bé 8 tuổi nhưng em rất đẹp, đẹp hơn hẳn những bé gái người Mông mà tôi thường gặp trên những chặng đường công tác ở vùng cao. Nhưng ẩn chứa trong đôi mắt hai mí đen to, thăm thẳm ấy của em, tôi chỉ nhìn thấy nỗi buồn. Một nỗi buồn quá lớn và đến quá sớm nên dường như quá sức chịu đựng trong tâm hồn em, trong con người em, để phải trào dâng qua ánh mắt. Em tên là Giàng Thị Mỷ, 11 tuổi.
Đôi mắt thăm thẳm buồn của Mỷ kể với tôi rằng em là một đứa trẻ mồ côi. Cha em vì mưu sinh đã lưu lạc sang xứ người làm việc để rồi vĩnh viễn nằm lại vì tai nạn lao động. Mẹ em, để nuôi 4 người con nheo nhóc, cũng tìm đường đi làm thuê ở nước bạn và đã lâu nay bặt vô âm tín. Người đoán mẹ em sang đất lạ lấy chồng, kẻ lại bảo mẹ em đi làm xa quá nên quên mất đường về… Chỉ biết rằng còn lại em và hai đứa em trai bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình.
Chị em Giàng Thị Mỷ được gia đình người chú ruột đón về nuôi. Tuy nhiên, gia đình chú cũng có tới 3 người con, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Một đứa em trai của em đã được cho đi làm con nuôi. Có người thân, có mái ấm, có bạn bè… nhưng nỗi buồn đã nào vơi trong mắt em.
Ở ngôi trường tiểu học xã Phố Cáo và nhiều ngôi trường trên vùng cao nguyên đá này, có không ít những bé gái đã và đang phải gánh chịu nỗi buồn từ tuổi măng tơ vắng cha, vắng mẹ như Giàng Thị Mỷ. Cuộc sống khó khăn với bao nỗi hiểm nguy rình rập đã cướp đi người cha của các em. Còn người mẹ, theo luật tục, một khi đã là bà góa thì trở thành vô hình vô ảnh trong dòng họ. Ngay những đứa con rứt ruột đẻ ra họ cũng không có quyền mang theo để đến với cuộc sống mới, miền đất mới. Và vì thế, nỗi buồn dường như là một ám ảnh, một định mệnh theo suốt cả cuộc đời dài của người phụ nữ Mông.
Phận đá, phận người
Dọc con đường mang tên Hạnh Phúc (quốc lộ 4C) từ thành phố Hà Giang qua Yên Minh lên Đồng Văn, Mèo Vạc, bên cạnh khung cảnh hùng vĩ, điệp trùng của núi non là nét đẹp mộc mạc, thanh bình của những ngôi nhà trình tường trên cao nguyên đá với vòng hàng rào đá vây quanh. Những viên đá nhọn hoắt, muôn hình vạn trạng xếp chồng lên nhau, lèn lên nhau khít đều chằn chặn, tạo nên bức tường kiên cố, vững chãi để che những ngôi nhà.
Tưởng như vô tri, vô giác nhưng hàng rào đá nơi mảnh đất cao nguyên này đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về số phận những người mẹ, người vợ, những bé gái. Để giờ đây chúng thì thầm kể lại cho tôi nghe chuyện về phận đá, phận người…
Rằng theo phong tục của người Mông, thân phận người phụ nữ không được coi trọng nên những chuyện lớn như xây nhà, làm hàng rào họ không được phép tham gia. Dù rằng, hàng trăm, hàng nghìn viên đá nhỏ, to để ghép hàng rào kia đều có hơi ấm bàn tay, tấm lưng phụ nữ đã nhặt và gùi chúng về, thậm chí có cả giọt máu ngấm trên thớ đá tai mèo sắc nhọn cứa vào đôi bàn tay chai sạn vần từng viên đá…
Rằng phụ nữ người Mông phải chịu kiếp sống phụ thuộc vào người chồng. Như những bước chân lầm lũi của họ đi sau đuôi ngựa băng đèo, vượt suối cùng chồng xuống chợ phiên. Như những nét mặt nhẫn nhịn, cam chịu của họ nơi góc chợ, nơi lề đường đợi chồng tỉnh giấc sau cơn say rượu ngô, thắng cố. Như những cái tát hằn đỏ da thịt khi họ ngỏ lời xin chồng chút tiền mua vật dụng tối thiểu cho chuyện phụ nữ hàng tháng…
Rằng phụ nữ Mông không cần biết cái chữ, không cần đi học. Những tiếng gầm to như sấm của người cha, những cái cúi đầu nhẫn nhịn của người mẹ đã cản con đường đến trường, đến với cái chữ, với tri thức của biết bao bé gái…
Hàng rào đá trước một ngôi nhà ở Hà Giang. |
Thân gái trốn nhà đi tìm cái chữ
Đó là câu chuyện của chị Vàng Thị Cầu – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn, Hà Giang. Cho đến giờ chị vẫn không quên được ánh mắt vằn đỏ, tiếng quát của bố khi chị bày tỏ ý định muốn đi học. Ngày ngày đối mặt với sự ngăn cản của bố, sự nhẫn nhịn của mẹ, nhưng khát vọng đi học của chị chưa khi nào nguôi ngoai.
“Ngày ấy, thấy con gái lớn, nhiều gia đình đến dạm hỏi lắm. Nhưng tôi trốn hết vì chỉ thích đi học. Là chị cả của 7 đứa em, ngày ngày cõng em đứng ngóng ngoài cổng cứ thấy đứa bạn nào đi học qua là nịnh chúng nó dạy cho vài cái chữ” – chị Cầu nhớ lại. Năm 17 tuổi, chị quyết định trốn nhà đi tìm chữ.
“Hôm đó bố tôi nói sẽ đi Yên Minh đến tối mới về. Bố ra khỏi nhà một lúc là tôi vơ lấy túi quần áo để đi. Mẹ tôi hỏi: “Mày đi đâu?”. “Tôi nói con đi học, mẹ đừng cản con. Mẹ nhìn tôi một lúc rồi im lặng quay vào nhà”. Chị Cầu đi bộ mất một ngày đường, vượt ba chục cây số đến trung tâm huyện để tìm trường học. Cứ thế, chị Cầu kiên cường bám trường, bám lớp. Mười bảy tuổi mới bắt đầu học i tờ, nhưng vì khát khao đi học nên kiến thức đối với chị như dòng nước mát ngấm vào mạch đất khô cằn, học đâu biết đấy. Sau hai tháng thấy con gái quyết không quay về nhà, bố chị gửi lời nhắn tới chị rằng nếu thích đi học quá thì cứ đi, ông không cấm nữa.
Chị Vàng Thị Cầu đã có một thời gian rất dài ngày học, đêm học, thậm chí vượt hàng trăm cây số để đi học. Ai đã đi trên con đường dài thăm thẳm quanh co đèo núi của cao nguyên đá Đồng Văn mới hiểu quyết tâm học đến cùng của người phụ nữ Mông này. 17 tuổi mới bắt đầu vào lớp 1, vậy mà bây giờ ở tuổi 40 chị đã sắp hoàn thành tấm bằng đại học thứ hai cùng một loạt các chứng chỉ về ngoại ngữ và công tác cộng đồng khác.
Giống như chị Vàng Thị Cầu, chị Ly Thị Kía (sinh năm 1981) – Phó Chủ tịch UBND xã Sà Phìn tháng 4 năm nay vừa nhận tấm bằng Đại học tại chức kinh tế. Để có ngày hôm nay nhận tấm bằng đại học, chị Kía đã phải mang tiếng là đứa con bất hiếu cãi lời cha mẹ.
“Bố mẹ cổ hủ lắm, không cho con gái đi học đâu. Bố mẹ bảo con gái lớn là đi tìm chồng thôi chứ không cần đi học. Vì con gái là con người ta nên có đi học nên người thì cũng là người của nhà người ta, đi học làm gì cho phí. Bố mẹ nói thế nhưng tôi vẫn quyết đi học. Tôi bảo với mẹ: “Mẹ ơi, không cho nhưng con vẫn phải đi. Con muốn biết cái chữ, con muốn cuộc đời con phải sống khác cuộc đời mẹ. Không thể cứ lầm lũi mãi thế này được”.
Chồng chị Kía mặc dù cũng công tác ở chính quyền, là Phó Chủ tịch UBND xã Phố Cáo, nhưng anh vẫn còn nếp nghĩ của đàn ông người Mông, tuyệt đối không đỡ đần gì vợ. Suốt từ năm 2009 đến nay, chị Kía luôn phải gồng mình nỗ lực với công việc ở xã, rồi việc nhà để thu xếp thời gian đi học.
“Phụ nữ Mông thiệt thòi rất nhiều. Làm gì thì làm, chứ khi đã về đến nhà là việc nhà đến tay mình hết. Chồng hoặc ôm con xem tivi, hoặc mời khách đến nhà uống rượu cà kê. Con nhỏ đi mẫu giáo chồng cũng chẳng đón hộ, mình bận việc xã, con phải đeo chìa khóa ở cổ tự về mở cửa đợi mẹ. Tối về nhà tối mắt giặt giũ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, khi chồng con đã đi ngủ hết thì mình lại chong đèn học bài” – chị Kía cho biết.
Những đường may số phận
Tuy không đuổi theo cái chữ như chị Vàng Thị Cầu, Ly Thị Kía, bà Thò Thị Cho ở thôn Tráng Phúng A, xã Phố Cáo lại có cách khác để giúp những người phụ nữ Mông thoát khỏi số kiếp câm lặng, lầm lũi như những phiến đá nơi hàng rào.
Tuy rằng biết dệt vải, nhuộm màu, thêu thùa nhưng xưa kia người Mông ít khi tự may cho mình đủ bộ trang phục váy áo thường ngày. Người Mông thường phải đợi đến phiên chợ để mua lại quần áo do người dân tộc khác may. Cầm bộ quần áo trên tay, bà Thò Thị Cho tự đặt câu hỏi: “Tại sao họ làm được mà mình thì không? Tại sao mình không dám thử?”. Nghĩ là làm, bà Cho vét hết của nả trong nhà để sắm máy khâu và mấy bộ quần áo mẫu. Mấy ngày liền bà Cho lần tháo từng đường chỉ để tập ráp may lại, rồi lại tháo ra ướm vào giấy, vào vải tập cắt… Cứ thế, làm đi làm lại cho đến khi thạo thì thôi và từ đó hiệu may của bà Thò Thị Cho ra đời.
Đến nay, cả nhà bà Cho đều đã bỏ chăn nuôi, trồng cấy để theo nghề may. Cứ hai tiếng một bộ quần áo, một ngày nhà bà Cho may được 10 bộ. Một tháng 8 phiên chợ, bà Tho thu nhập khoảng 16 triệu đồng tiền lãi. Người con rể Thào Mý Vàng 22 tuổi, hơn một năm làm rể đã được mẹ vợ dạy cho may thành thạo. Một năm, hai vợ chồng Vàng cũng để dành được khoảng 6-7 chục triệu.
Bà Cho không giấu nghề. Bà dạy may cho cả xã. Vì “phụ nữ người Mông mình không có nghề khổ lắm, phải phụ thuộc vào chồng như phận cây cỏ. Tôi dạy nghề cho con gái mình, cho chị em trong thôn, trong xã để mọi người có cái nghề, có tiền đỡ khổ, đỡ phụ thuộc” – bà Cho tâm niệm.
… Rời cao nguyên Đồng Văn, chia tay những bé gái, những phụ nữ Mông sặc sỡ váy áo như vạt hoa tam giác mạch trắng tím hồng trên thửa ruộng bậc thang, tôi những mong rằng lần sau quay lại nơi đây, tôi sẽ được gặp thật nhiều những chị Cầu, chị Kía, bà Cho... để được thấy rằng những phiến đá nơi hàng rào kia đã thoát khỏi cuộc đời câm lặng, lầm lũi, mà ca lên khúc hoan ca của riêng mình – khúc ca của những bóng hồng bên hàng rào đá.