“Cá mập” ung dung hưởng lợi.

Doanh nhân & Pháp luật số 47 ra ngày 20/4/2010.

          Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã một phen ngỡ ngàng khi được biết, nhiều nhà đầu tư lớn trên thị trường đã “mua” được bản thông tin tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK). Nguồn tin vốn được coi là bí mật doanh nghiệp (DN) này bỗng trở thành “bản tin công cộng”, mang lại nguồn lợi kếch sù cho một số nhà đầu tư được gọi là “cá mập”.  

“Cá mập” ung dung hưởng lợi, nhà đầu tư nhỏ lẻ bị bao vây

          Trước thông tin nhiều “cá mập” thu lãi lớn từ việc nắm được thông tin tự doanh của các CTCK, nhiều nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán đã bày tỏ thái độ bất bình.

Chị Thu Ngà, một NĐT tại Hà Nội bức xức cho biết: sự thiếu minh bạch trên thị trường hiện đang tạo ra khe hở cho “cá mập” ung dung trục lợi còn các NĐT nhỏ lẻ chịu thiệt hại nặng nề.

Theo anh N.N.T.N một nhân viên kiểm soát ở một Công ty chứng khoán, nhà đầu tư hiện đang kinh doanh theo hai hướng, một là đầu tư theo giá trị cổ phiếu, hai là theo thị trường. Tuy nhiên hiện tại do thị trường còn nhiều bất ổn, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kiến thức, thiếu thông tin nên đầu tư theo giá trị cổ phiếu vẫn an toàn hơn.

Vấn đề đặt ra trước việc rò rỉ thông tin danh mục tự doanh của các Cty chứng khoán là, để đầu tư khôn ngoan và tránh bị thiệt, nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tập trung vào các cổ phiếu tốt. Muốn vậy, phải nắm được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty đó, chứ chỉ dựa vào sóng trên thị trường thì không thể nào theo kịp các đại gia.

Bởi có một thực tế là không bao giờ nhà đầu tư nhỏ lẻ “mua được đáy, bán được đỉnh” mà đó chỉ là những chiêu thức ảo trên thị trường. Một nhà đầu tư cá mập đã từng tiết lộ rằng, tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ thường phấn khích khi thấy dấu hiệu dư mua, họ thường nghĩ hẳn có thông tin gì đó tốt, thế là cũng đua theo.

Thực sự, khi câu được con mồi cần thiết, hay nói cách khác là khi đã xả hết hàng, các lệnh dư mua lập tức bị cancel, các con cá mập chạy thoát, chỉ còn lại những con cá bé. Đó là chưa kể chiêu thức đánh lừa nhà đầu tư trên sàn theo kiểu mua tay phải, bán tay trái, đăng ký mua công khai, chào bán cổ phiếu âm thầm lặng lẽ ...

Ngoài ra, cùng với bản tự doanh của các Cty chứng khoán, cùng với những chiêu thức ảo, còn là sự hỗ trợ biến tướng của các Cty chứng khoán như cho bán chứng khoán trước khi về tài khoản của các khách VIP làm cho quyền lợi giữa các nhà đầu tư bị mất cân bằng, dễ dẫn đến bất ổn thị trường, mặc cho các đại gia thao túng. Điều này, đã gây bất bình cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ bị lép vế trước dòng tiền, trước quyền đặc ân quá lớn mà các Cty chứng khoán dành cho các đại gia.

Thực tiễn cho thấy trong thời gian qua, ít có cổ phiếu nào lên trần liên tiếp 3 phiên, mà chỉ tối đa 2 phiên. Và như vậy, với qui trình T+2, nhà đầu tư cá mập đã đủ kiếm lời, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì chờ… cắt lỗ. 

Thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 3.2010, TTCK đã diễn ra 5 đợt “sóng” lớn. Nếu mỗi đợt sóng mang lại mức tăng trung bình 5% - 7% thì trong tháng 3, những “cá mập” nắm được thông tin tự doanh của các CTCK đã thu được khoảng 30% một khoản lợi nhuận không nhỏ trong thời gian ngắn.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, chứng khoán, toàn bộ thông tin thị trường có được từ bản tự doanh của các CTCK sẽ giúp các “cá mập vốn dầy dạn kinh nghiệm và dồi dào nguồn vốn dễ dàng đoán được xu hướng thị trường và lướt sóng trục lợi. Vụ lộ thông tin không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các CTCK mà còn gây mất bình đẳng cho các NĐT làm ăn đúng đắn.

Khuyến cáo cho các nhà đầu tư nhỏ trong thời gian này không gì hơn là đừng “lướt” khi sóng yếu, và hãy coi chừng bị sóng “vùi”, nhất là trong thời buổi thị trường mà ưu ái chỉ dành riêng cho những con cá mập.

Trở lại vấn đề thông tin bị rò rỉ, trao đổi với DN&PL, một cán bộ chuyên phụ trách công nghệ thông tin và bảo mật tại CTCK cho biết, thông tin tự doanh trong phạm vi doanh nghiệp hiện có 4 đầu mối nắm giữ gồm: Phòng môi giới chứng khoán, Phòng lưu ký, phòng kế toán và bộ phận công nghệ thông tin. Hầu hết các DN đều có ý thức bảo mật kỹ càng thông tin này nên việc bị rò rỉ không nhiều.

Tuy nhiên, ngoài DN, nhiều cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng nắm được toàn bộ thông tin này. Vì vậy, không loại trừ khả năng việc rò rỉ thông tin phát sinh từ bất cứ những khâu nào nêu trên. Điều đó cho thấy ít nhiều sự yếu kém trong công tác quản lý điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước. Và câu hỏi được đặt ra là làm thế nào, làm sao, để mọi nhà đầu tư đều bình đẳng trên sàn?

Phạt tù nếu mua bán chứng khoán bằng thông tin nội bộ

          Việc sử dụng thông tin nội bộ để thu lợi bất chính trên thị trường chứng khoán là hành vi phạm tội phổ biến trên TTCK. Trên thế giới, nhiều vụ việc trục lợi trị giá hàng chục triệu USD đã bị phát giác.

Cuối năm 2009, thị trường chứng khoán Mỹ đã rúng động khi Giám đốc quỹ đầu cơ Galleon Group - Raj Rajaratnam và 5 người khác bị FBI còng tay vì tội tham gia vào một vụ giao dịch nội gián. Tại Trung Quốc, có trường hợp giao dịch bằng thông tin nội bộ đã bị phạt tù từ 10 - 20 năm.

          Theo các chuyên gia tài chính, muốn điều tra các hành vi "làm giá" cổ phiếu không quá khó khăn. Bởi cơ quan chức năng có thể kiểm tra những tài khoản giao dịch mua hay bán một lượng lớn cổ phiếu trong thời gian ngắn và thường chỉ tập trung vào một mã chứng khoán, là sẽ biết được mục đích của giao dịch này. Đặc biệt cần kiểm tra kỹ tên người được ủy quyền giao dịch có mối liên quan thế nào đến các cổ đông nội bộ tại công ty niêm yết.

Bên cạnh đó, mức phạt phải khá cao, thậm chí tịch thu toàn bộ số tiền hưởng lợi từ giao dịch nội gián này mới đủ sức răn đe.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chế tài đủ mạnh với các hành vi gian lận, thao túng thị trường, đặc biệt không chỉ riêng các đại gia cá mập mà còn đối với các Cty chứng khoán nhằm tạo công bằng cho tất cả nhà đầu tư.

 Điều 181b của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2010ghi rõ: Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hoặc phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. .

Đọc thêm