Cà Mau đề xuất 3 vấn đề “giữ đất, giữ nước, giữ người” trong phát triền bền vững ĐBSCL

(PLVN) - Tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH sáng 13/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân bày tỏ đồng tình rất cao với quan điểm, chủ trương nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách mang tính đột phá, với tinh thần: “giữ đất, giữ nước, giữ người” của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, "Ba vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh, cũng là ba thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển: giữ đất, giữ nước, giữ người. Đây là ba vấn đề rất lớn và quan trọng cả nghĩa đen và nghĩa bóng".

Theo ông Lê Quân, với Cà Mau, hiểu đơn giản, giữ đất, là phòng chống sạt lở, không để mất đất ven sông, ven biển; giữ nước, là quản lý có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; giữ người, là bảo vệ tính mạng, sự sống và phát triển của con người, hạn chế tình trạng di dân, dịch chuyển lao động đi nơi khác. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu thảo luận tại Hội nghị.
 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Với nhận thức và thực tiễn của Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân đề xuất 03 vấn đề "giữ đất, giữ nước, giữ người" tại Hội nghị

Một là, về vấn đề giữ đất

Giữ đất của Cà Mau đồng nghĩa với giữ rừng. Với nước biển dâng và BĐKH, do lượng phù sa giảm mạnh, rừng ven biển của Cà Mau bị giảm nhanh chóng. Trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển. Hình ảnh “đất biết sinh, rừng biết đi”.

Đặc biệt thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực của Cà Mau, trong hơn 10 năm qua tỉnh đã xây dựng được hơn 50km kè bảo vệ bờ biển. Kết quả đạt được khá tốt, nhưng so với yêu cầu thì còn thiếu hụt rất xa, chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, chỉ mới bảo vệ được 20% chiều dài bờ.

Để giữ đất, Cà Mau phải tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm”, phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn. Ví dụ, dự án điện gió góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển. 

Hai là, về vấn đề giữ nước

Cà Mau là tỉnh ven biển, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất chủ yếu từ nước trời, nếu có giải pháp quản lý tốt nguồn nước trời, có biện pháp sử dụng nước tiết kiệm thì nguồn nước trời đủ đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, do chưa có giải pháp hợp lý nên tình trạng thừa nước ngọt, gây ngập úng trong mùa mưa và tình trạng thiếu nước ngọt, gây sụp lún trong mùa khô diễn ra ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, do thiếu giải pháp công trình nên tình trạng triều cường gây ngập úng các khu đô thị, khu dân cư, gây thiệt hại đến sản xuất ngày càng nghiêm trọng. 

Ba là, vấn đề giữ dân

Cà Mau triển khai đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng việc làm, an sinh xã hội, cần chủ động thích ứng với hiện tượng di dân. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tăng cường phân luồng và đào tạo nghề cần được ưu tiên hơn nữa.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin… giúp doanh nghiệp phát triển nhằm tạo việc làm tại chỗ và giữ dân. 

Rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng/TTXVN)
 Rừng ngập mặn Mũi Cà Mau (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng/TTXVN)

Từ thực trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân xin kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các địa phương như tỉnh Cà Mau.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp (ví dụ như: diện tích rừng phòng hộ đã bị sạt lở, không còn rừng nhưng vẫn phải thực hiện các qui định quản lý đất, quản lý rừng phòng hộ, khó triển khai các dự án đầu tư),…

Đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho tỉnh thực hiện Dự án thí điểm mô hình tái cơ cấu, bố trí lại sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời thích ứng với biến đổi khí hậu,… Đồng thời để điều tiết nước mặn - lợ phục vụ cho sản xuất và phòng chống triều cường, nước biển dâng;

Sớm đánh giá hiệu quả của dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; qua đó nghiên cứu đầu tư xây dựng cống điều tiết nước kết hợp với cầu giao thông ở các cửa biển lớn như Gành Hào, Sông Đốc (hiện nay đã có chủ trương quyết định đầu tư, tỉnh Cà Mau đang triển khai dự án xây dựng cầu Sông Đốc và Gành Hào). 

Cùng với đó, Cà Mau kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, sớm hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ (đường cao tốc, đường ven biển, sân bay, cảng biển...) để thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế - xã hội. Đặt biệt, Chính phủ sớm cho chủ trương tách một phần diện tích Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để đầu tư phát triển du lịch và ổn định dân cư../.

Đọc thêm