Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào "cứu" đường khỏi sụp lún

(PLVN) - Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau đang chịu thiệt hại tứ bề do hạn hán, xâm nhập mặn, sụp lún, sạt lở, thiếu nước ngọt.

 


Cảnh báo đoạn đường bị sụp lún
Cảnh báo đoạn đường bị sụp lún

Hàng nghìn ha lúc bị "triệt hạ" do hạn hán

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại từ 30 đến 70% là hơn 5.500 ha, thiệt hại trên 70% hơn 12.500 ha; phân theo trà lúa, lúa- tôm hơn 15.900 ha, trà lúa đông- xuân hơn 2.100 ha, lúa mùa hơn 100 ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
 Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh đó, mực nước trên các hệ thống kênh, rạch trong các tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp và đang tiếp tục giảm.

Cụ thể: Hệ thống kênh trục từ 0.9 - 1.4m, kênh cấp I mực nước từ 0.5 – 0.7m, trong đó có một số kênh đã khô cạn; kênh cấp II, cấp III hầu hết đã khô cạn (mực nước trung bình nhiều năm từ 1.1 – 1.3m); khu vực rừng tràm U Minh Hạ mực nước hiện nay từ 2.0 – 2.15m (mực nước trung bình nhiều năm trên 3.0m).

Mực nước hiện nay trên các hệ thống kênh mương đã xuống rất thấp, trữ lượng sụt giảm từ 50 – 70% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định, nếu hạn hán kéo dài xảy ra thường xuyên thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng cho các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng là rất cao.

Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, tỉnh cần có đề tài nghiên cứu khoa học để kiểm chứng cụ thể.

Tìm giải pháp trước mắt giảm thiểu thiệt hại về kinh tế của tỉnh

Ông Lê Văn Sử cho biết thêm, dự báo mùa khô năm 2020 có thể kéo dài đến tháng 5 - 6. Tình hình sụt lún, sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả.

Nên trong khi chờ đợi nghiên cứu khoa học thực hiện biện pháp lâu dài, trước mắt phải có biện pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế của tỉnh.

Tình hình hạn, mặn kéo dài gây ra nhiều thiệt hại cho nông dân tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
 Tình hình hạn, mặn kéo dài gây ra nhiều thiệt hại cho nông dân tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Hiện các cơ quan tham mưu của tỉnh đề xuất là đưa vào hệ thống sông rạch một lượng nước mặn cần thiết để tạo phản áp lên bờ kênh, khắc phục sụp lún, sạt lở.

Tại xã Khánh Hải đã có một lượng nước mặn vào kênh, nguyên nhân do sự cố xói đáy cống Trùm Thuật Nam xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), đã đắp đập tạm thay cống, hiện tượng sụp lún, sạt lở không xảy ra như các khu vực khác.

Địa phương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn 07 xã của huyện Trần Văn Thời, có gần 82% (86/105) số hộ dân đồng ý với giải pháp này. 

Ngoài ra, trong khi chờ đợi kết luận về giải pháp trên, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã đề xuất: Nếu giải pháp trên không được thực hiện thì phải xử lý cục bộ đối với các công trình lớn (các đường trục, đê Biển Tây).

Cụ thể, các cơ quan chức năng cần cô lập, dẫn dòng, đưa nước mặn vào các đoạn kênh liên quan đến công trình hoặc sang lấp cát, đất nâng cao trình đáy các đoạn sông, rạch, tạo phản áp chống sụp lún, sạt lở.

Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Trần Tân Văn nhận định: Qua ghi nhận cho thấy, trong mùa khô, đường giao thông cạnh các bờ kênh, rạch xảy ra sạt lở là do nguồn nước ở các kênh, rạch này khô hạn, không còn giữ được chân đường.

Do đó,"việc bù nước mặn vào để giảm áp lực là một giải pháp hợp lý nhưng cần cân nhắc kỹ" - ông Trần Tân Văn đề nghị.

Ngành chức năng kiểm tra vị trí sụp lún, sạt lở tại xã Khánh Bình Tây (huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào ngày 24/02.
 Ngành chức năng kiểm tra vị trí sụp lún, sạt lở tại xã Khánh Bình Tây (huyện Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào ngày 24/02.

Đặc biêt, bên cạnh việc chống nước xâm nhập mặn vào nội đồng thì vấn đề cấp ngọt, điều tiết, sử dụng nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất đang được các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau quan tâm ưu tiên hàng đầu. 

Để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho người dân trên địa bàn như ở giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất việc nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ Sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng Bán đảo Cà Mau hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa quy mô lớn ở vùng ngọt (huyện U Minh, Cà Mau). 

Đọc thêm