Cà Mau: Nông dân giàu nhờ “chuẩn VietGAP”

(PLO) - Trên tinh thần không ngừng học hỏi, tìm hiểu và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, trong nhiều năm qua ngành nông nghiệp Cà Mau đạt được những tín hiệu đáng mừng. Điển hình là nhiều mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP.
Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt sản lượng cao hơn 15% - 20%

Tăng cường hỗ trợ người dân nuôi tôm theo chuẩn VietGAP 

Điều mong mỏi lớn nhất của ngành Nông nghiệp và đông đảo nông dân ở các địa phương là làm thế nào để sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp bà con có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Nhận thức được điều đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. 

Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả như: Mô hình tôm – lúa kết hợp, mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP… Điển hình là mô hình tôm-lúa. Tận dụng đất nuôi tôm trong thời giao mùa, nông dân ở TP Cà Mau đã thí điểm mô hình lúa - tôm vào mùa nước lợ. Kết quả ban đầu cho thấy tính khả thi cao, năng suất lúa bình quân 5 tấn/ha. Bên cạnh đó, còn thu được khoảng 45 triệu/ha từ tôm thương phẩm. Mô hình này đang được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng trên địa bàn.

Gần đây, mô hình sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt được chú trọng. Theo thống kê sơ bộ, Cà Mau có 168 ha đất trồng đạt chuẩn VietGAP. Trong đó, lúa chiếm khoảng 120ha. Để đạt được kết quả đó là do nông dân đồng loạt áp dụng phương pháp, quy trình theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Song đó, tỉnh cũng đã triển khai mô hình sản xuất Cánh đồng mẫu lớn (lồng ghép các tiến bộ kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng theo chuẩn VietGAP) và xây dựng vùng canh tác lúa hữu cơ đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu.

Nuôi trồng thủy sản là ngành trọng điểm đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh. Trong đó nuôi tôm chiếm tỉ trọng cao. Tuy nhiên, gần đây lại có xu hướng suy giảm. Nguyên nhân được xác định là do yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề trên, Cà Mau đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sinh thái chất lượng cao, tôm sạch để nâng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng mở rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp tăng thu nhập cho bà con nông dân

Nhiều hộ nông dân đã áp dụng mô hình trên và mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể. Tại xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) có 21ha của 34 hộ thực hiện mô hình trồng dưa hấu theo chuẩn VietGAP đã thu lợi bình quân 200 triệu đồng/ha, cao hơn 40% so với cách sản xuất thông thường. Theo cách truyền thống, dưa hấu cho chất lượng cao nhưng giá thành thấp. Áp dụng mô hình này giúp nâng cao sản lượng và giúp sản phẩm đạt thương hiệu riêng nên bán ra thị trường với giá thành cao hơn. Nông trại Viễn Phú (xã Khánh An, huyện U Minh), đã xây dựng thành công vùng canh tác 317 ha lúa hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu.

Với những hiệu quả trên, ngành nông nghiệp địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển hướng trồng trọt lúa và hoa màu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm xây dựng thương hiệu lúa gạo, nông sản được thị trường tiêu thụ mạnh, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, hiện nay sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, hiện đại. Tuy nhiên, khi áp dụng phải tính toán, quy hoạch hợp lý, khoa học theo địa lý, khí hậu và tập quán sản xuất của từng vùng. “Cà Mau có lợi thế về thủy sản, đặc biệt là con tôm nên việc ứng dụng khoa học vào sản xuất tôm là mục tiêu hàng đầu của tỉnh. Qua đó góp phần khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của tôm Việt trên thị trường quốc tế”, ông Bằng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề sản xuất nông nghiệp cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền vận động cho các tổ chức doanh nghiệp mạnh dạn tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân kinh phí thuê tư vấn, chứng nhận VietGAP lần đầu, tái chứng nhận một số nông sản chủ lực (lúa, rau màu, cây ăn trái...) nhằm khuyến khích phát triển VietGAP.

Đọc thêm