Theo kết quả công bố chỉ số PAPI ở Việt Nam năm 2020, trên cơ sở đánh giá, chấm điểm các nội dung, và thực hiện phân nhóm giữa các tỉnh, thành phố theo bốn nhóm: tỉnh Cà Mau được xếp trong nhóm 2 (nhóm trung bình cao), xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (năm 2019, tỉnh Cà Mau thuộc nhóm trung bình thấp).
Chỉ số PAPI dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm thông qua các nội dung được quy định.
Năm 2020, Chỉ số PAPI phản ánh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trên các lĩnh vực: Tham gia người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ban hành quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung cấp dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục); Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
|
Người dân, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước tỉnh Cà Mau. |
Để cải thiện và nâng cao thứ hạng chỉ số PAPI hàng năm, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với hành động quyết liệt nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ. Ngoài việc phát huy những kết quả đạt được, đã chú trọng vào những nội dung mà có điểm số thấp nhằm nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, cũng như các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, lựa chọn các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát các nội dung đạt điểm thấp để nâng cao vị trí xếp hạng.
Nhiệm vụ được chú trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đưa các thông tin quản lý, điều hành của chính quyền đến tận cơ sở, qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với các nội dung như: Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; trong đó, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên thực tế, người dân được tiếp cận thông tin thông qua sự công khai, minh bạch của chính quyền. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động của chính quyền cơ sở, đây vừa là yêu cầu theo luật định, vừa là giải pháp hữu hiệu để tuyên truyền về các hoạt động của cơ quan nhà nước.
|
Biểu đồ chỉ số thành phần xếp hạng chỉ số PAPI năm 2020 của tỉnh Cà Mau. |
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình, cách làm mới đã được nghiên cứu và đưa vào triển khai trên thực tế như: thành lập Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh; triển khai thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung; thực hiện tiếp nhận TTHC không theo địa giới hành chính “còn gọi là mô hình phi địa giới hành chính”, giải quyết TTHC theo mô hình “4 tại chỗ”, mô hình giải quyết TTHC theo hình thức đặt lịch, hẹn giờ; ứng dụng Zalo trong trong giải quyết thủ tục hành chính... nhằm tạo sự đột phá trong thực hiện CCHC của tỉnh, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Thánh: Trong thời gian tới, thực hiện theo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đặc biệt, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ của Bộ phận Một cửa các cấp…/.