[links()]Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm nay khai mạc trong bối cảnh "gã khổng lồ" Starbucks đã đặt chân đến Việt Nam. Áp lực cạnh tranh vừa thúc đẩy thị trường nhưng cũng vừa đặt thị trường trước nguy cơ thôn tính.
|
Chương trình khai mạc lễ hội có nhiều tiết mục đặc sắc. |
Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến: Hướng đến phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam, hôm qua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Cty Cổ phần Trung Nguyên – chia sẻ: “Đứng dưới góc độ chiến lược nếu DN của chúng ta chỉ ở quy mô nhỏ và vừa mà “đánh” với những DN đa quốc gia, hùng mạnh, với đầu vào tài chính như vậy, thì làm sao chúng ta thắng được nếu chúng ta không thiết kế được cuộc chơi của mình (đương nhiên chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định của WTO).
Trong cuộc chơi của cà phê Việt Nam không thể không có những DN nước ngoài nhưng nếu chúng ta không hợp tác mà dần dần để họ kiểm soát được từ phần gốc đến phần ngọn thì trong tương lai họ sẽ kiểm soát toàn bộ cuộc chơi. Vì vậy, vấn đề là chúng ta thiết kế chơi trong đoạn nào, ở đâu, và với một ngành cà phê mang lại nhiều tỷ USD thì người Việt mình, DN Việt được hưởng lợi bao nhiêu” .
Theo vị doanh nhân nổi tiếng này, những thành tựu của ngành cà phê là đáng ghi nhận, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế nếu tư duy lại, định vị lại vị trí của ngành cà phê Việt Nam.
Trong chiến lược này, theo vị doanh nhân nổi tiếng, vấn đề “tam nông cà phê” phải được xác lập, xem xét cẩn trọng. Về nông nghiệp cà phê, cần tăng đầu tư, tăng chất lượng, sản lượng và trị giá, dù hiện nay năng suất cao nhất thế giới nhưng còn có thể cao hơn nữa; về nông dân trồng cà phê, chúng ta phải xử lý thế nào để họ gia tăng thu nhập; về nông thôn cà phê, phải làm sao để thịnh vượng hơn, để có bản sắc riêng, lối sống riêng, ông Vũ đặt vấn đề.
Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, sự cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước gần đây cũng khiến các DN trong nước phải tính toán lại, nâng sức cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, có thể khẳng định 2012 là năm thành công của ngành cà phê nếu tính theo niên vụ 1/9/2011 đến 30/9/2012, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước ước xuất khẩu 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 3,4 tỷ USD, đứng đầu về lượng xuất khẩu.
Theo ông Y Dhăm Ênuôl, khác các năm trước, năm nay nông dân đã là chủ nhân thực sự quyết định sản phẩm của mình, bán lúc nào, giá thế nào, không còn thụ động như trước kia. Việc tạm trữ cà phê trước đây do doanh nghiệp quyết định, nay cũng do nông hộ quyết định, sự phối hợp giữa nông dân với nhau, với các doanh nghiệp cũng rõ nét hơn.
Tối 9/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk đã khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết- phát triển”. Lễ hội kéo dài đến 12/3, quy tụ 725 gian hàng đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra nhiều chương trình như triển lãm về chuyên ngành cà phê và sản phẩm thương hiệu Việt; lễ hội đường phố; hội thi giọng ca vàng Đắk Lắk; hội thi pha chế cà phê; hội thi nhà nông đua tài; chương trình đi tìm đại sứ cà phê Việt Nam…
Ngọc Quý – Minh Anh