“Quý ông” hát tình ca
-Nhớ lại những ngày đầu anh ra Hà Nội, không được khán giả cổ vũ lắm, điều gì khiến anh vững tin đi theo dòng nhạc mà anh đã chọn?
Những ngày khởi đầu của tôi có nhiều khó khăn nhưng không phải lúc nào tôi cũng muốn tâm sự. Tôi luôn phải đứng giữa ngã ba với nhiều hướng lựa chọn. Tôi cảm giác bị lạc lõng và xưa cũ ngay những ngày tháng đầu đi hát. Tôi rất trăn trở. Nhưng cuối cùng tôi quyết định đi theo con đường như hôm nay. Nếu cứ theo nhạc trẻ, R&B… thì có thể khán giả hôm nay không biết Quang Dũng là ai.
-Luôn trung thành với hình tượng cũ là quý ông hát tình ca, điều gì khiến anh ngại thay đổi?
Tôi đi hát đến nay đã gần 20 năm, từ những ngày đầu tiên mình đã chọn dòng nhạc này và sống chết cùng nó. Rõ ràng chất giọng và nhất là tính cách của mình quá phù hợp với nhạc trữ tình. Thời gian đi hát ngần ấy năm cũng đã đủ nói lên cá tính của tôi, không dễ gì có thể xây dựng được tính cách đó. Thế nên bây giờ liệu thay đổi hay làm mới có phù hợp hay không?
20 năm qua tôi vẫn đi hát, chạy show liên tục, nhiều người cho rằng mình một màu, chậm chậm, đều đều thậm chí là cũ kỹ quá. Tuy vậy, nét tính cách riêng đó đã được khán giả chấp nhận, nói đúng hơn tính cách đó là lợi thế của riêng Quang Dũng
-Chứ không phải do anh… hát nhiều quá, ra đĩa nhiều quá để rồi khán giả “no lỗ tai” nên họ phải đòi “quý hồ tinh bất quý hồ đa”?
Đúng là tôi chọn nhiều, hát nhiều thật. Nhưng tự tôi thấy tôi hát như thế vẫn còn chưa đã, vẫn còn chưa khai thác hết “mảnh đất” âm nhạc của mình. Bất cứ một ca sĩ nổi tiếng nào cũng chịu áp lực sân khấu, áp lực khán giả mà khán giả thì chắc chắn không bao giờ dễ tính, nay hát cái này mai phải hát cái kia, hoặc cùng hát nhưng làm sao để mình cảm thấy mình hát chứ không phải hát như trả bài.
-Trong mảng nhạc xưa nói chung và âm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn nói riêng. Đâu là “màu” riêng của Quang Dũng?
Đó là một Quang Dũng không màu mè, luôn mang đến sự tự nhiên, mộc mạc đặc biệt là trong không gian âm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Tôi mang tâm tư của một người đàn ông trong nhạc Trịnh.
-Nhạc sĩ Quốc Bảo từng viết bài “Tại sao phải là Tuấn Ngọc?”. Nghe nhận xét này, anh có … giật mình không?
Đó là nhận xét hay. Một nghệ sĩ đừng bao giờ để người khác phải đặt câu hỏi vì sao. Mình cứ là mình đi, đừng bắt chước nhưng cũng đừng nên bảo thủ. Riêng tôi, tôi thấy tôi không hề giống Tuấn Ngọc và cũng không thích mình bị đặt vào thế so sánh với anh Tuấn Ngọc.
-Chứ không phải là khi đặt ở thế so sánh với Tuấn Ngọc, anh nhận phần... ít lợi thế, ví dụ như quãng giọng anh ngắn hơn, cao độ không bằng và độ trải nghiệm - điều quang trọng với một ca sĩ hát nhạc trữ tình?
Sao không nghĩ đó cũng là những điều mà tôi lợi thế? Quãng rộng hay hẹp tùy theo từng bài hát. Cao độ hay không tùy theo giai điệu từng bài. Quãng rộng hát cao không có nghĩa là hát hay hơn người quãng thấp như anh Sĩ Phú, anh Duy Trác quãng đâu có rộng, giọng đâu có cao.
Còn trẻ hơn, đó là một lợi thế chứ, nhất là khi có thể có những khám phá mới mẻ và hợp thời. Tôi và anh Tuấn Ngọc chất giọng không giống, mỗi người có một cách nhả chữ khác nhau, nên đừng so sánh. Mỗi người cũng có những cái ưu và khuyết riêng.
Phụ thuộc vào sự đưa đẩy cuộc đời
-Sau đổ vỡ hôn nhân, công chúng luôn thấy Quang Dũng im hơi lặng tiếng, hầu như anh ít tiếp xúc với truyền thông, anh lo sợ hay e ngại điều gì?
Lo sợ thì không hẳn, nhưng thời gian gần đây có quá nhiều biến động trong showbiz, trong khi tinh thần tôi rất yếu và sức chịu đựng lại kém.
-Sóng gió sẽ làm tan vỡ, còn yên bình quá sẽ làm nhàm chán một mối quan hệ. Có phải vì anh là người ôn hòa, điềm đạm quá nên đó cũng là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ?
Với tôi, chuyện cũ cũng đã là kỷ niệm nên mình muốn mọi thứ tốt đẹp hơn chứ không muốn nhắc lại. Tôi muốn xây dựng cho mình và cả gia đình một hình ảnh mới tươi sáng và vững vàng hơn.
-Ở tuổi 40, anh định nghĩa thế nào về tình yêu?
Tôi nghĩ tình yêu cũng giống như âm nhạc. Ở lứa tuổi nào, tình yêu cũng tổn tại, giúp cho cuộc sống thăng hoa. Nó đem lại niềm vui bất tận cho những ai đang yêu và cũng là nguyên nhân của chuỗi ngày đau buồn bởi những mất mát. Ở mỗi độ tuổi, tình yêu được định nghĩa theo một cách khác. Nếu tình yêu thời trẻ trong sáng, nhiệt huyết thì khi người ta trưởng thành, nó là sự trải nghiệm. Tôi nghĩ người trưởng thành khi yêu đều muốn đến một tương lai tốt đẹp cho đôi bên.
-Hậu ly hôn, Jennifer Phạm đã tìm được “bến đỗ” mới, tại sao anh vẫn chưa tìm hạnh phúc mới cho mình?
Tình yêu đến với con người là do số phận. Việc tìm kiếm, xây dựng tình yêu và một gia đình mới phụ thuộc vào sự đưa đẩy của cuộc đời. Vì vậy, tôi luôn giữ cho mình thái độ thanh thản và ung dung trong đời sống tình cảm. Tình yêu đến cũng tốt, không đến thì cũng rất đỗi bình thường. Tôi không bao giờ hỏi bản thân vì sao đến giờ mình vẫn cô đơn hay những điều tương tự.
-Những người từng đổ vỡ dễ bị tâm lý “chim sợ cành cong” khi đến với tình mới, anh thì sao?
Đó là sự thật. Sự mất mát như một bài học cho bản thân tôi. Tôi luôn trăn trở và đắn đo trước những cơ hội. Nhưng thực lòng, tôi chưa bao giờ thấy cô đơn như cách mọi người nghĩ. Tôi đủ chín chắn để nhận ra cuộc sống hiện tại vẫn rất tốt đẹp. Bản thân tôi cũng cố gắng tận hưởng từng ngày trôi qua.
Tôi coi những nỗi cô đơn đến bất chợt là nốt trầm của cuộc đời. Nó nuôi nấng cảm xúc và giúp tôi suy nghĩ thấu đáo về những sự hơn – thua, được – mất… Tất nhiên, có lúc tôi không tránh khỏi sự ngơ ngác hay chạnh lòng khi nhìn đời sống trôi qua trước mặt. Nhưng tôi nghĩ mình cần những lúc nhưng thế, để biết trái tim vẫn còn có thể rung động.
Luôn sống theo cảm xúc
-Thời gian qua, thường xuyên xuất hiện tại hải ngoại, phải chăng Quang Dũng không còn mặn mà với các chương trình trong nước?
Trong năm vừa qua, tôi thu xếp thời gian ở Mỹ lâu hơn nên nhận show diễn hải ngoại nhiều hơn. Tranh thủ vừa đi show, vừa có thời gian dành cho con trai. Tôi cũng có tham gia một số show ở Việt Nam nhưng khá chọn lọc.
-Nghĩa là anh quá kén show?
Quả thật, tôi rất kén show và đây là điều cần thiết. Vì khi show phù hợp với tính cách và phong cách âm nhạc thì khán giả nơi đó mới chính là của mình.
-Có vẻ môi trường âm nhạc tại hải ngoại phù hợp với anh hơn?
Cũng không hẳn. Thật ra lợi thế của tôi là dòng nhạc trữ tình và tình ca. Số đông khán giả tại hải ngoại vẫn luôn sống trong hoài niệm về quê hương, đất nước. Điều đó vô tình lại rất phù hợp với phong cách của tôi.
Trong nước bây giờ cũng có rất nhiều chương trình biểu diễn nhạc xưa và dòng nhạc này rộ lên như một xu thế. Có khá nhiều ca sĩ hát nhạc xưa, các chương trình vì thế cũng mang nhiều giá trị thưởng thức hơn. Giống như tại Hà Nội, những đêm nhạc đều là sự trở lại của tình ca. Tình ca có giá trị, hay đúng hơn là những bài hát có giá trị thì thời nào hay môi trường nào cũng đều hát được.
-Nếu thời gian quay ngược lại, anh muốn làm lại điều gì?
Tôi luôn sống theo cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của mình. Dù tôi hay có suy nghĩ về những được mất hơn thua nhưng tôi không ân hận gì cả. Tôi cũng không đặt cái “nếu” đó vì không gặp điều này cũng sẽ gặp điều khác thôi, làm lại chỉ tội mất công, mất thời gian. Cuộc đời bắt gì tôi nhận nấy và nhận với một thái độ nhẹ nhàng.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!