Các bị cáo trong vụ mất 200 tỷ tại Navibank đồng loạt kêu oan

(PLO) - Ngày 1/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB).
Các bị cáo đồng loạt kêu oan

Cũng giống như Tổng giám đốc của mình, trong phần xét hỏi tại phiên tòa, các bị cáo thuộc cấp đều cho rằng mình bị oan. 

Bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát, Trưởng phòng Kế toán Navibank, thành viên HĐQL tài sản - nợ Navibank, còn gọi hội đồng Alco - khai nhận, có biết việc Navibank cho nhân viên mang tiền sang tổ chức tín dụng khác gửi hưởng lãi ngoài cao hơn. Tuy nhiên, cụ thể việc thực hiện thế nào thì bị cáo không biết vì không phải chức trách nhiệm vụ của bị cáo. 

Bị cáo này cũng thừa nhận, toàn bộ lãi ngoài được chuyển khoản vào tài khoản của bị cáo, nhưng bị cáo không biết số tiền cụ thể là bao nhiêu, không biết là tiền gì, không thuộc quyền sử dụng của bị cáo. Bị cáo Phát kêu oan vì cho rằng, hành vi của mình không cấu thành tội phạm vì không được hưởng lợi, và không tham gia vào chủ trương chung của Navibank.

Hai bị cáo khác là Đinh Thị Đoan Trang và Phạm Thị Thu Hiền cũng kêu oan bởi cho rằng hành vi của mình không phạm tội. Hai bị cáo này cho rằng mình không biết chủ trương của hội đồng Alco, không tham gia thực hiện chủ trương, không thực hiện bất cứ chủ trương nào của hội đồng Alco…

Bị cáo Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Giang Nam, Cao Kim Sơn Cương nguyên Phó giám đốc Navibank cũng đồng loạt cho rằng mình bị oan. Các bị cáo cho rằng việc Navibank cho các nhân viên của mình vay tiền để gửi vào Vietinbbank là hoàn toàn hợp pháp, không có điều khoản nào cấm việc này vì các nhân viên đều có tài khỏan đảm bảo. Hành vi của các bị cáo không làm thiệt hại số tiền 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Navibank. Các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét số tiền 200 tỷ đồng đó hiện nay đang ở đâu, nếu Huyền Như đã lừa đảo thì lừa như thế nào, lừa ai…?

Tuy nhiên, HĐXX giải thích cho các bị các biết rằng, trong phạm vi xét xử của vụ án này không được xem xét lại bản án đã có hiệu lực trước đó. Hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank đã được xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo nhận định, vào thời điểm phía Ngân hàng Navibank đưa ra chủ chủ trương để đưa tiền qua Vietinbank gửi thì chưa có tài sản đảm bảo từ các nhân viên. Thực tế Navibank đi huy động tiền gửi của khách hàng với lãi suất thấp sau đó dùng số tiền này để gửi qua ngân hàng khác với lãi suất cao hơn, mà cụ thể ở trong trường hợp này ngoài phần lãi trên hợp đồng là 14,5%/năm, còn có lãi suất ngoài là 8%.

 Vào thời điểm đó, thực tế các nhân viên của Navibank không có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng của mình để gửi qua ngân hàng khác. Quá trình điều tra cho thấy các nhân viên này không hề biết chủ trương của Navibank, họ cũng không được hưởng bất cứ khoản tiền nào từ việc đứng tên trên các tài khoản này, mà mọi khoản đều được chuyển về sử dụng chung cho hệ thống Navibank. 

Trước đó, bị cáo Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng nguồn vốn, nguyên thành viên HĐQL tài sản - nợ Navibank cũng kêu oan và cho rằng, kết luận điều tra và cáo trạng có nhiều nội dung không thể hiện đúng bản chất sự việc.

Theo bị cáo Luật, bản thân bị cáo này không thỏa thuận, không đề xuất lãi suất với Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huyền Như như cáo trạng nêu mà chỉ là người tiếp nhận thông tin mời chào lãi suất từ Tuấn, sau đó chuyển thông tin này cho phòng tín dụng để họ trình lãnh đạo. Khi được cấp có thẩm quyền chấp nhận, Luật báo lại với Tuấn.

Bị cáo Luật khai nhận, sau khi cho Vietinbank vay, lãi ngoài được Trần Thị Tố Quyên (người giúp việc cho Huyền Như) mang cho Luật, sau đó Luật đưa về Hội sở giao cho Navibank cất giữ, mà không một cá nhân nào được chia, hưởng lợi từ lãi ngoài hợp đồng. 

Với bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Navibank cũng một mực kêu oan khi cho rằng, trong quá trình điều hành ngân hàng có một số sai sót nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Cáo trạng quy kết bị cáo tội Cố ý làm trái quy định nhà nước trong hoạt động kinh tế gây hậu nghiêm trọng là không đúng.Theo bị cáo này, trong Luật tín dụng không cấm việc cá nhân vay tiền ngân hàng đi gửi tại ngân hàng khác, luật cũng không cấm việc hạn mức cho vay tiêu dùng... 

Để rõ hơn vấn đề này, HĐXX cũng mời bị án Huỳnh Thị Huyền Như lên để trả lời. Giải đáp về đường ra của số tiền hơn 1,5 ngàn tỷ đồng sau khi huy động từ Navibank, Huyền Như cho rằng đã dùng để trả các khoản nợ nần mà bị cáo vay trước đó. Còn khoản tiền dùng để trả cho phía các cá nhân Navibank Huyền Như cho rằng là tiền từ các tài khoản khác… 

Đọc thêm