Tạm dừng… mọi hành trình
Trong khi hầu hết các blogger du lịch trong nước dừng lại kế hoạch xê dịch, Trần Đặng Đăng Khoa vẫn dang dở với hành trình phượt xuyên lục địa. Nhưng mới đây nhất, phượt thủ 8x đã chính thức xác nhận trên trang Facebook cá nhân về việc dừng chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy sau gần 3 năm. Như vậy, Trần Đặng Đăng Khoa đã đi qua 62 quốc gia và kết thúc chuyến đi tại Mozambique, anh thông báo sẽ trở về Việt Nam bằng đường hàng không.
Về quyết định này, phượt thủ chia sẻ: “Đây là quyết định khó khăn nhất từ trước tới giờ. Vì tình hình hiện tại rối ren nên mình đành dừng lại. Mình chỉ tiếc khi không hoàn thành chuyến đi như kế hoạch ban đầu là chạy xe về tới cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam) mà phải bay về. Mình cũng đạt được mong ước lăn bánh trên 7 châu lục nên tạm mãn nguyện với thành quả chuyến đi này”.
Trần Đặng Đăng Khoa không phải là trường hợp duy nhất. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các blogger du lịch đã phải tạm dừng hoạt động du lịch vô thời hạn.
Phượt thủ 8X Trần Đặng Đăng Khoa. Ảnh - FBNV |
Blogger Hà Trúc cho biết đã hủy 80% kế hoạch du lịch từ tháng 3 đến tháng 9. Không đi du lịch, blogger 9X dành thời gian ở nhà với gia đình, tập trung kinh doanh riêng, tập luyện sức khỏe và tận hưởng cuộc sống.
Blogger Tâm Bùi cho biết phải chủ động thay đổi kế hoạch làm việc, chuẩn bị cả vật chất lẫn tinh thần cho một kỳ nghỉ dài từ sau Tết Âm lịch nên anh không quá thụ động khi phải thực hiện giãn cách xã hội.
Blogger Tâm Bùi. Ảnh - Blog NV |
Blogger Lý Thành Cơ chia sẻ mục tiêu của năm nay là ghé thăm 11 nước mới phải tạm hoãn, đồng thời nhiều hợp đồng tài trợ, dự án, sách mới cũng phải ngưng lại vì dịch bệnh. Từ đầu năm đến giờ, anh đã phải hủy chuyến đi Singapore, châu Âu và chuyến đi Nhật để ngắm hoa anh đào, hoãn 2 chuyến tới Hàn Quốc. Khi thời gian du lịch bỏ trống, nam blogger chia sẻ dành nhiều thời gian để hoàn thành các bài viết trên blog cá nhân, sắp xếp lại không gian làm việc và thư giãn.
Blogger Lý Thành Cơ. Ảnh- Blog NV |
Cặp đôi của trang Wanderful Dreamers - Trung Đức và Khải Quân cũng phải hủy lịch trình chuyến đi Ấn Độ hơn 6 tháng, dự định các điểm đến trong nước cũng buộc hoãn lại. Tạm ngưng du lịch, bộ đôi cho biết sẽ tập trung phát triển studio chụp ảnh và các mảng kinh doanh khác.
Rất nhiều blogger khác trong và ngoài nước đều phải thay đổi, hủy, hoãn toàn bộ lịch trình của mình trong thời gian tới để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, tuân thủ các quy tắc giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng.
Chia sẻ với TheStar - một chuyên trang giải trí tại Malaysia, nhà văn Miera Nadhirah Tan (44 tuổi) cho biết cô đã từng đi du lịch tới 3 lần/tháng quanh Malaysia, nhưng dịch bệnh đã buộc cô phải từ bỏ toàn bộ kế hoạch du lịch và hoãn tất cả các chuyến đi FAM sắp tới – loại chương trình được tổ chức bởi các nhà cung cấp dịch vụ du lịch (VD: ban quản lý điểm đến, đại lý du lịch, chuỗi khách sạn, hãng hàng không,…) để quảng bá sản phẩm du lịch của họ.
Nhà văn du lịch Miera Nadhirah Tan. Ảnh - TheStar |
Điều này cũng đúng với nhà văn tự do người Singapore – Morgan Awyong (42 tuổi) khi anh nhớ lại mình vẫn đang vi vu khắp Đông Nam Á để tìm ý tưởng cho cuốn sách mới của mình trong vài tháng trước khi dịch bệnh bùng phát. Anh đã ở Penang (Malaysia) ngay trước khi tình hình Covid-19 tại nước này bắt đầu “leo thang”.
Đồng tình, Shahida Sakeri (29 tuổi) cũng là một blogger, nhà văn du lịch cũng phải hoãn lại toàn bộ kế hoạch du lịch của mình. Theo những diễn biến hiện tại, cô chia sẻ sẽ không ủng hộ mọi người đi du lịch, kể cả trong tương lai gần. Theo Shahida, không thể coi nhẹ vấn đề đi lại trong đại dịch, kể cả khi người đi du lịch đã mua bảo hiểm du lịch. Bởi lẽ, trong thời điểm này, không phải tất cả các bảo hiểm du lịch sẽ hoàn trả các chi phí hủy bỏ do liên quan tới Covid-19, thậm chí nhiều công ty bảo hiểm, hãng hàng không còn chưa có chính sách, cơ chế cụ thể cho điều này.
Nhà văn du lịch Shahida. Ảnh-TheStar |
Thay vì thế, chúng ta có thể tận dụng thời gian ở nhà trong giai đoạn này nghiên cứu về các điểm đến mới, tạo ra các hành trình du lịch hợp lý, tiết kiệm để đến thời điểm thích hợp, chúng ta có thể sẵn sàng lên đường. Mặc dù lo lắng về sinh kế của mình cũng như phải kiềm chế cảm giác “thèm muốn” được đi du lịch, Shahida và các blogger khác đều cố gắng duy trì sự lạc quan, sự sáng tạo và trách nhiệm đối với nội dung của mình trên các nền tảng truyền thông.
Đăng gì trong mùa dịch?
Là một blogger, content creator (người sáng tạo nội dung) trên nền tảng Internet, Lindsay Silberman sở hữu tài khoản Instagram với hơn 165.000 người theo dõi. Nội dung bao gồm từ các điểm đến xa xôi ở Thái Lan đến các khách sạn “sang chảnh” ở Mexico. Cô thường xuyên nhận được các câu hỏi liên quan tới lời khuyên về du lịch như những khách sạn nào nên ở, loại rượu vang nào nên uống, đóng gói hành trang du lịch như thế nào…
Nhưng kể từ khi Covid-19 xuất hiện cùng với các lệnh phong toả biên giới và hạn chế du lịch trên toàn thế giới, các blogger, nhà sản xuất nội dung về du lịch đều gặp chung một vấn đề: “Nếu không thể đi du lịch, tôi sẽ đăng bài gì trên trang mạng của mình?”. Trong bài phỏng vấn với Tạp chí Fortune (Mỹ), Silberman đã chia sẻ rằng: Trong giai đoạn này, hầu hết các blogger đều đang băn khoăn với việc nên đăng tải bài viết bình thường như trước đây hay tập trung vào các thông tin liên quan đến Covid-19.
Covid-19 rõ ràng không phải là bản sắc của một chuyên trang, website hay blog về du lịch nhưng không phải là một vấn đề có thể xem nhẹ. Silberman chia sẻ, cô đã để bạn đọc của mình đưa ra quyết định, thông qua đăng tải một trạng thái trên Instagram với một bài thăm dò ý kiến người theo dõi, yêu cầu họ bỏ phiếu về loại nội dung mà họ muốn xem.
Theo đó, cô nhận được hàng ngàn phiếu bình chọn, cũng là đại đa số mọi người đều mong muốn những nội dung bình thường. Lý giải điều này, có lẽ mọi người đã chán ngán cảm giác bị “choáng ngợp” và cần một “lối thoát” khỏi những tin tức về dịch bệnh đang hiện diện trên khắp mặt báo, truyền hình,…
Nhiều bạn đọc của cô mong muốn được tiếp xúc với những nội dung bình thường vì chúng nhắc nhở họ về cuộc sống trước dịch và cuộc sống sẽ như thế nào sau dịch. Silberman cho biết mặc dù lưu lượng truy cập có giảm xuống nhưng cô vẫn giữ được những người xem trung thành của mình. Không định hướng chia sẻ thông tin như một nhân viên y tế, cô muốn mang đến cho người xem những điều tích cực, nhưng không quá xa rời thực tế.
Bên cạnh những video hài hước để giải trí, truyền cảm hứng cho du lịch trong tương lai, các mẹo làm đẹp và chăm sóc da; Silberman lập ra và điều hành một nhóm Facebook có tên “The SilbSquad” - nơi phụ nữ trên toàn thế giới đang tìm kiếm cộng đồng khi họ đấu tranh để thích nghi với “sự bình thường mới” của họ.
Làm thế nào để sản xuất ra nội dung sáng tạo, có thể tiếp tục truyền cảm hứng cho những người theo dõi trong khi họ không đi du lịch? Đây hẳn vấn đề mọi blogger du lịch hiện nay đều tự hỏi chính mình. Mặc dù sẽ có những blogger cảm thấy hoàn toàn bị “tê liệt” về mặt ý tưởng khi dịch bệnh bùng nổ; nhưng cũng có những blogger cho rằng thời điểm hiện tại là cơ hội hoàn hảo để thu hút cộng đồng theo một cách hoàn toàn khác.
Theo đó, nhiều blogger du lịch ủng hộ quan điểm họ không cần thiết phải đưa mọi tin tức về Covid-19 trên trang của mình, dù đây là vấn đề toàn xã hội đang quan tâm. Lý do thứ nhất, blogger du lịch không phải chuyên viên y tế, nên họ không có chuyên môn kiểm duyệt những thông tin y tế họ đưa ra có phải là đúng hay không; họ chỉ có thể chia sẻ y nguyên những nguồn tin chính thống, không phải nội dung có thể có nhiều sáng tạo.
Lý do thứ hai, thời điểm khó khăn này là lúc các chủ blog, chủ website cần định hướng lại nội dung bởi những trở ngại khách quan, tìm ra nhu cầu thông tin mà người theo dõi của mình thực sự mong muốn. Và đây cũng chính là những điều mà các blogger thực sự mong muốn thể hiện và truyền tải, chứ không phải chạy theo xu hướng một cách vô nghĩa…