Các chuyên gia nói về sửa đổi 5 luật thuế: Nhiều đề xuất cần thiết, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế

(PLO) - Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và đã nhận được khá nhiều phản hồi. Dưới đây là một số ý kiến từ chuyên gia, với những góc nhìn và sự phân tích khá cụ thể, giúp bạn đọc có thể đánh giá sát hơn  các dự kiến sửa đổi, bổ sung về thuế.
 
Các chuyên gia nói về sửa đổi 5 luật thuế: Nhiều đề xuất cần thiết, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế

Chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ An (Viện Kinh tế Việt Nam): Ngân sách chi nhiều do sức ì thể chế

Chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ An
 Chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ An

Chi ngân sách gồm có chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 65-70% trong tổng chi ngân sách nhà nước.

Thu ngân sách đang chịu áp lực rất lớn vì thu từ dầu thô giảm mạnh và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thu ngân sách áp lực giảm mạnh cùng với chi ngân sách giảm không mạnh tạo nên áp lực tăng bội chi ngân sách.

Để giảm bội chi ngân sách, một số nhà kinh tế khuyến nghị nên giảm chi thường xuyên. Khuyến nghị này đã được đề xuất từ rất lâu nhưng tiến trình giảm chi thường xuyên diễn ra rất chậm. Nhưng vì sức ì thể chế nên nếu quyết tâm giảm thì giảm chi thường xuyên cũng chỉ có thể diễn ra từ từ, đòi hỏi mất nhiều thời gian.

Vậy nếu chi ngân sách không thể giảm trong ngắn hạn trong khi thu ngân sách đang chịu sức ép giảm thì Bộ Tài chính phải làm gì để bù đắp cho bội chi ngân sách?

Có 3 nguồn bù đắp cho thâm hụt ngân sách: In tiền, vay nợ và tăng thuế.

Trong lịch sử nước ta và thế giới đã chứng minh rằng: In tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách - tạo ra hệ lụy vô cùng tai hại cho nền kinh tế. In tiền bù đắp thâm hụt ngân sách có thể tạo ra lạm phát và lạm phát cũng là một loại thuế đánh vào thu nhập của người dân (gọi là “thuế đúc tiền”). Loại thuế này là thuế lũy thoái; người nghèo và người thu nhập thấp phải gánh chịu nặng nề hơn so với người giàu.

Vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách sẽ làm tăng lãi suất trên thị trường và cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hơn nữa, vay nợ rốt cục cũng phải trả và thế hệ tương lai sẽ phải trả khoản nợ này. Trong khi đó nợ công đang tăng lên nhanh chóng những năm gần đây.

Nếu như in tiền tạo ra thuế đúc tiền là hình thức đánh thuế mà người dân khó nhận thấy hay vay nợ cũng tạo ra chi phí người dân khó nhận thấy thì tăng thuế sẽ dễ nhận biết hơn.

Nhưng trong 3 cách bù đắp cho thâm hụt ngân sách, có lẽ Bộ Tài chính đã phải viện đến các cách thức tài trợ cho bội chi ngân sách bổ sung lẫn nhau, trong đó gồm cả việc tăng thuế và/hoặc mở rộng cơ sở đánh thuế.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong: Cần có cái nhìn tổng quát và công bằng 

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế phổ biến trên thế giới. Trong giai đoạn 2009 - 2014, có khoảng hơn 20 quốc gia thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất phổ thông thuế GTGT. Thuế suất thuế GTGT của Việt Nam hiện ở nhóm mức thấp trên thế giới.

Đây là một sắc thuế ảnh hưởng tới số đông, do đó, khi đề xuất tăng thuế này thì những băn khoăn đặt ra là điều dễ hiểu. Ở Việt Nam, việc tăng thuế GTGT cần cân nhắc các mặt hàng tăng thuế để không ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân lao động thu nhập thấp.

Cá nhân tôi cho rằng, việc tăng thuế GTGT bao nhiêu và tăng vào thời gian nào các cơ quan hữu quan cần tính toán kỹ lưỡng thêm để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, phù hợp theo lộ trình chiến lược cải cách hệ thống thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó, đổi mới, lành mạnh bức tranh ngân sách, tăng sức bền vững cho nền tài chính quốc gia. 

Cần có cái nhìn tổng quát và công bằng về đề xuất sửa đổi, bổ sung tại luật thuế này. Ngay tại dự thảo luật cũng có nhiều đề xuất sửa đổi mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Không nên nhìn nhận rằng, Bộ Tài chính chỉ đề xuất tăng thuế nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, không quan tâm những tác động đến sản xuất và đời sống.

Qua đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, bảo đảm hài hòa mục tiêu và lợi ích, 

tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu và điều tiết tiêu dùng xa xỉ, tăng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lòng tin và chất lượng sống người dân; cũng như triển khai đồng thời với các giải pháp tiết kiệm chi tiêu, thúc đẩy cải cách hành chính phải là nguyên tắc xuyên suốt cùng với mục tiêu cân đối ngân sách nhà nước trong điều chỉnh thuế lần này.

PGS. TS. Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính): Nhiều nội dung ưu đãi thuế 

PGS. TS. Lý Phương Duyên
PGS. TS. Lý Phương Duyên 

Trong nội dung sửa đổi 5 luật thuế, Ban soạn thảo đã sửa đổi thuế hướng giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội ban hành.

Đồng thời, đã đưa vào quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho DN siêu nhỏ. Những quy định này có thể coi là một sự hỗ trợ về lợi nhuận cho các DNNVV dựa trên cơ chế ưu đãi lợi nhuận - một trong hai cơ chế khi thực hiện ưu đãi thuế nói chung, phù hợp với xu hướng của nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Dự thảo còn bổ sung quy định miễn, giảm thuế cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung thành lập theo quy định của Luật hỗ trợ DNNVV. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với không chỉ các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn có tác động đối với cả hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đối với  Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa đổi 8 nội dung, trong đó có một số nội dung liên quan đến ưu đãi thuế rất rõ nét. Đó là bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”; bổ sung chính sách giảm 50%  thuế TNCN cho nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Có thể thấy, những sửa đổi bổ sung này thống nhất, đồng bộ với quan điểm của Chính phủ nói chung và của Luật Thuế TNDN nói riêng trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm