Tại Hà Nội: Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến Giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố (TP) cho biết, 5 năm qua, công tác PBGDPL và triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam theo Luật PBGDPL đã được các cấp, các ngành trên địa bàn TP tích cực triển khai.
Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của TP. Hoạt động PBGDPL của các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã đi vào nề nếp.
Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật sâu rộng trên địa bàn Thủ đô. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn Thủ đô đã đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trên toàn địa bàn TP, thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý và trở thành ngày hội pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn TP.
Nhân Ngày Pháp luật, Hà Nội cũng đã tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” TP với tổng số 924.783 bài dự thi. Ban tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu BLHS năm 2015 đã lựa chọn và trao 23 giải tập thể và 109 giải cá nhân.
Tại Đà Nẵng: Ngày Pháp luật được các sở, ban, ngành và địa phương hưởng ứng tích cực với nhiều cách làm mới, sáng tạo hiệu quả. Đơn cử, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đối thoại chính sách pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Sở Giao thông vận tải phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho đối tượng là giáo viên, học viên của các cơ sở đào tạo lái xe, sinh viên, học sinh, trên địa bàn thành phố. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức hội nghị đối thoại, tư vấn pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập pháp luật với chương trình “Mỗi ngày một điều luật”, Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân vùng biên giới hải đảo”; Ngành Thuế thành phố thực hiện chuyên mục “Thuế và cuộc sống”, tuần lễ “Lắng nghe ý kiến của người nộp thuế”. Sở Tư pháp với hoạt động “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”…
Tại các quận, huyện, Ngày Pháp luật cũng được các địa phương triển khai với nhiều hình thức, cách làm hay như mô hình “Tiết học pháp luật” tại quận Cẩm Lệ, “Quán cà phê sách pháp luật” tại quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, tại huyện Hòa Vang duy trì đều đặn “Chào cờ buổi sáng thứ hai gắn với tuyên truyền pháp luật” cho toàn thể cán bộ, công chức viên chức và người lao động Trung tâm hành chính huyện…
Tại Cần Thơ: Hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam, Tư pháp Cần Thơ tiếp tục với một chuỗi các sự kiện tuyên truyền. Tùy vào đặc điểm và điều kiện thực tế ở từng cơ quan ban ngành đoàn thể, địa phương mà có những cách thức tuyên truyền khác nhau.
Theo đó, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền những văn bản luật gần gũi và cần thiết đối với người dân; các quy định pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; tư vấn, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, chính sách an sinh xã hội.
Nhận thức được hiện nay vấn đề tội phạm ở tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng mà nguyên nhân chính xuất phát từ vấn đề thiếu hiểu biết pháp luật nên thành phố tổ chức cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra Sở Tư pháp Cần Thơ còn phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua biểu diễn tiểu phẩm pháp luật. Dự kiến sẽ tổ chức tại 3 trường THPT ở 3 quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền. Qua các tiểu phẩm, tình huống phù hợp thực tế cuộc sống sẽ hướng dẫn cho các em thấy được tác hại nên tránh, các cách ứng phó với các tình huống xấu.
Tại Quảng Nam: 5 năm qua, dưới sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Quảng Nam đã thường xuyên chỉ đạo triển khai hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không chỉ đạt được nhiều kết quả tích cực, mà còn trở thành đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng. Sự kiện được toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, góp phần tích cực cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành và tự giác bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Kể từ năm 2014 đến nay, với sự tham mưu tích cực của Sở Tư pháp, UBND tỉnh đều ban hành kịp thời các Kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực.
Ngoài ra, tùy theo nhiệm vụ cụ thể của từng năm, còn triển khai một số nội dung. Trong đó, đơn cử như những năm gần đây đã có nhiều đổi mới. Năm 2017: tổ chức thực hiện chủ trương triển khai mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới: “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả”.
Trong mô hình này, tỉnh đã dành “cứng” 20% kinh phí hỗ trợ để cấp xã thực hiện Ngày Pháp luật tại các địa bàn cơ sở dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Tư pháp. Năm 2018, mô hình “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả” được tiếp tục triển khai ở địa bàn cơ sở như năm 2017 với nguồn kinh phí hỗ trợ tương đương.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đều tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật qua các năm với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật cũng phát huy hiệu quả như: lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua các Hội nghị, Tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức “Ngày hội tư vấn pháp luật” tại cơ sở. Các hoạt động tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức “sân khấu hóa”, “rung chuông vàng”, tuyên truyền trực quan qua pa-no, áp phích, băng rôn... cũng được nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện.
|
Cán bộ tư pháp xã Quảng Lâm và huyện Đầm Hà, Quảng Ninh phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân tộc. |
Tại Khánh Hòa: Theo ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa: “Hướng đến ngày pháp luật Việt Nam (9 – 11), ngay từ đầu năm 2018, đặc biệt trong tuần lễ cao điểm từ ngày 06/11 đến ngày 11/11/2018. Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng trong toàn dân.
Một trong những hoạt động nổi bật trong dịp này là triển khai cuộc thi “tìm hiểu pháp luật trực tuyến” năm 2018 do Bộ Tư pháp tổ chức; hưởng ứng Cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên; Cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật đã được triển khai sâu rộng và được đông đảo cán bộ, công chức và người dân trên toàn tỉnh tích cực tham gia. Hướng đến Ngày Pháp luật, UBND thành phố Nha Trang tổ chức hội thi “Công chức Tư pháp – Hộ tịch với Bộ luật dân sự” trên địa bàn thành phố NhaTrang năm 2018.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện “Ngày Pháp luật” hàng tháng, ngày 9 hàng tháng được chọn làm ngày tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh sử dụng hiệu quả mạng lưới thông tin cơ sở, Khánh Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trên các phương tiên truyền thông đại chúng.
Tiếp tục duy trì và phát triển các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật tại các xã. Tích cực, chủ động tuyên truyền đầy đủ các văn bản pháp luật theo từng nhóm đối tượng đúng quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các việc kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền. Xây dựng và tổ chức sử dụng có hiệu quả Tủ sách (ngăn sách, túi sách) pháp luật.
Tại Phú Thọ: Một khu dân cư nhỏ bé, tại một huyện miền núi nhỏ bé tưng bừng đón chào Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực và được cả cộng đồng tham gia thì thật là món quà quý báu đối với những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên đất nước ta.
Bản Hon thuộc xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ hoàn toàn nằm trên núi cao, ven suối, ruộng bậc thang, rừng tái sinh, dân cư hoàn toàn là người dân tộc thiểu số, hơn một nửa là người Mường, còn lại là người Dao. Đời sống của họ tất nhiên thua kém rất nhiều so với bà con trong xã, chưa kể là so sánh với miền xuôi hay thành phố.
Họ tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam lồng ghép trong chương trình Ngày hội văn hóa toàn dân tộc, dưới biểu trưng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng rõ ràng là chủ đề "Ngày pháp luật" đã hấp dẫn và chiếm một thời lượng xứng đáng trong ngày Hội này.
Đã là "ngày hội" thì lẽ đương nhiên là tạo ra một không khí vui tươi thể hiện ngay ở trang phục của những người dự hội và những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc và dân dã nhưng cũng hết sức hấp dẫn.
Ý nghĩa của Ngày pháp luật thì ai cũng biết vì sao lại lấy ngày 09/11, luật nào quy định. Bằng những câu hỏi ngắn gọn và thiết thực với bà con thôn bản về các vấn đề như hộ tịch, giao thông, nghĩa vụ quân sự, bảo vệ rừng,... bà con hào hứng trả lời và tất nhiên có những câu trả lời chưa đúng nhưng cũng được cổ vũ nhiệt liệt và sau đó câu trả lời chính xác được đưa ra.
Đó cũng là một cách tiếp cận pháp luật giản đơn mà hiệu quả, nhưng ý nghĩa lớn hơn là khơi gợi tinh thần tuân thủ pháp luật trước hết bằng sự hiểu biết pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam đã về với những bản làng xa xôi, hẻo lánh, đó là sự ghi nhận thành công của một chủ trương không hình thức mà thiết thực.
Tại Quảng Ninh: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Hồ Văn Vịnh cho biết, sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 ban hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (ngày 09/11 hàng năm) bằng nhiều hình thức tuyên truyền.
Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đều ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn tỉnh. Trong các Kế hoạch đều xác định rõ chủ đề, nội dung các hoạt động Ngày Pháp luật và giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung phổ biến, quán triệt các văn bản Luật mới ban hành, mới được sửa đổi, bổ sung; các văn bản luật, văn bản dưới luật; văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, các chính sách, quy định gắn với đời sống nhân dân và thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Ngày Pháp luật được các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các địa phương triển khai rộng khắp, phong phú, đa dạng trong toàn tỉnh. Các ban, ngành, địa phương đã quan tâm phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật, quy định, chính sách phù hợp cho nhân dân tại vùng nông thôn, ngư dân, đồng bào dân tộc, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo. Việc phổ biến pháp luật cho người dân thông qua nhiều hình thức.
05 năm qua (2013-2018), trong dịp Ngày Pháp luật, toàn tỉnh đã tổ chức 4.166 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 444.200 lượt người tham dự;với 305 cuộc thi tìm hiểu pháp luật có 206.575 lượt người dự thi. Các địa phương trong tỉnh duy trì, triển khai hoạt động của 14 mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới với 56 Câu lạc bộ Hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, 76 "Địa chỉ tin cậy", "Nhà tạm lánh", 28 số điện thoại đường dây nóng ở các xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngày Pháp luật đã trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh Quảng Ninh, huy động được sự tham gia, phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng của toàn dân.