Các hành vi bị nghiêm cấm theo trong lĩnh vực thủy lợi

(PLO) - Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường Về Dự thảo Luật Thủy lợi. Theo dự thảo này, một số hành vi sẽ bị nghiêm cấm. 
Các hành vi bị nghiêm cấm theo trong lĩnh vực thủy lợi

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Thủy lợi. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ và tại Hội trường về Dự án Luật Thủy lợi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Thủy lợi, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH.

UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật; Dự thảo Luật đã gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Đoàn ĐBQH, ý kiến của các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy lợi. 

Theo Điều 9 Dự thảo Luật Thủy lợi, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm:

-  Xây dựng công trình thủy lợi không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đổ, chôn lấp đất, chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi.

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công trình thủy lợi.

- Làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

- Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi.

-  Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên công trình thủy lợi; sử dụng xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa lưu thông trong công trình thủy lợi khi có biển cấm, trừ các loại xe, phương tiên ưu tiên theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

- Cản trở việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động thủy lợi.

- Tự ý vận hành; vận hành công trình thủy lợi, thủy điện trái quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.

- Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng quy định của giấy phép được cấp cho các hoạt động quy định tại Điều 46 Luật này.

Đọc thêm