Bài toán lấp đầy Khu công nghiệp (KCN) gặp phải không ít khó khăn trong những năm qua mặc dù Ban quản lý các KCN làm hết mình để thu hút dự án đầu tư nhưng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tỷ lệ thuận với dự án rút khỏi các KCN. Đã vậy những doanh nghiệp đang hoạt động lại không ‘đào” đâu ra công nhân để tuyển dụng. Thực tế khó khăn kép này đang diễn ra ở hai KCN Lộc Sơn và Phú Hội, lời giải nào trong thời gian tới?
|
Các khu công nghiệp phải là bệ phóng phát triển công nghiệp. Ảnh chụp tại KCN Lộc Sơn. |
Nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các KCN từ đầu năm đến nay đều có mức tăng so với cùng kỳ. Đó thực sự là chỉ dấu của sự phục hồi kinh doanh sản xuất, đem lại hiệu quả nhất định đối với các doanh nghiệp trong KCN. Theo Ban quản lý các KCN Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu của 20 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN ước đạt 109 triệu USD, tăng 13,59% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 63,1 triệu USD, tăng 10,46%, số còn lại được tiêu thụ nội địa với doanh số là 45,9 triệu USD, tăng 5,6%. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, vải dệt các loại, tơ xe và áo mưa. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp được xuất qua các nước như: Singapore, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… và Úc. Các sản phẩm nội tiêu tập trung ở nhóm sản phẩm: tơ xe gia công, cà phê nhân, phôi thép, giấy cuộn xeo…Thuế và các khoản nộp ngân sách của các danh nghiệp này là 7,9 tỷ đồng thực sự còn quá nhỏ so với quy mô, diện tích của hai KCN này.
Doanh nghiệp vào, ra tỷ lệ 1:1
Điều đáng mừng là trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, cơ bản đã đầu tư xây dựng nhà máy đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả và đang tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi của các KCN này nằm ở chỗ làm thế nào để thu hút các dự án, sớm lấp đầy khu công nghiệp, qua đó mới đem lại sinh khí thực sự cho sự phát triển công nghiệp chung của tỉnh. Thế nhưng, theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) các KCN, trong 9 tháng đầu năm 2010, BQL đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 doanh nghiệp/dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký gần 177 tỷ đồng, diện tích thuê đất 6,08 ha vào KCN Lộc Sơn nhưng bên cạnh đó thu hồi 5 dự án khác. Tương tự, KCN Phú Hội có 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có một dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 5 tiệu USD và trên 451 tỷ đồng, diện tích thuê đất 7,01 ha. Đồng thời qua đó BQL đã thu hồi 6 dự án bao gồm: dự án của Công ty TNHH Thi Thảo, Công ty TNHH Minh Ngân, Công ty TNHH H - T Giang San, Công ty TNHH liên doanh Utilirian Vina, Công ty TNHH liên doanh Vĩnh Ích và Công ty TNHH Woojin. Như vậy, số dự án đăng ký vào các KCN trong năm nay tương ứng với số dự án bị thu hồi giấy phép đầu tư với tỷ lệ 1/1. “BQL đã chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư vào các KCN nhưng chưa thực sự tạo chuyển biến rõ rệt” - ông Lê Đình Phước, Trưởng BQL các KCN Lâm Đồng cho hay.
Tuyển không ra công nhân
Tưởng chừng việc thu hút đầu tư vào các KCN khó khăn trong điều kiện còn hạn chế về hạ tầng nội khu hay giao thông đối ngoại, nhưng ngay bản bản thân doanh nghiệp hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây cũng gặp trở ngại về nguồn nhân lực. Qua thống kê, số lao động hiện tại trong các KCN là 880 người, trong đó có 872 lao động trong nước và 8 lao động là người nước ngoài. Không dừng lại ở đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong thời gian qua luôn tăng và hiện đang thiếu khoảng 200 công nhân nhưng không có nguồn để tuyển dụng. Đó mới chỉ là trước mắt, chưa nói đến việc các doanh nghiệp này đang tiến hành đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong nay mai sẽ càng “khát” lao động hơn. Theo BQL các KCN, qua 2 - 3 phiên chợ lao đồng giới thiệu việc làm được tổ chức ở các địa phương nhưng doanh nghiệp chỉ tuyển được vỏn vẹn hơn 10 người vào làm công nhân. Đây quả thực là một nghịch lý, bởi việc phát triển công nghiệp, kêu gọi đầu tư nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thế nhưng khi doanh nghiệp có nhu cầu, nguồn cung lại “bói” không ra lao động. Chỉ tính riêng 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN trong năm 2010, cần số lượng lao động 1.600 công nhân. Nếu tính gộp các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư vào hai KCN hiện còn hiệu lực với 50 dự án, nhu cầu tuyển dụng lao động lên tới 6.900 công nhân.
Tìm lời giải
Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX cho hay, tính đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 20% GDP. Nếu so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra là 26 trong GDP thì chỉ tiêu công nghiệp – xây dựng đạt thấp hơn 6%. Việc không đảm bảo mục tiêu này một phần không nhỏ do mức tăng trưởng công nghiệp chưa tương xứng. Và theo nguyên tắc hoạch định phát triển của nền kinh tế, các KCN phải gánh trọng trách đóng góp lớn vào sự phát triển công nghiệp của địa phương. Song với những thực tế nêu trên mà các KCN đang gặp phải: số lượng doanh nghiệp đi vào hoạt động chưa cao lại gặp khó trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, bởi đi cùng với sự đầu tư nhà xưởng luôn kèm theo yếu tố phải có nguồn nhân lực tham gia vào quá trình vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để giải bài toàn cho các KCN, có lẽ phải phải kết nối các yếu tố hạ tầng kỹ thuật lẫn nguồn lực xã hội đảm bảo vừa đáp ứng các điều kiện cơ sở vật lẫn lao động có tay nghề.
Theo một số doanh nghiệp, những lý do mà các nhà đầu tư chậm triển khai các dự án, hay chưa hấp dẫn nhà đầu tư đó là hạ tầng nội khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Nước sinh hoạt chưa có, nước phục vụ sản xuất cũng không, điện thì chập chờn, liên tục bị cắt đột xuất nên nhà đầu tư chưa mặn mà. Ngoài ra bên cạch những bất lợi là xa trung tâm kinh tế, cảng biển, hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém cũng là bài toàn khó trong thu hút doanh nghiệp. Chưa kể khả năng sẵn sàng cung ứng nguồn lao động của tỉnh, đấy cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Một doanh nghiệp cho rằng: Nếu như năm 2011, chỉ cần 3 dự án lớn trong KCN Lộc Sơn đi vào hoạt động sẽ đóng góp doanh thu cho công nghiệp hàng ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể dự án bô xít.
Trao đổi vấn đề trên, ông Lê Đình Phước cho hay, trong thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với các khu chế xuất, khu công nghiệp khu vực Miền đông Nam bộ, ban sẽ thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư trực tiếp tại các tỉnh Miền trung và Miên bắc. Rút kinh nghiệm trước đây tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút đầu tư vừa tốn kém, vừa không đem lại hiệu quả thì nay tìm kiếm nhà đầu tư hay doanh nghiệp có tiềm năng trực tiếp chào mời họ đầu tư vào các KCN. Bên cạnh đó tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng đường điện riêng khép kín cho KCN, đảm bảo ngồn cung cấp điện ổn định. Thúc đẩy đầu tư các dự án giao thông đã được Chính phủ phê duyệt, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào hạ tầng cũng như xử lý môi trường tập trung nội KCN. Riêng về nguồn nhân lực BQL sẽ phối hợp với Sở Lao đồng - Thương binh và xã hội tìm kiếm lao động, cắn cứ nhu cầu doanh nghiệp “đặt hàng” các trường cao đẳng đào tạo công nhân với phương thức học kiến thức tại trường, thực tập tại doanh nghiệp để khi các em ra trường có thể vào làm ngay tại các KCN.
Xuân Trung