Trên mạng internet hiện không thiếu những lời đe dọa nhằm thu hút sự chú ý hay những phát biểu ngỗ nghịch của một số thiếu niên. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu pháp luật hiện hành có đủ để xử lý những lời bình luận và đe dọa tấn công của "cư dân mạng"?.
|
Justin Carter. |
Tháng 2/2012, Justin Carter, khi đó 18 tuổi, đã cãi vã với một người cùng tham gia một trò chơi trực tuyến. Game thủ kia sau đó viết lên tường của Carter trên mạng xã hội facebook, gọi Carter là đồ tâm thần. Đáp lại, thanh niên này viết: “Tao nghĩ tao sẽ xả súng vào một trường mẫu giáo và nhìn máu của những người vô tội rớt xuống và sẽ ăn trái tim còn đang đập của một trong những người này”.
Dù Carter đã viết thêm cụm từ “chỉ đùa thôi” dưới tuyên bố trên nhưng cảnh sát bang Texas vẫn tiến hành khám xét nhà Carter sau khi nhận được thông tin tố giác từ một người ở Canada. Carter đã bị bắt sau khi cảnh sát phát hiện cậu ta ở gần một trường tiểu học. Đến tận cuối tháng 7 vừa qua, Carter mới được tại ngoại sau khi nộp đủ khoản phí bảo lãnh 500.000 USD.
Theo lời Carter và luật sư của cậu ta, những lời tuyên bố trên facebook chỉ là một lời nói đùa. “Những bình luận của cậu ấy chỉ mang tính vui đùa. Đúng là nó cũng man rợ và không phù hợp. Nhưng nó chỉ là những lời nói vô giá trị”, luật sư Don Flanary nói.
Tuy nhiên, cảnh sát địa phương nói rằng những lời đe dọa như của Carter cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, đặc biệt là sau các vụ việc như vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook hồi tháng 12 năm ngoái, khiến 26 người, trong đó có 20 học sinh, thiệt mạng. Carter đã bị truy tố về tội danh đe dọa tấn công khủng bố và nếu bị buộc tội, thanh niên này sẽ đối mặt với mức án lên đến 10 năm tù.
Những lời đe dọa của Carter và một số vụ việc khác đã dấy lên cuộc tranh luận về những giới hạn trong tự do ngôn luận và việc liệu các đạo luật hiện hành có cần phải được sửa lại cho phù hợp vơi một nền văn hóa trực tuyến mới. Trong trường hợp của Carter, cơ quan công tố đã viện dẫn điều luật, theo đó nói rằng một lời đe dọa sẽ được đưa ra xem xét trước pháp luật nếu người bị tố cáo cho thấy ý định làm hại người khác và người tố cáo có các căn cứ hợp lý để lo sợ bị làm hại.
Theo các nhà phân tích, công nghệ của thế kỷ 21 đã khiến cho ý định của một người nào đó trở nên khó phân biệt hơn. “Rõ ràng là các đạo luật khi được soạn thảo đã không xem xét đến những phát biểu mà chúng ta đang thấy trên internet và nhiều ứng dụng công nghệ”, ông Robert Weisberg, một giáo sư về luật hình sự tại Đại học Stanford nói.
Tuy nhiên, ông Weisberg nói rằng, các đạo luật là văn bản xác định rõ ràng đâu là một lời đe dọa và đâu không phải là đe dọa. Vì thế nên việc viết ra được những ngoại lệ cho các hành vi trên internet sẽ chỉ khiến cho các quy phạm pháp luật trở nên hỗn loạn hơn. “Những quy định sẽ luôn được áp dụng tương tự đối với các phát biểu qua điện thoại và email cũng sẽ được áp dụng đối với truyền thông xã hội”, ông Gabe Rottman, một thành viên hội đồng làm luật Mỹ nói.
Ông Rottman nói rằng, thay vào đó, cảnh sát và các công tố viên sẽ là những người phải có đầu óc sáng suốt hơn về việc áp dụng các quy định hiện hành. “Mọi người cần phải cẩn thận hơn về những điều mà họ phát ngôn. Dù là có chủ ý hay không, họ cũng sẽ xem xét những phát biểu này một cách nghiêm túc”, giáo sư Weisberg "chốt" lại.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)