Mới đây nhất, vụ kiện giữa nhạc sĩ Zack Hemsey (Mỹ) với Noo Phước Thịnh như một lời cảnh báo tới các ca sĩ, nhạc sĩ về “luật chơi” sở hữu trí tuệ và tuân thủ thực thi quyền tác giả.
Đòi bồi thường 850 triệu cho một phút vi phạm bản quyền
Mới đây, nhạc sĩ Zack Hemsey (Mỹ) đã có đơn kiện gửi TAND TPHCM khởi kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh vì vi phạm bản quyền. Trong phân cảnh từ khoảng phút 6:05 đến 7:30 của MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, ca sĩ Noo Phước Thịnh đã cắt xén, sử dụng tác phẩm “The Way” đang được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ Zack Hemsey để làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi của các diễn viên.
Nhạc sĩ Zack Hemsey yêu cầu Noo Phước Thịnh chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” có sử dụng tác phẩm/bản ghi âm “The Way” khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ, các trang mạng và bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận; bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng; bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng; thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng; Đây là vụ khởi kiện đầu tiên về bản quyền giữa tác giả người Mỹ và ca sĩ Việt Nam với số tiền bồi thường khá lớn là 850 triệu đồng.
Vụ kiện này khiến giới âm nhạc xôn xao, dậy sóng và không ít người chột dạ. Mấy năm trở lại đây, showbiz Việt đã xảy ra khá nhiều vụ lùm xùm giữa các ca sĩ, nhạc sĩ xung quanh chuyện bản quyền tác phẩm. Đó là các vụ hát, dùng nhạc không xin phép tác giả.
Còn nhớ năm 2014, ca sĩ Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc. Ba ca khúc của Sơn Tùng M-TP sáng tác được được cho là đạo nhạc nước ngoài gồm “Cơn mưa ngang qua” có nhiều đoạn giống lời bài hát của nhóm Namolla Family (Hàn Quốc), “Nắng ấm xa dần” giống Monologue (As One), “Cơn mưa ngang qua 3” đạo Remember của Bang Yong Guk B.A.P, “Em của ngày hôm qua” đạo Every Night của Exid.
Đáng chú ý là MV “Em của ngày hôm qua” còn có tạo hình, trang phục và cách quay MV giống với sản phẩm âm nhạc của nam ca sĩ G-Dragon (Hàn Quốc). Sơn Tùng thừa nhận đã sử dụng phần giai điệu có sẵn từ những beat miễn phí trên mạng. Vì đạo nhạc, BTC chương trình “Bài hát yêu thích” đã đưa ba ca khúc “Cơn mưa ngang qua”, “Đừng về trễ” và “Em của ngày hôm qua” của Sơn Tùng M-TP ra khỏi bảng xếp hạng.
Không chỉ những ca sĩ trẻ vin lý do “mù mờ” về bản quyền mà ngay cả khi các ca sĩ đàn anh, đàn chị cũng bị tố vi phạm bản quyền. Tháng 2 năm 2017, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, tác giả ca khúc “Anh thì không” tố ca sĩ Mỹ Tâm không xin phép, vi phạm bản quyền trên một số phương tiện truyền thông. Sau đó vài ngày, Mỹ Tâm đã đăng clip xin lỗi tác giả Vũ Xuân Hùng và khán giả đồng thời thừa nhận sai sót khi sử dụng ca khúc “Anh thì không” mà không xin phép.
Sẽ không còn những lời xin lỗi suông?
Việc vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam không hề ít. Nhưng khi một sự việc bị phát giác, bên này lập tức đòi kiện, bên kia tuyên bố mời luật sư, thậm chí hạn định thời gian vài ngày cho nhau và… kết thúc trong im lặng, cùng lắm chỉ là lời xin lỗi suông. Có thể nói, nạn vi phạm bản quyền góp phần “ngáng chân” ngành âm nhạc Việt thụt lùi.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam: “Trong hầu hết trường hợp, các vụ kiện tụng ca khúc độc quyền của giới nghệ sĩ thường chỉ nằm trên mặt báo, trong những lời dọa dẫm nhau trên mạng xã hội chứ hiếm khi được đưa ra tòa án để giải quyết đến nơi đến chốn”.
Điều đáng nói, hiện nay Việt Nam còn chưa có tòa chuyên trách và thẩm phán chuyên trách về quyền tác giả nên các tổ chức cá nhân lại càng dè dặt khi sử dụng quyền khởi kiện tại tòa. Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, dù đã thành lập hơn 15 năm nay nhưng ít có vụ việc xâm phạm bản quyền được đưa ra giải quyết công khai, cũng như chưa khởi kiện bất kỳ tổ chức, cá nhân vi phạm nào. Có lẽ, chính thái độ dễ dãi, “hòa cả làng” của những người bị xâm hại bản quyền và người vi phạm bản quyền đã khiến cho những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đi sau coi thường và ung dung vi phạm bản quyền.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể, hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình có thể bị xử phạt 35 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Về trách nhiệm dân sự, bị hại có quyền yêu cầu bồi thường số tiền lớn nếu chứng minh được hành vi vi phạm gây thiệt hại cho bản thân.
Mặt khác, nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án. Người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; áp dụng hình phạt bổ sung lên đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề.
Vụ kiện giữa nhạc sĩ Zack Hemsey (Mỹ) với Noo Phước Thịnh với số tiền gần một tỷ đồng như một lời cảnh báo tới các ca sĩ, nhạc sĩ về “luật chơi” mang tên sở hữu trí tuệ và tuân thủ thực thi quyền tác giả. Trong thế giới phẳng, “luật chơi” rõ ràng, thời gian tới, các nhạc sĩ, ca sĩ đạo nhạc sẽ khó có thể ung dung dùng nhạc người khác rồi khi bị phát giác thì chỉ cần… xin lỗi suông.